19:10 20/04/2022

VN-Index thủng mốc 1.400, công ty chứng khoán nhận định “hớ” về diễn biến tháng 4?

Thu Minh

Nhìn lại dự báo của các công ty chứng khoán, hầu hết đều không lường được diễn biến sốc của thị trường hiện tại...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thị trường quá kinh khủng. Nhắc đến Vn-Index thời điểm này có lẽ là nỗi ám ảnh của hầu hết các nhà đầu tư. Chỉ số sau nhiều pha lao dốc đã đâm thủng mốc 1.400 hôm nay, quay về thời điểm tháng 10/2021. Trong các nhóm phím hàng, zoom zalo, tất cả đều nín thở, thận trọng bởi không ai biết trước Vn-Index sẽ còn rơi về vùng bao nhiêu, 1.380 hay thậm chí còn xa hơn nữa.

Diễn biến Vn-Index.
Diễn biến Vn-Index.

Dự báo của công ty chứng khoán luôn là tài liệu tham khảo hữu hiệu của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế những gì đang diễn ra cho thấy thị trường đã vượt ngoài tầm dự báo của khối phân tích, hầu hết các nhận định của các công ty chứng khoán đưa ra trong đầu tháng 4 đều sai.

Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 4, VnDirect kỳ vọng rằng Vn-Index có thể duy trì đà phục hồi và kiểm tra lại mức đỉnh lịch sử 1.538 điểm vào tháng 4 do thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh quý 1/2022. Nếu vượt đỉnh lịch sử, Vn-Index có thể hướng tới vùng 1.560- 1.570 điểm trong nửa cuối tháng 4. Vùng 1.480-1.500 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của Vn-Index. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số giảm về vùng hỗ trợ.

VnDirect ưa thích các cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ, dệt may, xây dựng, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp và ngân hàng do định giá hợp lý và triển vọng kinh doanh khả quan trong năm 2022. Chỉ có nhóm bán lẻ và dệt may, tăng trưởng tốt còn lại hầu hết các nhóm được nêu trên tiếp tục có diễn biến ngược chiều với kỳ vọng.

Phân tích kỹ thuật của Vn-Index.
Phân tích kỹ thuật của Vn-Index.

SSI Research cũng mất điểm khi cho rằng khu vực 1.520 điểm của chỉ số VN-Index sẽ là mốc quan trọng cần quan sát trong tháng 4. Nếu chinh phục thành công mốc 1.520 điểm này với thanh khoản tốt thì khả năng cao chỉ số VN-Index sẽ có động lực hướng lên thử thách lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm.

Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index không duy trì được vận động trên vùng cản 1.520 điểm thì khả năng chỉ số sẽ quay lại trạng thái giằng co trong kênh giá 1.440-1.520 điểm. Ngay cả kịch bản tiêu cực nhất thì SSI Research vẫn quá lạc quan so với chỉ số hiện tại rơi về vùng 1.396 điểm.

Bên cạnh đó, SSI còn cho rằng ngân hàng sẽ là nhóm ngành cần chú ý trong tháng 4 sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng. Cụ thể, ngoại trừ hai ngân hàng CTG (chưa tính đến banca) và VCB có thể có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021, nhìn chung các ngân hàng còn lại vẫn có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương đối tích cực. Đối với cả năm 2022, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, chúng tôi nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có thể đạt khoảng 24% -25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15% -35%.

Trong ngắn hạn, nhóm ngân hàng có thể nhận thêm lực đẩy từ yếu tố kỹ thuật khi kỳ vọng vào lực mua từ quỹ VFM VNDiamond (10/18 cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng) sau khi chứng chỉ lưu ký của quỹ này đã thực hiện thành công IPO tại thị trường Thái Lan dưới tên gọi DR "DIAMOND ETF". Chứng chỉ lưu ký này bắt đầu được niêm yết và giao dịch từ ngày 31/3, được kỳ vọng có thể thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam.

Cổ phiếu nhóm ngân hàng hầu hết được các chuyên gia cũng như các công ty chứng khoán đánh giá cao sự quay trở lại trong tháng 4. Tuy nhiên, trái ngược lại, nhóm này tiếp tục quay đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4.Chẳng hạn, TCB bay mất 10%, MBB 8%, CTG 10,2%, VIB 8%. Hầu hết các mã ngân hàng còn lại đều chung tình trạng lao dốc từ đầu tháng.

Nguồn: SSI Research.
Nguồn: SSI Research.

Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt cũng đưa ra nhận định cho rằng mùa Đại hội cổ đông sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường trong tháng 4 và dòng tiền sẽ luân chuyển đến các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh và nền tảng cơ bản tốt trong năm 2022.

Trong hoàn cảnh đó, nhóm cổ phiếu VN30 có nền tảng cơ bản tốt và có yếu tố câu chuyện riêng là một trong những lựa chọn tốt dựa trên khoảng cách điểm số trong mức chấp nhận được của VN30 và VN Index, định giá cùng với dự phóng tăng trưởng EPS 12 tháng tiếp theo gần mức 20%. VDSC kì vọng chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.480 - 1.570 trong tháng Tư.

Thép và Ngân hàng sẽ diễn biến tích cực hơn với triển vọng cải thiện biên lợi nhuận gộp tốt trong hai quý tới; tăng trưởng lợi nhuận trên 30% cùng với câu chuyện phát hành cổ phiếu (OCB, VPB). Và diễn biễn thị trường đang xấu hơn kỳ vọng của những nhận định trên.

Trong báo cáo chiến lược tháng 4 công bố đầu tháng, BSC cũng đưa ra hai kịch bản cho thị trường và hai kịch bản này đều không giống với diễn biến tiêu cực của Vn-Index.

Kịch bản thứ nhất, BSC cho rằng, VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530 và hướng tới 1.600 điểm khi nền kinh tế hồi phục khả quan, hoạt động mở cửa du lịch, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được mở rộng…, căng thẳng giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt, giá cả các hàng hóa có tín hiệu tích cực. Các cổ phiếu chủ chốt đóng vai trò dẫn dắt dù vậy thị trường dự báo phân hóa mạnh dựa trên kết quả kinh doanh Quý I, triển vọng kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như diễn biến quốc tế.

Kịch bản thứ hai, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài, chuỗi cung ứng hàng hóa có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc điều này gia tăng áp lực lạm phát cho nền kinh tế, tác động đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Mặt khác, động thái các NHTW lớn trên thế giới tại các cuộc họp tiếp theo sẽ tác động đến tâm lý chung toàn thị trường. VN-Index thoái lui sau nhịp tăng điểm và tích lũy lại trong khoảng 1.470 ± 30 điểm.

Nhìn chung thị trường diễn biến tiêu cực so với hầu hết nhận định lạc quan mà các công ty chứng khoán đã đưa ra. Dẫu vậy thì xét về dài hạn, chứng khoán Việt Nam vẫn là cơ hôị tốt với nền tảng vĩ mô ổn định, P/E hấp dẫn so với khu vực, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh hậu Covid-19.