Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 1
Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 2

Trước hết, ông có thể chia sẻ về tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn? Theo ông, so với các quốc gia khác, Việt Nam đang ở đâu trong ngành công nghiệp này?

Hiện nay, Việt Nam đã định hướng xây dựng khoảng 5 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là những nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Bên cạnh đó, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo và xây dựng một đội ngũ nhân lực mạnh mẽ, gồm khoảng 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ cho ngành này. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, thể hiện khát vọng và quyết tâm của Việt Nam trong việc vươn lên trở thành một trung tâm công nghệ bán dẫn trong khu vực.

So sánh với các quốc gia khác, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của hành trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật CHIPS, trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Đài Loan, đã có những chiến lược rõ ràng và ổn định trong hàng chục năm qua.

Đài Loan đã xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn từ những năm 1970 và hiện là một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Việt Nam đang dần từng bước hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua khát vọng đạt được 50.000 kỹ sư và chuyên gia bán dẫn vào năm 2030, đồng thời thu hút các “đại bàng” - tức là các tập đoàn lớn như Intel, TSMC, hay Samsung – để đầu tư vào Việt Nam.  Mục tiêu là xây dựng ba cụm công nghiệp bán dẫn tích hợp tại Hòa Lạc (Hà Nội), TP.HCM và Đà Nẵng, cùng với đó là phát triển chuỗi cung ứng hỗ trợ cho các lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với một số thách thức lớn.

Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 3

Vậy những thách thức lớn đó là gì? Ông nhận định thế nào về con số 50.000 kỹ sư bán dẫn chất lượng cao?

Để minh họa cho thách thức ngành bán dẫn, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện thú vị về “con voi và chiếc ngà voi”. Đây là câu chuyện mang tính biểu tượng. Chúng ta biết phần quý giá nhất của con voi chính là chiếc ngà, nhưng mỗi người, mỗi chuyên gia, mỗi nhà khoa học, hay mỗi doanh nghiệp lại có một góc nhìn khác nhau về con voi – được ví như ngành công nghiệp bán dẫn. Có người tập trung vào thiết kế chip, có người quan tâm đến sở hữu trí tuệ (IP) về chip và có người hướng đến sự phát triển tổng thể của ngành. Vì vậy, đôi khi chúng ta chưa hiểu hết được bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng ai cũng khao khát sở hữu “chiếc ngà voi”, tức là những giá trị cốt lõi như thiết kế chip hay công nghệ tiên tiến.

Về số lượng nhân lực, con số 50.000 kỹ sư vào năm 2030 không phải là nhỏ, nhưng các cơ sở đào tạo của Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu thực tế, đòi hỏi phải nâng cấp giáo trình, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp. Ngoài ra, số lượng chuyên gia đầu ngành đồng hành trong lĩnh vực bán dẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, tỷ lệ “chảy máu chất xám” vẫn ở mức cao, khi nhiều nhân tài được đào tạo tại Việt Nam lại chuyển ra nước ngoài làm việc.

Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 4

Vậy, làm thế nào Việt Nam giải quyết bài toán nhân lực bán dẫn, đặc biệt với mô hình phân bổ nhân lực theo tỷ lệ 7:2:1 – tức là 70% kỹ thuật viên, 20% kỹ sư thiết kế và sản xuất và 10% chuyên gia đầu ngành?

Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn tiếp tục với câu chuyện về “con voi và chiếc ngà voi”. Chúng ta kỳ vọng thu hút đầu tư ban đầu từ 200 đến 300 triệu USD mỗi năm để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong vòng 3 năm, chúng ta cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia hàng đầu, hay còn gọi là những “nhân vật siêu việt”, để dẫn dắt ngành này. Đồng thời, chúng ta cần những “thần đồng thiết kế” – những tài năng trẻ và những kỹ sư đầu ngành có trình độ cao.

Đây chính là “chiếc ngà voi” mà chúng ta hướng tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái nhân lực bền vững, với khoảng 25.000 kỹ sư thiết kế, 15.000 chuyên gia vật liệu và 10.000 nhân lực trong chuỗi cung ứng. Hiện nay, chuỗi cung ứng của chúng ta vẫn còn hạn chế, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt.

