13:35 08/12/2023

Vì sao 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Gia Lai và Kon Tum giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 thấp nhất cả nước?

Anh Khuê

Ước tính đến hết tháng 10/2023, có 4/12 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước; bao gồm: tỉnh Gia Lai giải ngân ước đạt 39,46%, tỉnh Kon Tum ước đạt 48,91%, tỉnh Đồng Nai ước đạt trên 46% và tỉnh Bình Phước ước đạt trên 51%.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh minh họa.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh minh họa.

Tổ trưởng Tổ công tác số 5 Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc ngày 05/12/2023 đã ký báo cáo kết quả kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, theo Quyết định số 235/QĐ-TTg lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo này, bốn địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân chung cả nước trong năm 2023 tính đến thời điểm hiện tại, là Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai và Bình Phước. Nhiều khó khăn, vướng mắc đã ảnh hưởng lớn đến khả năng giải ngân của các địa phương. 

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vướng mắc lớn nhất liên quan đến cơ chế chính sách về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn cũng như trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước.

Kế đến là vướng mắc trong công tác xác định giá đất để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; vướng mắc về trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp theo Luật Khoáng sản năm 2010.

Ngoài ra, các địa phương còn gặp một số vướng mắc về công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, giao chậm so với thời điểm giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, gây khó khăn trong cân đối xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện các chương trình.

Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc này, cũng như căn cứ vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương, đặc biệt là hai tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum, và hai tỉnh Đông Nam Bộ là Đồng Nai và Bình Phước, Tổ công tác số 5 nhận định rằng, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95% theo kế hoạch đối với 4 tỉnh nói trên, là khó khả thi.

Thấp nhất là Gia Lai, ước đạt 39,46%. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã đề nghị các sở, ngành đôn đốc chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, cố gắng hoàn thành theo đúng kế hoạch. Đối với các dự án đang thi công, các chủ đầu tư và nhà thầu, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết đồng thời chịu trách nhiệm về tiến độ hoàn thành, giải ngân vốn dự án.

Kế đến là Đồng Nai, ước đạt 46%. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đông Nai, trong báo cáo cuối tháng 11/2023 vừa qua, cho biết tính đến hết tháng 10 tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư công 14.700 tỷ đồng của năm 2023, đạt tỷ lệ 34% kế hoạch. Theo giải thích của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, nguồn vốn đầu tư công được phân bổ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng lớn nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai đạt thấp vì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nguồn vật liệu và các quy hoạch chưa đồng bộ; trong đó, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai thực hiện các dự án.

Tỉnh Kon Tum ước đạt trên 46%, là địa phương thấp thứ 3 về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Hiện địa phương này đang có một số dự án vướng mắc trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, theo quy định của Luật Lâm nghiệp, và do quy trình, thủ tục chuyển đổi còn phức tạp, mất nhiều thời gian gây ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chung cao nhất vùng Đông Nam Bộ (7,36%), Bình Phước cũng là một trong bốn địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quan chung cả nước. Trong ảnh: Trung tâm TP. Đồng Xoài.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chung cao nhất vùng Đông Nam Bộ (7,36%), Bình Phước cũng là một trong bốn địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quan chung cả nước. Trong ảnh: Trung tâm TP. Đồng Xoài.

Ngày 08/11/2023 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã có thông báo kết luận về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023, yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ đối với chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp do nguyên nhân chủ quan. Đền bù, giải phóng mặt bằng và thiếu nguyên vật liệu đắp đường là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Kon Tum có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Theo báo cáo của Tổ công tác số 5, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó 3 dự án có tỷ lệ giải ngân 2%, gồm: Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm Kon Tum; dự án hệ thống thoát nước, vỉa hè các tuyến đường nội thành, TP. Kon Tum; dự án xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, TP. Kon Tum.

Tỉnh Kon Tum cũng có hai dự án có tỷ lệ giải ngân đạt 0%. Đó là dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 671 do Sở Giao thông vận tải Kon Tum làm chủ đầu tư, và dự án đường giao thông từ xã Đắk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) do Uỷ ban nhân dân huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư.

Địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong số 4 địa phương thấp nhất là Bình Phước, ước đạt trên 51%. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao cho tỉnh Bình Phước là 5.755,631 tỷ đồng. Dự ước đến cuối năm Bình Phước sẽ giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, tức đạt trên 51%.

Tổ công tác số 5 đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá sát khả năng thực hiện kế hoạch năm 2023, tổng hợp, báo cáo kịp thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm cơ sở để các bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Được biết, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, hết thời hạn giải ngân kế hoạch năm 2023 (31/01/2024), số vốn chưa giải ngân hết kế hoạch của các dự án sẽ bị hủy bỏ thu hồi về.