Dự kiến ban hành chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% trong năm 2023
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% dự kiến ban hành trong năm nay. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ ban hành thêm ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí cho doanh nghiệp FDI, để khối FDI hoạt động thuận lợi và đóng góp nhiều hơn...
Một trong những kiến nghị được các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề: "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đồng tổ chức cuối tuần qua, đó là nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.
Cụ thể, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), mong muốn Chính phủ Việt Nam nhanh chóng triển khai các nghiên cứu lập pháp và thủ tục lập pháp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.
Để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp tới, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đề xuất Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư bao gồm: miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.
Về nội dung trên, thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, cho biết, trong lĩnh vực thuế, ngay từ năm 2017, Việt Nam đã tham gia là thành viên thứ 100 cùng hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) với mục tiêu cải cách hệ thống thuế theo hướng chống xói mòn nguồn thu, chống trốn thuế toàn cầu. Đồng thời, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, khơi thông các nguồn thu tiềm năng trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, đầu tư toàn cầu và đặc biệt từ sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số toàn thế giới.
"Trong chương trình BEPS, đặc biệt trụ cột 2, Bộ Tài chính Việt Nam theo dõi sát động thái các nước trên thế giới và đã có báo cáo, kiến nghị cụ thể tới Chính phủ", lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin.
Theo đó, Chính phủ đã thành lập tổ công tác chuyên về trụ cột 2 với sự tham gia của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp và đưa ra được quy chế hoạt động. Bộ Tài chính cũng có dự thảo các biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó, tận dụng cơ hội từ các cải cách chính sách thuế toàn cầu.
Về các giải pháp chính sách thuế, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, khẳng định trước mắt Bộ Tài chính dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam.
"Về trung hạn, sẽ kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…", lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, cho hay Bộ Tài chính cũng ghi nhận những kiến nghị của KoCham về hướng dẫn thuế đối với các dịch vụ số xuyên biên giới, khẳng định chủ quyền quản lý thuế và tuân thủ phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, Bộ Tài chính luôn hướng tới việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ cho người tiêu dùng hợp lý, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như doanh nghiệp nước ngoài.
“Bộ Tài chính mong muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam nghiên cứu các biện pháp qua thuế nhằm bảo vệ môi trường như thuế cacbon, cắt giảm khí thải. Chúng tôi mong muốn các hiệp hội tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính để tham gia xây dựng các chính sách kiến nghị, cùng hành động để phát triển kinh tế xã hội”, ông Minh nhấn mạnh.
Phản hồi thông tin về thuế tối thiểu toàn cầu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ Việt Nam đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.
“Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ và tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh.
Được biết, ngày 8/10/2021, thỏa thuận lịch sử về cải cách thuế toàn cầu được về khung giải pháp “Hai trụ cột” nhận được sự đồng thuận của 139 nước thành viên, chiếm đến 90% GDP toàn cầu tại Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS mà Việt Nam là một thành viên.
Trong đó, trụ cột 2 đó là thống nhất thiết lập một mức thuế tối thiểu áp dụng cho lợi nhuận xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh về thuế.
Đối tượng đánh thuế là những doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 750 triệu Euro trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu là 15% theo quy định.
Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi phát sinh doanh thu mà nộp thuế thu nhập dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi đặt trụ sở chính. Dự kiến, với việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, sẽ tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu bổ sung hàng năm.