Về chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào khâu cuối - tức là đóng gói và kiểm thử. Tuy nhiên, chuỗi giá trị đầy đủ bao gồm ba giai đoạn chính: thiết kế, sản xuất và đóng gói/kiểm thử. Hiện tại, một số doanh nghiệp đã bắt đầu tham gia vào khâu thiết kế - khâu đầu tiên và mang giá trị cao nhất.

Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 5

Làm thế nào Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào khâu thiết kế - khâu mang lại giá trị cao nhất, thưa ông?

Công nghệ bán dẫn được xem là công nghệ chiến lược, nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về khâu thiết kế và vai trò của nó. Để phát triển ngành này, chúng ta cần xây dựng một cấu trúc bền vững từ thấp đến cao, với mô hình “kim tự tháp”.

Nhóm thứ nhất, khoảng 5% nhân lực là những “tinh hoa”, gồm các tổng công trình sư, chuyên gia đầu ngành và nhà quản lý có khả năng dẫn dắt và định hướng. Nhóm này cần được hỗ trợ bởi chính sách vượt trội và mức lương cạnh tranh với quốc tế, có thể lên đến 10.000-18.000 USD/tháng, hoặc thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, với mặt bằng thu nhập hiện nay tại Việt Nam, việc chi trả mức lương này là một thách thức lớn.

Nhóm thứ hai, chiếm khoảng 35%, là các kỹ sư thiết kế, sản xuất, phần mềm nhúng, vật liệu, và kiểm thử, với yêu cầu trình độ từ thạc sĩ trở lên hoặc kinh nghiệm từ 3 đến 8 năm. Nhóm này cũng cần mức lương cạnh tranh, tương đương với chuẩn quốc tế.

Nhóm thứ ba, chiếm khoảng 60%, là các kỹ thuật viên, bao gồm kỹ thuật viên phòng sạch, kỹ thuật viên kiểm định chất lượng và nhân viên đóng gói/kiểm tra, với trình độ từ cao đẳng đến đại học. Mức lương cho nhóm này dao động từ 1.000 đến 2.500 USD/tháng.

Tuy nhiên, với mặt bằng lương hiện nay, chúng ta chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, tức là khoảng 2.000 USD/tháng và việc nâng lên mức 18.000–20.000 USD cho các chuyên gia đầu ngành là một bài toán khó.

Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 6

Trong bối cảnh này, theo ông, Việt Nam nên thực thi kịch bản nào để đạt được các mục tiêu?

Để minh họa cho những giải pháp khả thi, tôi xin chia sẻ một số bài học từ các quốc gia khác. Trường hợp thứ nhất là Đài Loan - một điển hình thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đài Loan đã thành lập Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp (ITRI) vào năm 1973 với vốn điều lệ ban đầu khoảng 30 triệu USD. Hiện nay, ITRI đóng góp ngân sách khoảng 500 triệu USD mỗi năm, với 67% từ Chính phủ và 33% từ doanh nghiệp. Viện này có khoảng 6.000 nhà nghiên cứu làm việc tại 12 cơ sở, tham gia sâu vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn. TSMC, một trong những công ty bán dẫn hàng đầu thế giới, được thành lập vào năm 1987 với 145 kỹ sư ban đầu, dựa trên nền tảng do ITRI xây dựng. Đây là minh chứng cho việc chính phủ cần tạo ra các cơ sở nghiên cứu ban đầu để thúc đẩy ngành.

Trường hợp thứ hai là Malaysia, một quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể trong ngành bán dẫn, chiếm 13% thị phần toàn cầu và thu hút 40 tỷ USD đầu tư FDI từ năm 1995 đến 2020, với sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Intel, AMD. Tuy nhiên, Malaysia đang gặp thách thức khi bị mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”, với 85% nhân lực vẫn tập trung vào các khâu có giá trị thấp như đóng gói và kiểm tra, thay vì tiến lên các khâu thiết kế và sản xuất. Bài học từ Malaysia cho thấy nếu Việt Nam không cẩn thận, thì chúng ta có nguy cơ rơi vào tình trạng tương tự trong 5–10 năm tới.

