13:34 18/04/2022

Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 5, cổ phiếu nhóm tài chính có “nổi sóng”?

An Nhiên

Dù thị trường cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng bởi việc Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán nhưng dữ liệu lịch sử cho thấy, sau giai đoạn này cổ phiếu nhóm ngân hàng có mức tăng mạnh nhất thị trường...

Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.
Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã vạch ra một kế hoạch được chờ đợi từ lâu nhằm thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khổng lồ. Theo đó, bên cạnh việc nâng lãi suất quyết liệt, Fed dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán trong vòng 1 năm, nhằm chống lại mức lạm phát đang cao nhất trong 4 thập kỷ. CPI Hoa Kỳ tăng 8,5% trong tháng 3, cao nhất trong vào 41 năm, vượt qua dự báo từ Dow Jones.

FED THU HẸP BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN BẰNG CÁCH NÀO?

Sau lần đầu tiên thu mua tài sản nhằm kích cầu kích tế vào năm 2008, Fed phải đợi đến năm 2015 mới tiến hành tăng lãi suất và đến năm 2017 mới bắt đầu thu hẹp lại bảng cân đối kế toán khi tình trạng lạm phát duy trì quanh mức 2% trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, sang năm 2019 khủng hoảng về hoạt động repo tại Hoa Kỳ đã khiến Fed phải gián đoạn lại chính sách thu hẹp bảng cân đối kế toán. Do sự thiếu thốn về lượng tiền ngắn hạn trên thị trường repo, Fed đã phải bơm thêm 75 tỷ USD hàng quý nhằm duy trì hoạt động này ổn định trên thị trường. Chương trình này đã chính thức chấm dứt vào tháng 01/2021 khi các nguồn tiền và đáo hạn các kỳ hạn của hợp đồng repo cân bằng trở lại.

Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 5, cổ phiếu nhóm tài chính có “nổi sóng”? - Ảnh 1

Sang năm 2020, tình trạng dịch bệnh Covid-19 đã khiến Fed phải tuyên bố chương trình thu mua trái phiếu Chính phủ không giới hạn nhằm ổn định lại khủng hoảng kinh tế. Chương trình này đã khiến Fed tăng giá trị tài sản từ mức 4.100 tỷ USD lên gần 9.000 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại.

Fed vẫn luôn có kế hoạch thu hẹp lại bảng cân đối kế toán của trong 7 năm qua. Hiện tại với áp lực từ lạm phát cũng như kinh tế tăng trưởng khá lạc quan, Fed có động lực mạnh hơn bao giờ hết để thu hẹp lại bảng cân đối kế toán.

Kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed cho thấy, Fed sẽ cắt giảm 60 tỷ USD trong kho bạc mỗi tháng bằng cách không tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn. Khi số lượng Trái phiếu kho bạc đáo hạn giảm xuống mức đó, ngân hàng trung ương sẽ bù đắp chênh lệch bằng cách giảm lượng nắm giữ của các tín phiếu Kho bạc có thời hạn ngắn hơn.

Fed cũng sẽ giảm khoản tài sản nắm giữ chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS), mà họ đã bắt đầu mua trong thời kỳ đại dịch, giới hạn mức giảm của loại tài sản này là 35 tỷ USD một tháng.

Chương trình thu mua được dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 6 hoặc tháng 9 tùy theo áp lực của lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) John Williams ngày 2/4 vừa cho biết, Fed nên bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán sớm nhất là vào tháng 5/2022 sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC). Đây sẽ là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy thắt chặt chính sách tiền tệ.

ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM?

Thống kê tác động việc Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán lên thị trường trái phiếu của BSC cho thấy,  năm 2017, việc Fed chính thức thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 9/2017 đã khiến lãi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ 2 năm tăng mạnh hơn bao giờ hết khi chính sách thắt chặt tiền tệ được đẩy mạnh hơn.

