16:47 14/06/2022

Hết ưu đãi thuế, Việt Nam thất thế trong cuộc đua "đón đại bàng FDI về làm tổ"?

Ánh Tuyết

Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng năm 2023 sẽ đánh mất lợi thế dùng ưu đãi thuế thu hút các "đại bàng FDI". Vì vậy, cần sớm tính toán tác động và phản ứng nhanh để thay đổi chính sách thu hút FDI...

Cùng với việc ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi, Việt Nam tiếp tục là "điểm sáng" thu hút doanh nghiệp FDI.
Cùng với việc ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi, Việt Nam tiếp tục là "điểm sáng" thu hút doanh nghiệp FDI.

Đó là nội dung tại Hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức ngày 14/6, tại Hà Nội. 

Các chuyên gia cho rằng, nhìn nhận về mặt tích cực, việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) với gần 140 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam, sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, điều này sẽ đặt Việt Nam trước hàng loạt thách thức mới do Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là đối với các dự án trọng điểm áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

CHẤM DỨT "CUỘC ĐUA XUỐNG ĐÁY" TRONG ƯU ĐÃI THUẾ

Tháng 6/2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và được nguyên thủ các quốc gia G20 thông qua dự án BEPS với hai nội dung chính: (i) phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận; (ii) đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu, đặt nền móng cho việc ngăn vấn nạn trốn thuế, rửa tiền thông qua "thiên đường thuế”.

Một cột mốc đáng chú ý sau đó vào ngày 8/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS mà Việt Nam là một thành viên chính thức ban hành tuyên bố về khung giải pháp “Hai trụ cột” với sự đồng thuận của 139 nước thành viên, chiếm đến 90% GDP toàn cầu.

Toàn cảnh hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" ngày 14/6.
Toàn cảnh hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" ngày 14/6.
 

Trong đó, “Trụ cột 2” trong thỏa thuận này đề cập, kể từ năm 2023, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu Euro, tương đương 870 triệu USD trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Ước tính, mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm vào thu nhập từ thuế.

Đánh giá về chính sách này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhìn nhận, thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy”, tức việc các nước đua nhau giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp FDI.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tạo ra một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2023.

Cũng theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu còn góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng.

Theo đó, khung pháp lý về thuế của Việt Nam nói riêng được hoàn thiện hơn, từ đó, thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...

Cùng với đó, thuế tối thiểu toàn cầu còn góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế, chặn hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài - một chiêu né thuế tinh vi của các tập đoàn xuyên quốc gia tại Việt Nam.

Theo tính toán của OECD, các tập đoàn đa quốc gia lẩn tránh khoảng 100-240 tỷ USD tiền thuế hàng năm của các quốc gia đang phát triển.

KHÔNG CÒN ƯU ĐÃI THUẾ, VIỆT NAM CÒN HẤP HẪN?

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, việc áp dụng thuế toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, "việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến dòng vốn FDI có những xáo trộn trong ngắn hạn", ông Lực nói và bày tỏ sự lo ngại, sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi.

Cùng chung quan điểm, bà Annett Perschmann-Taubert, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, PwC Việt Nam cho hay, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư thông qua các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó áp dụng giảm thuế hoặc miễn thuế.

"Với việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, những ưu đãi thuế này có thể không còn mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp đa quốc gia nữa", bà Annett Perschmann-Taubert đánh giá.

 
Bà Annett Perschmann-Taubert, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, PwC Việt Nam.
Bà Annett Perschmann-Taubert, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, PwC Việt Nam.

"Việt Nam có thể để thua trong cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư bởi các ưu đãi thuế tại Việt Nam hiện nay không còn hấp dẫn và các nhà đầu tư có thể lựa chọn các quốc gia khác thay vì Việt Nam".

Đại diện PwC Việt Nam cho rằng, nếu Chính phủ Việt Nam không thay đổi quy định trong nước, có thể sẽ khiến thất thu thuế bởi lợi ích thuế dành cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cuối cùng có thể sẽ quay trở về đất nước của họ.

Trong khi đó, tại thời điểm này, các quốc gia và Chính phủ trong khu vực và trên toàn cầu thực tế đang phân tích các quy định mới để xác định cách họ có thể thay đổi luật thuế trong nước.

Một mặt, nhằm giảm đến mức tối thiểu sự tác động của thuế tối thiểu toàn cầu; mặt khác, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.

Chính vì vậy, để Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh của mình trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời không bị thất thu thuế, Chính phủ cần xem xét thay đổi các quy định về thuế trong nước và thiết kế các chính sách khuyến khích đầu tư mới có cân nhắc đến mức thuế tối thiểu toàn cầu.

CẦN CHUYỂN DỊCH CÁCH THỨC THU HÚT ĐẦU TƯ 

Trước thời gian áp dụng Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu không còn nhiều, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thứ nhất, Chính phủ cần sớm chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp. Theo đó, Việt Nam có nên áp mức thuế này hay không hay có lộ trình, mức thuế nào khác. Việc tổ chức thực hiện thế nào đảm bảo khả thi, hiệu quả và không xảy ra tranh chấp.

Thứ hai, cơ quan thuế cũng cần rà soát các chính sách phát luật về thuế để trình sửa đổi các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn hành động của BEPS để ban hành sớm nhất, trước khi BEPS có hiệu lực.

Đồng thời có kế hoạch truyền thông về các chính sách này; tập huấn cho cán bộ và các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý.

Thứ ba, Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh, thay vì hướng tới ưu đãi về thuế.

Theo đó, "cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, đóng góp của TFP (năng suất nhân tố tổng hợp), nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế", ông Lực gợi ý. Cùng với đó, chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế bền vững.

Thứ tư, các bộ, ngành địa phương nâng cao năng lực về chống trốn thuế, quản lý thuế.

 
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ

"Trước hết, tôi vui mừng thông báo, hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt liên ngành, bao gồm đại diện các bộ ngành liên quan cùng đối tượng được điều chỉnh, các chuyên gia, các nhà khoa học để đẩy nhanh quá trình xem xét Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu. Quan trọng nhất là đưa ra thông điệp với các nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích nhà đầu tư.

Đây đang là vấn đề "sát sườn" đặt ra cho Chính phủ trong vấn đề ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ sẽ sớm có chương trình hành động cụ thể, làm việc với nhà đầu tư, các đối tượng được điều chỉnh, cách đặt vấn đề như thế nào trong thời gian tới".