16:27 17/10/2022

“Hành trình của hy vọng” với nhiều mô hình giảm nghèo bền vững

Lý Hà

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, khẳng định Đảng, Nhà nước luôn luôn có những chủ trương, chính sách, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thực hiện các mục tiêu để hỗ trợ cho người nghèo vươn lên thoát nghèo...

 “Hành trình của hy vọng" là chủ đề dành cho “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022.
“Hành trình của hy vọng" là chủ đề dành cho “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022.

"Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 với chủ đề “Hành trình của hy vọng” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Chính phủ sẽ được tổ chức vào lúc 20h10 ngày 17/10/2022, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 (17/10/2022 - 18/11/2022).

Thưa bà, các doanh nghiệp lớn hay nhỏ luôn là những điếm sáng trong việc “chung tay” đóng góp nguồn lực cho Quỹ Vì người nghèo trong Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Năm nay, các doanh nghiệp đang rất khó khăn để vượt qua đại dịch Covid-19, vậy Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kỳ vọng như thế nào về những đóng góp của cộng đồng này?

Qua 2 năm đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các tập đoàn, các doanh nghiệp trong cả nước đang trong quá trình phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh cho nên chúng tôi cũng không đặt ra mục tiêu năm nay phải đạt được con số là bao nhiêu cho Quỹ “Vì người nghèo” và bao nhiêu kinh phí cho chương trình an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh

Tuy vậy, năm nay với những định hướng cụ thể từ Thủ tướng Chính phủ và sự đồng hành của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình sẽ có sự lan tỏa mạnh mẽ hơn đến với cộng đồng doanh nghiệp. Mong rằng các doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục thể hiện sự chia sẻ, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc và trách nhiệm xã hội của mình, để Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” ngày càng được đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp hưởng ứng nhiều hơn.

Tính đến nay, sau khi phát đi thông báo chính thức để tiếp nhận, tài khoản của Quỹ “Vì người nghèo” đã nhận được đăng ký của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và kiều bào ta ở nước ngoài. Hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng lên.

Những năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn tích cực tham gia cùng Chính phủ, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo qua từng giai đoạn. Bà đánh giá như thế nào về những kết quả giảm nghèo bền vững  thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, thưa bà?

Giảm nghèo và các chương trình an sinh xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được Mặt trận các cấp thực hiện hiệu quả nhiều năm qua. Cụ thể, thông qua Quỹ “Vì người nghèo” từ Trung ương đến địa phương, hai năm trở lại đây, việc triển khai Quỹ “Vì người nghèo” diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để thể hiện trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành trong việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, người nghèo có điều kiện khắc phục hoàn cảnh để vươn lên, chúng tôi vẫn tiếp tục các hoạt động của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương để vận động các nguồn lực cho công tác hỗ trợ người nghèo.

Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế khi bị ảnh hưởng của Covid-19, nhưng sự chung tay của toàn xã hội cho công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo vẫn nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất tích cực của các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương tiếp nhận trên 171,135 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” địa phương tiếp nhận trên 3.694 tỷ đồng; đồng thời vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trên 15.448 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sự chung tay, chia sẻ của các tập đoàn, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và người Việt Nam ở nước ngoài đã cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ cho người nghèo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỷ đồng.

Không dừng lại ở số kinh phí vận động được, chúng tôi nhận thấy hiệu quả cao nhất của chương trình chăm lo cho người nghèo và Quỹ “Vì người nghèo” là việc đã kết nối được tấm lòng của những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có mong muốn hỗ trợ cho người nghèo, các hộ gia đình khó khăn, đặc biệt ở những vùng khó khăn và các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ trong những năm vừa qua.

Thưa bà, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 đã có những điểm mới về cách tiếp cận giảm nghèo bền vũng. Vậy Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã và sẽ  tổ chức hỗ trợ người dân và những hộ nghèo như thế nào theo cách tiếp cận mới về giảm nghèo bền vũng?

Về việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo, Mặt trận Việt Nam đã chủ trương tập trung vào một số nội dung quan trọng hướng theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ cho phù hợp với từng giai đoạn. Đó là:

Thứ nhất, hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn chưa có mái ấm, chưa có nơi ở ổn định. Trong 3 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ được trên 102.00 căn nhà cho các hộ nghèo. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ cho các gia đình khó khăn để đảm bảo cho con em của họ được đến trường. 3 năm qua, có gần 600.000 em của các gia đình khó khăn được cho vay để trang trải học phí, được trang bị sách vở để đi học.

Một điểm đáng lưu ý vì nó rất hiệu quả đó là hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình khó khăn để họ có điều kiện làm ăn, phát triển sản xuất; phát huy được sức lao động, nội lực để họ vươn lên, đáp ứng được mục tiêu thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm để tạo điều kiện cho hộ nghèo vay không lãi suất, có vốn sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, chúng tôi xây dựng các dự án để hướng dẫn các mô hình thoát nghèo bền vững. Hiện nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai được 61 mô hình ở 35 tỉnh, thành phố. Mỗi một mô hình sẽ hướng dẫn từ 20 - 50 hộ gia đình cách thức làm ăn. Mỗi nhóm ở cộng đồng tham gia dự án gồm những hộ gia đình làm ăn khá giả, những hộ vừa thoát nghèo, đặc biệt phần đông là các hộ nghèo, khó khăn để những gia đình làm ăn khá giả hướng dẫn cách thức làm ăn cho các gia đình khó khăn. Đối với những hộ vừa thoát nghèo, khi tham gia mô hình sẽ có điều kiện tiếp tục thoát nghèo bền vững.

61 mô hình này có tổng số vốn ban đầu là 22 tỷ đồng, được hỗ trợ từ kinh phí hằng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình đã duy trì đến chu kỳ thứ ba. Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục thực hiện hình thức này trong thời gian tới.

Niềm vui được mùa. Ảnh: TTXVN
Niềm vui được mùa. Ảnh: TTXVN

Năm nay, để triển khai mục tiêu này, chúng tôi cũng sẽ đăng tải luôn số tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội để các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ Quỹ “Vì người nghèo” có thể gửi vào tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ theo dõi nguồn ủng hộ đó để thực hiện cho vay đối với các hộ nghèo trên địa bàn cả nước.

Được biết, năm nay Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” sẽ được tổ chức với chủ đề “Hành trình của hy vọng”. Và đây cũng chính là thông điệp cho một giai đoạn giảm nghèo bền vững mới theo các tiêu chí nghèo đa chiều, thưa bà?

Tên của chương trình là tên của mục tiêu, tên của phong trào “Cả nước chung tay người nghèo”- không để ai bỏ lại phía sau. Chúng tôi muốn chuyển đến một thông điệp cho nhân dân cả nước.

Đó là, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn luôn có những chủ trương, chính sách để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thực hiện các mục tiêu để hỗ trợ cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Thứ hai, hy vọng sự chung tay của toàn xã hội sẽ được nhân rộng, sẽ được lan tỏa. Thứ ba, với một mong muốn, hy vọng là người nghèo có một cơ hội vươn lên thoát nghèo. Họ làm chủ chính cuộc sống của họ, để không bị ai bỏ lại phía sau.