10:44 10/03/2023

Nội luật hóa Thuế tối thiểu toàn cầu: Gấp rút thực hiện trước ngưỡng cửa 2024

Hà Lê

Thời gian áp dụng thuế tối tối thiểu toàn cầu cận kề, Việt Nam cần khẩn trương để không bị đánh mất quyền thu thuế bổ sung đồng thời vẫn giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư…

Nội luật hóa Thuế tối thiểu toàn cầu: Gấp rút thực hiện trước ngưỡng cửa 2024
Nội luật hóa Thuế tối thiểu toàn cầu: Gấp rút thực hiện trước ngưỡng cửa 2024

Nhiều quốc gia trên thế giới, dù là nhóm nước đi đầu tư hay nhận đầu tư, đều đang ráo riết chuẩn bị các kịch bản áp dụng nguyên tắc thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Với Việt Nam, chỉ còn 10 tháng để gấp rút hành động. Điều này cũng đang đặt Việt Nam vào một cuộc chạy đua với thời gian để nhanh chóng nội luật hóa nhằm giữ quyền đánh thuế và đảm bảo môi trường đầu tư cạnh tranh

KHÔNG THỂ LÀM LUẬT THÔNG THƯỜNG

Mới đây, trong hội thảo khoa học “Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu”, các thảo luận và ý kiến từ các chuyên gia đều đồng nhất ý kiến, thời gian áp dụng thuế tối tối thiểu toàn cầu cận kề, Việt Nam cần khẩn trương để không bị đánh mất quyền thu thuế bổ sung đồng thời vẫn giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư.

Chủ tịch VAFIE Nguyễn Mại đã kiến nghị cần phải thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ, trong đó, cụ thể về mặt thời gian như sau: “Chậm nhất đến ngày 30/6/2023, hoàn thành kiến nghị của Tổ công tác để Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án sửa Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Luật thuế, cùng với các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư có liên quan. Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm để lấy ý kiến các đại biểu, làm các thủ tục biểu quyết thông qua việc sửa đổi nhiều luật bằng một luật để Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành thì đầu năm 2024”.

Còn theo bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc EY Việt Nam, trên thực tế việc thông qua một bộ luật thì không đơn giản. “Liệu chúng ta có thể nghĩ đến phương án đơn giản hơn luật – đấy chính là Nghị quyết Quốc hội. Nếu như dành quyền đánh thuế trở thành ý chí thông suốt của cả Chính phủ, Quốc hội thì chúng ta nên làm để đúng hạn là năm 2023”, bà Hương gợi mở thêm.

Thuế tối thiểu toàn cầu - chậm trễ triển khai, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu
Thuế tối thiểu toàn cầu - chậm trễ triển khai, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu

Về lộ trình ban hành văn bản pháp luật, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết để đưa ra quyết sách, sửa bộ luật hay đưa ra thành văn bản hoặc Nghị quyết thì có lợi nhất  là thời gian và thời gian thì không còn nhiều”.

Đặc biệt, bà Quỳnh Anh cũng nhấn mạnh về việc không thể làm luật thông thường vì đây là trường hợp khẩn cấp.

Trước đó, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam Kocham, cũng từng nhấn mạnh Việt Nam cần sớm nội luật hóa thuế này để giảm ảnh hưởng đến các công ty đã đầu tư vào Việt Nam, cũng như tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư lớn đang có ý định đầu tư vào thị trường tiềm năng này.

Một dẫn chứng dễ hiểu, nếu một tập đoàn tại Hàn Quốc đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 7% tại Việt Nam, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng ở Hàn Quốc vào năm 2024 mà chưa áp dụng ở Việt Nam, tập đoàn này sẽ phải nộp ít nhất 8% thuế chênh lệnh cho Hàn Quốc (quốc gia đặt trụ sở chính). Vì vậy, tập đoàn này muốn 2 nước thực hiện cùng lúc để Việt Nam sớm có các ưu đãi khác bù đắp cho họ.

VIỆT NAM LÀM GÌ ĐỂ TĂNG THU NGÂN SÁCH VÀ GIỮ CHÂN FDI?

Nói về  tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, ông Thomas McClelland, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho biết việc này đã rất rõ ràng và cấp bách. Trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế.

Vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2 (áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR), nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh, của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

 
Ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam.
Ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam.

"Nếu Việt Nam không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế và không thu được phần thuế bổ sung".

Về giải pháp, ông Thomas McClelland cho hay để bảo vệ nguồn thu thuế, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn – QDMTT (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax) để giành quyền thu phần Thuế bổ sung trước các quốc gia khác. Đây là một giải pháp trước mắt cần cân nhắc để Việt Nam có thể bảo vệ quyền đánh thuế của mình thông qua việc giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác.

Hiểu một cách đơn giản, quốc gia thực hiện QDMTT sẽ được ưu tiên đầu tiên để thu thuế bổ sung từ các đối tượng nằm trong khu vực tài phán của mình. Nếu không có QDMTT, nguồn thu đó sẽ được chuyển đến một quốc giá khác như được xác định theo thứ tự quy tắc Trụ cột 2 . Như vậy, nếu áp dụng QDMTT, Việt Nam sẽ giữ được quyền đánh thuế và các nhà đầu tư cũng xác định được nghĩa vụ phải đóng thuế bổ sung tại Việt Nam thay vì chuyển đến một quốc gia khác để nộp khoản thuế bổ sung này.

Liên quan đến các giải pháp trong dài hạn, ông Thomas McClelland cũng cho rằng Việt Nam nên ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Trụ cột 2.

Hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chưa đa dạng, chỉ tập trung chủ yếu vào ưu đãi theo thu nhập như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế, chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí, đặc biệt là hình thức ưu đãi trợ cấp bằng tiền. Ưu đãi bằng tiền có thể theo diện hỗ trợ một phần chi phí của nhà đầu tư vào các cơ sở vật chất máy móc nhà xưởng, nhân lực, hoặc đầu tư vào các hoạt động chất xám như nghiên cứu và phát triển…

Về chính sách ưu đãi theo chi phí, ông Son Won Sik, đại diện Kocham, nhấn mạnh: “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần thích cực ưu đãi mới như ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư. Điều này giúp tăng tính hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam, thu hút đại bàng vào Việt Nam. Hiện hình thúc ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang được nhiều quốc gia áp dụng, Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của quốc tế thì nên áp dụng luật chơi chung”.

Còn bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc EY Việt Nam, cũng đưa ra một gợi mở về vấn đề nên hỗ trợ các nhà đầu tư lớn như thế nào mà không vi phạm những cam kết quốc tế.  “Tại sao chúng ta không nghĩ đến vấn đề hỗ trợ đặc biệt là hỗ trợ bằng tiền. Bản thân nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã hướng ra là trong từng thời điểm, chúng ta tập trung thu hút những ngành nghề, lĩnh vực như công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển… thì chúng ta có những ưu đãi cụ thể”.