Dựa trên những phân tích này, tôi xin đưa ra một số khuyến nghị để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam theo mô hình 7:2:1. Về phân bổ nhân lực, nên dành 55% cho kỹ thuật viên trong nhà máy; 33-35% cho kỹ sư thiết kế, chế tạo và kiểm thử; và 10% cho các chuyên gia nghiên cứu và công nghệ hỗ trợ. Để đạt được điều này, cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, không chỉ tập trung vào khối các trường kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Quốc gia Hà Nội, mà còn phải bao gồm các lĩnh vực liên quan như vật liệu, sinh học, và logistics.

Về giải pháp, một là, chúng ta cần thực hiện mô hình đào tạo “song tấu” - vừa đào tạo tinh hoa, vừa đào tạo thực chiến. Điều này có nghĩa là cần có 5% chuyên gia đầu ngành, bao gồm các tổng công trình sư, giáo sư thỉnh giảng, hoặc chuyên gia giàu kinh nghiệm để dẫn dắt các dự án lớn. Đồng thời, chúng ta phải đào tạo đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên thực chiến, có khả năng tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.

Hai là, thu hút các “đại bàng”, tức là các tập đoàn lớn và chuyên gia quốc tế,  thông qua ba yếu tố: chính sách vượt trội, môi trường sống lý tưởng, quyền tự chủ học thuật. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cùng Luật Công nghiệp công nghệ số, được thông qua ngày 27/6/2025, đã tạo cơ sở pháp lý cho những chính sách này, với hiệu lực từ ngày 1/10/2025. Các chính sách này bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính, quyền tự chủ trong nghiên cứu, đặc biệt cho tổng công trình sư và nhân tài từ nước ngoài.

Ba là, tái cấu trúc các trường đại học để trở thành những trung tâm năng động, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Cụ thể, cần xây dựng các phòng thí nghiệm dùng chung, với sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, khuyến khích các mô hình spin-off, startup và chuyển giao công nghệ.

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cũng sẽ hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn thông qua tài trợ, đặt hàng thực hiện chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ kinh phí để ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hoạt động phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn: giai đoạn nền tảng, giai đoạn tăng tốc, giai đoạn chuyên sâu. Trong đó, con người luôn là yếu tố cốt lõi. Hiện nay, các chính sách cơ bản đã được ban hành, nhưng việc triển khai phụ thuộc vào sự phối hợp giữa các trường đại học, doanh nghiệp, và các cơ quan liên quan.

Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 7

Ông có nói rằng trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam muốn phát triển như Mỹ, phải học cách của Đài Loan và tránh sai lầm của Malaysia. Xin ông giải thích rõ hơn về nhận định này?

Thứ nhất, "đích đến là Mỹ", đây là hình mẫu về một cường quốc đổi mới sáng tạo. Mỹ là đỉnh cao của ngành bán dẫn. Họ không thống trị về sản xuất, nhưng họ nắm giữ phần giá trị nhất của chuỗi: thiết kế (72,3% thị phần toàn cầu) và R&D (đầu tư 62 tỷ USD/năm). Mỹ có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn hảo với hơn 45 trường đại học trong Top 100 thế giới, một mạng lưới hơn 200 trung tâm thiết kế hàng đầu. Mỹ là hình mẫu về một quốc gia dẫn dắt công nghệ, tạo ra các xu hướng và sở hữu các công nghệ lõi. Đó là "đích đến" mà mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều khao khát.

Thứ hai, con đường hay cách làm phải là Đài Loan. Đây là một bài học về cách đi cho nước xuất phát sau. Việt Nam mong muốn phát triển như Mỹ nhưng Việt Nam không thể sao chép con đường của Mỹ. Hệ sinh thái của Mỹ đã được bồi đắp qua cả thế kỷ. Chúng ta không có nền tảng đó. Cố gắng làm như Mỹ ngay từ đầu giống như xây một tòa nhà chọc trời mà không có móng.

Đây là lúc chúng ta phải nhìn sang Đài Loan. Họ cũng có xuất phát điểm thấp như chúng ta. Nhưng họ đã có một chiến lược cực kỳ thông minh và kiên trì. "Con đường Đài Loan" có 3 đặc điểm chính.

Một, Nhà nước dẫn dắt quyết liệt. Như đã nói, Chính phủ Đài Loan đã đầu tư 8-10% GDP cho R&D từ những năm 1970, thành lập Viện ITRI làm "tổng công trình sư".

