19:00 23/09/2022

Gỡ vướng thể chế để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ phát triển

Việc nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức là rất quan trọng để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường khoa học công nghệ hiện nay...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập".

NHIỀU NGHIÊN CỨU CHƯA ĐƯA VÀO THỰC TẾ ỨNG DỤNG

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng thị trường khoa học công nghệ Việt Nam được hình thành và đã có một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thị trường này vẫn tồn tại một số nghịch lý.

Cụ thể, ông Tâm cho hay trường đại học đóng vai trò nền tảng để tạo ra được sản phẩm khoa học công nghệ. Trên thị trường chuyển giao tri thức, các trường đại học có nhiệm vụ thực hiện tương tác với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức trong việc hợp tác nghiên cứu đề tài, tổ chức sự kiện mang tính cộng đồng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Đồng thời, kết quả nghiên cứu về cách thức phát triển các hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo đối với các trường đại học quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ ra rằng thương mại hóa kết quả nghiên cứu là một trong bốn giải pháp tất yếu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, quy trình hướng dẫn thực hiện của đề án thí điểm vẫn chưa được triển khai một cách đồng bộ và cơ chế thí điểm cũng chưa đủ độ rộng để các bên tham gia có động lực và lợi ích xuyên suốt quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo kinh nghiệm quốc tế.

"Muốn thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ thì phải tạo được động lực tăng mạnh giao dịch và giá trị hàng hoá khoa học và công nghệ, đặc biệt là giao dịch tài sản trí tuệ, giao dịch công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển. Trong khi, nền tảng quan trọng là cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, đấu giá tài sản tuệ nhằm đẩy nhanh ra thị trường, chia sẻ hợp tác khai thác tài sản trí tuệ vẫn chưa được chú ý", ông Tâm nói.

Thậm chí, theo GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện nay chưa có chính sách đảm bảo việc sử dụng các nhà khoa học khi triển khai doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không thành công. Chính vì vậy, các nhà khoa học còn chưa mạnh dạn dấn thân vào con đường thương mại hóa và các kết quả nghiên cứu vẫn chưa được đưa vào thực tế ứng dụng.

"Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả ứng dụng nổi bật, có nhiều công nghệ đã sẵn sàng chuyển giao, nhưng Viện vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh của mình trong công tác ứng dụng và thương mại hóa thương mại hoá tài sản trí tuệ của Viện vì còn gặp nhiều khó khăn, thách thức", GS.TS Châu Văn Minh đánh giá.

Ngoài ra, ông Minh còn cho rằng việc chưa đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế còn xuất phát cả từ phía các doanh nghiệp. Bởi lẽ, các doanh nghiệp trong nước khi đến làm việc thường chỉ quan tâm công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất, tức ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm vì có nhiều rủi ro. Trong khi với cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm nói riêng và của các đơn vị nghiên cứu trong cả nước nói chung hiện nay khó có thể tạo ra công nghệ sẵn sàng ở quy mô sản xuất lớn để chuyển giao.

Hoặc, nếu doanh nghiệp chấp nhận sử dụng công nghệ mới thì lại khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ chất lượng. Điều này xuất phát từ việc thiếu các tổ chức trung gian có vai trò là đầu mối hệ thống, quy mô vùng và quốc gia nhằm cung cấp các dịch vụ có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

CẦN TẠO CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Với thực trạng trên, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, nhìn nhận chuyển giao công nghệ là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế đang nổi lên như Việt Nam.

"Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần tạo chính sách để khuyến khích chuyển giao công nghệ. Chính phủ Việt Nam cần có ưu đãi cho các công ty đầu tư vào ngành công nghệ cao, các chính sách của Việt Nam cũng cần phải nỗ lực để khuyến khích đổi mới sáng tạo", ông Choi Joo Ho khuyến nghị và khẳng định: "Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để có thể tham gia vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung, chúng tôi cũng tiếp tục cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam vì lợi ích chung của cả hai bên".

Chung quan điểm, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, cho rằng việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ có thể đem lại một loạt lợi ích: (i) chương trình quốc gia giúp cho các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp tạo kết nối với nhau; (ii) đưa ra những hợp tác để tăng cường quan hệ giữa các bên liên quan; (iii) hỗ trợ các bên trung gian, các đơn vị chuyển giao công nghệ; (iv) nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới. 

Ông Andrew Goledzinowski chia sẻ về một số ví dụ về thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ như wifi không dây là một câu chuyện thành công. Đây là một sản phẩm được thương mại hóa bởi đội ngũ khoa học của đội ngũ khoa học của Australia. Tương tự, công nghệ polime để in tiền cũng là công nghệ được Australia thương mại hóa.

"Bài học ở đây là có nhân tài, có ý tưởng chưa đủ mà chúng ta phải có cả chính sách nữa. Thông qua đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể trở nên giàu có thịnh vượng", ông Andrew Goledzinowski nêu quan điểm.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), để duy trì hiệu quả kinh tế thì Việt Nam cần không ngừng đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo chính là cách để duy trì, đẩy mạnh năng suất trong tương lai.

"Việt Nam cũng đưa ra các ưu đãi thuế, nhưng Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa để có thể thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ. Tôi nghĩ có những chương trình toàn cầu mà Việt Nam có thể xem xét tham gia", đại diện WB chia sẻ.

Liên quan đến chính sách, đại diện đến từ WB đưa ra 2 khuyến nghị chính.

Thứ nhất, tái cân bằng các chính sách đổi mới. Việt Nam không cần tăng "vườn ươm" mới nhưng cần hỗ trợ cho các "vườn ươm" đã có sẵn để có thể gia tăng chất lượng cũng như đầu ra của sản phẩm đổi mới sáng tạo. Để làm được điều này, Việt Nam có thể xem xét xử lý các rào cản, chẳng hạn liên quan tới những quy định trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Hoặc, tăng cường huy động vốn cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, cần có những hệ thống đánh giá phù hợp về nhu cầu trong việc liên quan đến đổi mới sáng tạo. Đồng nghĩa, Việt Nam cần phát triển các tài sản cần thiết như hạ tầng cơ sở dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo, dự liệu lớn. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào tài sản quan trọng này.