Tuy nhiên, mức tăng mạnh như vậy cũng phần nào được đóng góp bởi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc diễn vào tháng 3/2018 đã tạo nên tâm lý lo sợ về khủng hoảng kinh tế và làm tăng mạnh mức lãi suất Trái phiếu Chính phủ 2 năm của Hoa Kỳ.

Năm 2022, mức lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang nằm ở mức cao do tình trạng chiến tranh Ukraine thúc đẩy đà tăng lạm phát toàn cầu; Thị trường Trái phiếu Chính phủ bị kìm nén trong giai đoạn 2020-2021 đã phản ứng khá mạnh mẽ khi Fed bắt đầu có xu hướng chuyển sang định hướng thắt chặt chính sách tiền.

Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 5, cổ phiếu nhóm tài chính có “nổi sóng”? - Ảnh 2

Hiện tại, với việc lãi suất Trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã tiếp cận ngưỡng 3,0%, mức ảnh hưởng của việc thu hẹp lại bảng cân đối kế toán nhiều khả năng sẽ không mạnh mẽ như giai đoạn 2017 khi các yếu tố rủi ro và định hướng của Fed đã được lường trước và phản ứng khá mạnh trên thị trường trái phiếu.

Đối với thị trường trái phiếu Việt Nam, theo BSC, thị trường Trái phiếu Chính phủ Việt Nam không chiu ảnh hưởng mạnh trực tiếp bởi việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của Hoa Kỳ. Thay vào đó, mức độ ảnh hưởng của lãi suất Trái phiếu Chính phủ sẽ phụ thuộc vào chính sách điều hành của SBV và áp lực lạm phát nội tại nhiều hơn.

Nhưng việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tăng tốc độ thắt chặt và chính sách tiền tệ trong cũng sẽ khiến lãi suất Trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn dự kiến tăng mạnh trở lại trong năm 2022. Xu hướng này cũng đã thể hiện khả rõ rệt trong những tháng đầu năm 2022.

Thị trường cổ phiếu chịu nhiều ảnh hưởng và phản ứng mạnh bởi sự kiện Fed nâng lãi suất nhiều hơn là việc Fed thu hẹp lại bảng cân đối kế toán.

Trong khi đó, thống kê còn cho thấy, thị trường cổ phiếu cả Mỹ và Việt Nam thường có xu hướng ngắn hạn giảm trong vòng 1 tuần trở lại nhưng lại tăng mạnh bắt đầu từ 1 tháng đến 6 tháng sau đó.

Cụ thể, với SP500 của Hoa Kỳ, sau sự kiện Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán vào ngày 20/7/2017, chỉ số giảm nhẹ 0,33% nhưng 1 tuần liền đó chững lại. Xu hướng tăng mạnh mẽ kể từ 1 tháng trở đi với tốc độ tăng 2,8%, 3 tháng chỉ số tăng 7,4% và 6 tháng sau sự kiện này SP500 tăng 9,2%. Trong đó, công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 27% trong vòng 6 tháng; tiếp theo là tài chính với mức tăng 14% và thứ ba là nhóm công nghiệp với tốc độ tăng 12,71%. Ngược lại nhóm bất động sản và tiện ích giảm mạnh lần lượt 6,22% và 4,91%.

Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 5, cổ phiếu nhóm tài chính có “nổi sóng”? - Ảnh 3

Đối với thị trường cổ phiếu Việt Nam, Vn-Index ngay sau ngày đầu tiên Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán có xu hướng giảm 0,20% nhưng tháng sau đó bật lên tăng 3% và 6 tháng có mức tăng trưởng gấp 5 lần với SP500, ở mức 45,3%.

Trong đó, tài chính là nhóm có mức tăng trưởng mạnh nhất với 0,15% trong ngày đầu tiên và 6 tháng sau mức tăng này đạt 36,53%; Công nghệ thông tin đứng thứ hai với tốc độ tăng 29,49% và năng lượng thứ ba với tốc độ tăng 12,41%. Ngược lại, nhóm truyền thông giảm mạnh nhất 22,75%; công nghiệp và chăm sóc sức khoẻ cũng có xu hướng giảm mạnh sau đó.