15:46 23/03/2023

Việt Nam và OECD ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế, ngăn hành vi trốn thuế quốc tế

Trâm Anh

Việt Nam vừa ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế hợp tác về hành chính thuế (Hiệp định MAAC) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Hội đồng châu Âu phát triển với 146 nước ký kết, nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế quốc tế...

Bà Josée Fecteau, Trưởng Ban Pháp chế OECD trao bản sao chứng thực Hiệp định MAAC cho Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn.
Bà Josée Fecteau, Trưởng Ban Pháp chế OECD trao bản sao chứng thực Hiệp định MAAC cho Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn.

Chiều ngày 22/3, tại Paris, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức Lễ ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (Hiệp định MAAC) đối với Việt Nam.

Hiệp định MAAC được OECD và Hội đồng châu Âu (EC) cùng phát triển vào năm 1988 và được sửa đổi bởi Nghị định thư năm 2010 để mở rộng cho các nước không phải thành viên OECD, Liên minh Châu Âu (EU) tham gia ký MAAC.

MAAC là một khuôn khổ pháp lý quốc tế đa phương toàn diện nhất hiện nay quy định bao quát các hình thức hợp tác quốc tế về hành chính thuế để giải quyết trốn thuế và tránh thuế như trao đổi thông tin theo yêu cầu, tự động, tự nguyện; kiểm tra thuế; đồng thời, kiểm tra thuế ở nước ngoài, hỗ trợ thu hồi nợ thuế.. và một số quy định khác về hiệu lực, phê duyệt, bảo lưu, bãi ước Hiệp định MAAC.

Nói cách khác, Hiệp định MAAC hỗ trợ các nước thành viên thực thi tốt hơn các luật thuế của mình thông qua việc áp dụng các công cụ pháp lý quốc tế để trao đổi thông tin thuế và hợp tác về hành chính thuế nhằm chống trốn, tránh thuế quốc tế và các hình thức không tuân thủ khác. 

Tính đến ngày 30/1, MAAC có 146 nước ký hiệp định, nhiều hơn các nước đã ký Hiệp định thuế đa phương (MLI) hiện có 100 bên tham gia ký, trong đó có 63 nước đã ký Hiệp định thuế với Việt Nam.

MAAC có hơn 9.000 thỏa thuận song phương, trong đó có tất cả các thành viên G20, OECD, EU, các nước thuộc khối BRICS gồm: Brazil, Nga, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, các trung tâm tài chính lớn, các thiên đường thuế, các nước đang phát triển khác tham gia ngày càng tăng.

 

"Đến nay, MAAC là công cụ toàn cầu hữu hiệu nhất cho hoạt động hợp tác đa phương trong trao đổi thông tin và các hình thức hỗ trợ hành chính khác về thuế. Tham gia MAAC sẽ đem lại cho Việt Nam cũng như các nước nhiều lợi ích như: hình thức thuế áp dụng rộng hơn, nhiều hình thức hỗ trợ hành chính hơn, đối tượng áp dụng rộng hơn…", Tổng cục Thuế thông tin.

Đặc biệt, MAAC là khuôn khổ pháp lý toàn cầu về trao đổi thông tin, ký MAAC sẽ tạo tiền đề để Việt Nam tham gia ký Thỏa thuận đa phương giữa các nhà chức trách có thẩm quyền (MCAA).

Đồng thời, MAAC cung cấp căn cứ pháp lý về hợp tác hành chính thuế với nhiều nước.

Trước những lợi ích từ việc ký kết và MAAC, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc gia tăng nhanh chóng mạng lưới trao đổi thông tin với các bên tham gia MAAC.

Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp lý đa phương để mở rộng hợp tác quốc tế về hành chính thuế, thực hiện chủ trương về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Việc gia nhập MAAC cũng là điều kiện cần thiết theo yêu cầu đối với thành viên Diễn đàn hợp tác thực hiện Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận; đồng thời, đây cũng là tiêu chí của EU đánh giá mức độ hợp tác của một quốc gia về các vấn đề thuế.

Từ đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế đa phương như APEC, ASEAN…

Nhân dịp này, đoàn công tác của Bộ Tài chính có các cuộc họp trao đổi với OECD về triển khai trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu, cập nhật của các nước trên thế giới, hướng dẫn của OECD về giải pháp thưc hiện trụ cột 2 cũng như hỗ trợ của OECD trong việc triển khai thực hiện tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Liên quan đến việc triển khai chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, Chính phủ đã thành lập tổ công tác chuyên về trụ cột 2 với sự tham gia của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp và đưa ra được quy chế hoạt động. Bộ Tài chính cũng có dự thảo các biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó, tận dụng cơ hội từ các cải cách chính sách thuế toàn cầu.

Trước mắt, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD. Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam.

Về trung hạn, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…