12:00 26/11/2021

TS. Phan Hữu Thắng: Nhân lực yếu là thất bại của cả Việt Nam, không riêng gì Bắc Ninh!

Kiều Linh

Khi Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) muốn mở rộng cơ sở 2 sản xuất máy tính bảng tại Bắc Ninh, họ không tìm ra nguồn nhân lực, nên buộc phải chuyển sang Mỹ. Chất lượng nhân lực yếu là thất bại của cả chúng ta, không riêng gì Bắc Ninh...

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thu hút vốn FDI còn rất nhiều tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân đến từ cả phía nhà đầu tư nước ngoài lẫn chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Những điều này dẫn đến hơn 30 năm mở cửa nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng tác động lan toả của khu vực này đến doanh nghiệp nội địa chưa tương xứng. Tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thấp, nhiều dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường...

Phát biểu tại toạ đàm "Bắc Ninh trên đường công nghiệp hoá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times tổ chức sáng 26/11, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh: "Thu hút, quản lý nguồn vốn FDI rất phức tạp, làm đau đầu từ quản lý cấp trên đến cấp dưới". Có 3 yếu tố quyết định tới việc thu hút dòng vốn FDI của địa phương.

Thứ nhất, là vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tiêu chí bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu. Nghiên cứu thời gian qua cho thấy vấn đề môi trường vẫn nhức nhối. Năm 2020, riêng Bắc Ninh phát hiện 550 vụ vi phạm môi trường và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, không phải riêng Bắc Ninh chưa tốt mà thực trạng này là của tất cả địa phương.

Thứ hai, là chuyển giao công nghệ tiên tiến. Chẳng hạn như Bắc Ninh đạt "3 cao" - suất vốn đầu tư cao, hiệu qủa kinh tế cao và công nghệ cao, nhưng phải đặt ra vấn đề là tiếp nhận được gì từ "3 cao" đó?

"Nên định hướng công nghiệp hoá rõ ràng, phải làm sao nâng cao năng lực công nghệ doanh nghiệp nội địa của Bắc Ninh chứ không phải công nghệ cao cứ nằm mãi ở doanh nghiệp FDI không chuyển giao được. Rồi còn nhiều vấn đề khác nữa mà tôi nghiên cứu như đầu tư chui, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp này như thế nào...rất phức tạp, khó quản lý", Tiến sĩ Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Toạ đàm "Bắc Ninh trên đường công nghiệp hoá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times tổ chức sáng 26/11.
Toạ đàm "Bắc Ninh trên đường công nghiệp hoá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times tổ chức sáng 26/11.

Thứ ba, là chất lượng nguồn nhân lực. Nhân lực của chúng ta hiện nay rất yếu. Theo thống kê, hiện có khoảng 4,7 triệu lao động làm việc trực tiếp trong khu FDI, trong đó 980.000 là chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, điều tra cho thấy 80% trong số đó chưa có chứng chỉ bằng cấp về đào tạo. Các doanh nghiệp FDI khi được hỏi có đến 60% cho rằng rất khó tìm nguồn lao động chất lượng cao. Ngay cả doanh nghiệp Việt Nam, theo điều tra của VCCI, 50% doanh nghiệp cũng cho rằng khó tìm nhân lực chất lượng cao. Đây là thất bại của chúng ta, của chung cả nước không riêng Bắc Ninh, về nguồn nhân lực.

Khi Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) muốn mở rộng cơ sở 2 sản xuất máy tính bảng tại Bắc Ninh, họ không tìm ra nguồn nhân lực. Ngay hiện tại Bắc Ninh, nguồn nhân lực tại khu công nghiệp là 300.000 lao động song Bắc Ninh chỉ cung cấp được 25%, 75% còn lại là lao động ở ngoại tỉnh, nên Foxconn lúc đó đã buộc phải chuyển sang Mỹ.

 
"Bắc Ninh đã thành công lớn khi thu hút các nhà đầu tư lớn như: Foxconn, SamSung, tạo tiền đề cho Bắc Ninh tiến tới mục tiêu Công nghiệp hoá nhanh hơn, nhưng mục tiêu doanh nghiệp nội địa thế nào phải tập trung, tìm ra doanh nghiệp nội địa tập phát triển công nghệ cao. Tôi tin tưởng rằng Bắc Ninh có thể đạt công nghiệp hoá trong năm 2030".
TS. Phan Hữu Thắng.

"Cũng rất đáng tiếc bởi chất lượng nguồn lực lao động của chúng ta, từ đó đã dẫn đến hệ luỵ khác, càng làm cách biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, một khi không đủ nguồn lực lao động, họ không liên kết được với doanh nghiệp trong nước. Cho nên bây giờ, vấn đề ngay lúc này là thu hút công nghệ cao nhưng giá trị thực ta thu được là gì nếu như không phát triển được doanh nghiệp nội địa?", ông Thắng nêu vấn đề khi dẫn câu chuyện của Foxconn.

Cái yếu của chúng ta chính là tại các hội nghị vấn đề này luôn được nhắc nhiều lần nhưng thực tiễn thực hiện lại chậm. Nếu để tiếp thu công nghệ cao mang lại giá trị thực cho Việt Nam thì có hai hệ thống chính sách ban hành rất lâu rồi, một là phát triển kinh tế tư nhân, hai là phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cả hai cái đó còn rất chậm, còn nhiều vấn đề chưa mang lại kết quả.

"Tôi cho rằng, hiện tại không nên đòi hỏi thay đổi chính sách gì cả mà hãy thực hiện tốt chính sách hiện có, sẽ mang lại kết quả tốt. Chính phủ vừa rồi ra Nghị quyết 105/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Muốn tiến tới công nghiệp hoá phải giữ chân nhà đầu tư và thực hiện tốt Nghị quyết 105 của Chính phủ.

Ở phía doanh nghiệp, theo TS. Phan Hữu Thắng, các doanh nghiệp cũng nên chủ động trao đổi với chủ đầu tư như Foxconn, nhờ họ đào tạo cho một lượng lao động nhất định. Con đường đó ngắn nhất, hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng nguồn lực lao động Việt Nam. Gắn trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài với đào tạo năng lực của lao động tại chỗ, mặt khác vẫn nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nước.