Hai, mô hình "Triple Helix" (Nhà nước - Đại học - Doanh nghiệp) của Đài Loan rất hoàn hảo. ITRI nhận lệnh từ Nhà nước, bắt tay với đại học để đào tạo, sau đó "spin-off" (tách ra) thành các công ty như TSMC, UMC. Các công ty này lớn mạnh rồi lại quay lại tài trợ cho ITRI và các trường đại học. Nó tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín, tự nuôi dưỡng và lớn mạnh.

Ba, Đài Loan tập trung xây dựng năng lực từ gốc. Họ không vội vàng thu hút FDI bằng mọi giá. Họ tập trung đào tạo con người, làm chủ công nghệ từ ITRI rồi mới chuyển giao cho các doanh nghiệp như UMC và TSMC. Họ xây dựng "Con Voi" trước khi có những chiếc "Ngà Voi" tỷ USD.

Đây chính là con đường mà Việt Nam phải học: một chiến lược có Nhà nước dẫn dắt, lấy viện nghiên cứu làm hạt nhân, liên kết chặt chẽ với đào tạo và công nghiệp.

Thứ ba, tránh sai lầm của Malaysia. Malaysia là một câu chuyện cảnh tỉnh. Họ đã thành công rực rỡ trong khâu OSAT (lắp ráp, kiểm thử) suốt 50 năm, thu hút 40 tỷ USD vốn FDI, tạo ra 150.000 việc làm. Nhưng đó cũng chính là cái bẫy của họ. Đó là Malaysia bị "mắc kẹt" ở phân khúc giá trị thấp, giá trị gia tăng của họ chỉ đạt 15-20%, so với 45-60% ở khâu thiết kế. Sau 5 lần nỗ lực, họ vẫn không thể dịch chuyển lên các khâu có giá trị cao hơn.

Nguyên nhân là Malaysia đã không xây dựng được "Con Voi" nhân lực ở tầng trên. Họ đối mặt với "chảy máu chất xám" (18.000 kỹ sư giỏi sang Singapore), đầu tư cho R&D thấp và hệ thống đại học không đáp ứng được yêu cầu của ngành thiết kế.

Việt Nam hiện đang có những dấu hiệu rất giống Malaysia giai đoạn đầu. Chúng ta rất mạnh về OSAT với các nhà máy tỷ USD của Intel, Amkor. Nếu chúng ta tự mãn với điều này và không đầu tư quyết liệt cho R&D, thiết kế và đào tạo nhân lực đỉnh cao, chúng ta sẽ lặp lại sai lầm của Malaysia và mãi mãi chỉ là một trung tâm gia công, lắp ráp cho thế giới.

Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 8

Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam có thể tháo gỡ các “nút thắt” trong ngành công nghiệp bán dẫn?

Tôi xin đưa ra ba khuyến nghị.

Một là, đối với Chính phủ, cần tiếp tục ban hành các chính sách “thảm đỏ” để thu hút nhân tài, bao gồm miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ chi phí nghiên cứu lên đến 150%, và miễn thuế 5 năm cho doanh nghiệp đầu tư vào bán dẫn. Các nghị định và thông tư cần được ban hành nhanh chóng để cụ thể hóa Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Hai là, đối với doanh nghiệp, cần tham gia sâu hơn vào đào tạo, đầu tư 5–10% lợi nhuận vào các trung tâm đào tạo, và hợp tác với trường đại học để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ba là, đối với các trường đại học, cần chuyển mình mạnh mẽ, xây dựng mô hình “lên xuống” (spin-up, spin-down) và hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra các chương trình đào tạo thực tiễn.

Theo tôi, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta cần xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững. Mỗi thành phần trong hệ sinh thái - từ Chính phủ, trường đại học, đến doanh nghiệp - đều phải biết mình đang làm gì và làm thế nào để “sống được”. Chỉ khi hệ sinh thái này phát triển đồng bộ, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu 50.000 kỹ sư chất lượng cao và đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn trong tương lai gần.

Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 9

VnEconomy 08/07/2025 06:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2025 phát hành ngày 07/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Việt Nam nên phát triển công nghiệp bán dẫn theo mô hình “kim tự tháp” - Ảnh 10