16:20 27/11/2023

Thủ tướng: Quy hoạch vùng Đông Nam bộ phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Thi Nguyễn

Vùng Đông Nam Bộ có đủ điều kiện để trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quy hoạch vùng phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc

Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ với chủ đề “Tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại TP.HCM vào chiều 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Quy hoạch Đông Nam bộ phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng".

BÁM SÁT THỰC TIỄN, DỰA TRÊN 3 TRỤ CỘT CHÍNH

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, báo cáo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phản ánh sự cố gắng, quyết tâm rất lớn của các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu để bảo đảm cả về chất lượng và tiến độ lập quy hoạch; thể hiện rõ nét quan điểm, mục tiêu phát triển và phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần quán triệt, bám sát và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; kết nối với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, thành.

“Tinh thần chung là kiến tạo phát triển và liên kết vùng. Quy hoạch phải mở và vận dụng linh hoạt, không vướng mắc khi có biến động lớn. Có nguồn lực thực hiện, bám sát tình hình thực tiễn để thực hiện một cách khả thi, bài bản, khoa học, hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả những khó khăn, thách thức của vùng.

“Cách tiếp cận, tư duy đột phá chứ không tịnh tiến, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, bám sát thực tiễn và dựa trên 3 trụ cột chính: Con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa - lịch sử. Con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa - lịch sử là động lực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo đó, việc huy động nguồn lực phải rất đa dạng, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Phải kết hợp nguồn lực Trung ương và địa phương, Nhà nước và tư nhân. Cơ chế, chính sách cũng là nguồn lực”,

Đồng thời, quy hoạch phải bắt kịp xu thế của thế giới, các ngành mới nổi như công nghệ số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh nhưng phải phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp khu vực Đông Nam bộ, phù hợp truyền thống lịch sử, văn hoá hào hùng của vùng Đông Nam bộ; khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, lợi thế con người.

“Khi làm được điều này, các nhà đầu tư vào triển khai chương trình, kế hoạch chiến lược của họ phù hợp với chiến lược của chúng ta. Điều này góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn lực đầu tư trong xã hội”, Thủ tướng nhận định.

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG, THÚC ĐẨY KINH TẾ BỀN VỮNG

Về mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng trong những năm tới, đi cùng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phù hợp.

Về cơ cấu kinh tế, cần phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, chia sẻ; Phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch là trọng tâm; phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, công nghệ cao, nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.

Đối với kết nối vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng bao gồm kết nối kinh tế, kết nối giao thông, kết nối an ninh quốc phòng, kết nối các nguồn tài nguyên. Về giao thông, cần phát triển mạnh cả 5 phương thức, lấy giao thông hàng không và hàng hải để đẩy mạnh kết nối quốc tế, các phương thức còn lại (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa) để kết nối trong nước.

Đồng thời, kết nối kinh tế vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ mang tính bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau; kết nối với cả nước; kết nối quốc tế với Lào, Campuchia, ASEAN; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Kết nối về an ninh quốc phòng với Lào, Campuchia và các nước ASEAN, chú ý kết nối trong bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tiểu vùng Mekong.

Về các dự án lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng cần xây dựng một trung tâm logistics lớn của vùng và cả nước gồm cả cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Cần Giờ (nằm hai bên bờ của một dòng sông), trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tiếp thu, giải trình đầy đủ.

Đối với các chương trình, dự án lớn khác của vùng là phát triển trung tâm tài chính quốc tế; hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt; các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương trong vùng, các bộ ngành, các vùng cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn.

“Tổ chức thực hiện quy hoạch cần bài bản, với các chế tài phù hợp, cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản lý thông minh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.