14:09 19/04/2023

Vì sao thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh?

Đỗ Phong

Việc đẩy mạnh vai trò của các tổ chức trung gian, tăng cường thông tin nguồn cung, kết nối, tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại hóa, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, tài sản trí tuệ vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là lời giải, góp phần thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam phát triển...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhân Ngày đổi mới sáng tạo quốc gia (21/4), Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), ngày 18/4 tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ- Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức Tọa đàm “Xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ” và công bố dự án cộng đồng "Nền tảng kết nối cung- cầu công nghệ Techtrust.vn". 

KẾT NỐI CUNG - CẦU CÔNG NGHỆ, THƯƠNG MẠI HÓA CÁC NGHIÊN CỨU

Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ, Việt Nam có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ; khoảng 77.000 bản ghi được thu thập về nguồn cung công nghệ.

Tuy vậy, theo số liệu Điều tra hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo năm 2019, chỉ có khoảng 16% các doanh nghiệp coi các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hóa khoa học công nghệ.

Cũng theo các số liệu khảo sát thì cả nước chỉ có khoảng 800 tổ chức trung gian hoạt động trong thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, khoảng 75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó, công nghệ và thiết bị từ những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển có chiều hướng tăng nhẹ trong những năm qua.

Vì sao thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh? - Ảnh 1

Từ thực tế này vấn đề đặt ra vì sao kết quả nghiên cứu của các viện, trường dồi dào cùng với nhu cầu tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của doanh nghiệp ngày càng tăng cao, nhưng thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh?

Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do thiếu nguồn thông tin cập nhật về các nguồn công nghệ trong nước. Khoảng cách giữa nguồn cung khoa học công nghệ trong nước và nhu cầu của người dùng, doanh nghiệp còn quá xa, chủ yếu nhập khẩu các thiết bị công nghệ từ nước ngoài.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng này là không có bên trung gian đánh giá khách quan về công nghệ. Vì vậy các giải pháp công nghệ không được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, phân loại, đánh giá về khả năng ứng dụng vào thực tiễn và tính phù hợp với từng nhu cầu của doanh nghiệp…

Do đó, việc liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân cần công nghệ ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và đời sống; tư vấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm công nghệ cao ứng dụng vào trong sản xuất, kinh doanh và đời sống nhằm tạo ra sự đột phá trong việc giải quyết các vấn đề xã hội là rất cần thiết.

Đây cũng là sứ mệnh của dự án cộng đồng nền tảng kết nối cung cầu công nghệ Việt Nam Techtrust.vn. Nền tảng được kỳ vọng sẽ đóng góp phần nào trong việc kết nối giữa cung- cầu công nghệ, thúc đẩy kết nối giữa các cá nhân, chuyên gia, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao và thương mại hoá công nghệ.

PHÁT TRIỂN THẾ HỆ DOANH NGHIỆP MỚI TRÊN CƠ SỞ KHAI THÁC TÀI SẢN TRÍ TUỆ, ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cho biết Khu công nghệ cao Hòa Lạc được hoạch định là một khu công nghệ cao quốc gia chuyên về nghiên cứu, phát triển công nghệ. Hiện Khu đang từng bước đẩy mạnh tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các sản phẩm công nghệ; phát triển một hệ sinh thái toàn diện với tư duy cởi mở thu hút các tài năng công nghệ nghiên cứu, làm việc.

"Chúng tôi hướng tới hình thành và phát triển một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng khoa học và công nghệ, mô hình kinh doanh mới tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia", ông Trung nói.

Các dự án đầu tư tại Khu đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ. Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động. Khu cũng được thiết kế để có hệ thống các đơn vị, tổ chức trung gian hỗ trợ cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu nhằm kết nối giữa khu vực nghiên cứu…

 
Việc nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian về chuyển giao công nghệ, thương mại hoá tài sản trí tuệ; hình thành mạng lưới liên kết có chất lượng cũng như xây dựng được niềm tin, cơ chế phối hợp giữa các tổ chức này có vai trò rất quan trọng.

Để phát triển Khu bám sát mục tiêu phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái  thông minh là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới.

Bên cạnh việc tập trung thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư công nghệ cao, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần thúc đẩy, tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ, thương mại hoá tài sản trí tuệ.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới việc cần cải thiện công tác thẩm định công nghệ của dự án, quy hoạch nhóm dự án vào các phân khu R&D sao cho có sự liên kết giữa các dự án và có sự đồng bộ, phù hợp về cơ sở hạ tầng cũng như làm sao để thu hút, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp... để có thể hình thành nên các doanh nghiệp có tiềm năng tạo nên giá trị, công nghệ tương lai...

Đặc biệt việc nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian về chuyển giao công nghệ, thương mại hoá tài sản trí tuệ; hình thành mạng lưới liên kết có chất lượng cũng như xây dựng được niềm tin, cơ chế phối hợp giữa các tổ chức này có vai trò hết sức quan trọng.

Theo ông Nguyễn Trường Phi, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, trong bối cảnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam đang hoàn thiện, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới thông qua R&D. Đồng thời, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, trước hết thông qua tiếp nhận và ứng dụng công nghệ, sau đó tiến tới tạo ra công nghệ.

Từ góc nhìn về quyền sở hữu trí tuệ đảm bảo cho các hoạt động xúc tiến công nghệ thành công, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, trong xúc tiến chuyển giao công nghệ điều quan trọng nhất phải có được công nghệ. Công nghệ tốt không chỉ mang lại giải pháp tốt mà còn phải được bảo hộ và bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ. Theo chuyên gia này, quyền sở hữu trí tuệ hiện nay là "cứu cánh" duy nhất về mặt pháp lý cho độc quyền công nghệ.

 
Trước đó, ngày 17/2/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 168/QĐ-BKHCN phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tìm kiếm chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030, trong đó nêu rõ mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của chương trình.