Việt Nam nỗ lực giảm nghèo đa chiều, nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức
Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, song phía trước vẫn còn nhiều thách thức…
Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chiến lược giảm nghèo thành công của Việt Nam” do Hội hữu nghị Canada-Việt Nam tổ chức cuối tuần qua đã thảo luận về các chương trình và chính sách của Việt Nam đã thực hiện nhằm xóa nghèo và nâng cao mức sống cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.
CHÚ TRỌNG NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CHO NGƯỜI NGHÈO
Việt Nam đã đặt mục tiêu cho chương trình giảm nghèo quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, với mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên toàn quốc từ 1-1,5%, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 3% và các huyện nghèo là từ 4-5%. Việt Nam cũng đạt mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo đói trước thời hạn đề ra.
Ông Philip Fernandez, thay mặt cho Hội hữu nghị Canada-Việt Nam đánh giá cao thành công của Việt Nam trong công tác giảm nghèo. Ông cho rằng kết quả mà Việt Nam đã đạt được là không thể phủ nhận, phản ánh chính sách và tầm nhìn coi người dân là trung tâm của Chính phủ Việt Nam.
Ông Philip Fernandez dẫn lời của Đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc đánh giá cao về thành tích giảm nghèo và phát triển nhân lực. Kinh nghiệm giảm nghèo của Việt Nam là những bài học quý giá cho các quốc gia đang phát triển.
Ngoài ra, Việt Nam cũng thành công trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 thông qua chương trình tiêm chủng vaccine và điều này tạo cơ hội cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022, trong đó có sự hồi phục đáng kể về tiêu dùng trong nước của các hộ gia đình nghèo và cận nghèo.
Đánh giá về hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương bố trí ngân sách để tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo cho người dân theo quy định.
Chỉ riêng trong năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung như: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; về giáo dục và đào tạo; về y tế; về nhà ở; về trợ giúp pháp lý; về văn hóa, thông tin.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng việc huy động vốn từ doanh nghiệp, cá nhân và nguồn huy động khác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Năm 2022 có trên 1.200 công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế và công trình khác được xây dựng trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; trên 500 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hơn 500 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được triển khai thực hiện; khoảng 65.000 người nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo được đào tạo kỹ năng nghề...
THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Mặc dù vậy, thực tế công tác giảm nghèo vẫn còn rất nhiều thách thức. Bởi phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ở một số địa phương còn chậm.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Trước những bối cảnh như vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2023 tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Đặc biệt là chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các văn bản có liên quan, dự kiến ngân sách trung ương bố trí thực hiện năm 2023 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là 11.402,066 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 5.400,066 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.002 tỷ đồng) chưa bao gồm 1.700 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở” cho người nghèo…