06:00 18/11/2023

Vũ khí ngăn bạo lực trong nhà trường

Lý Hà

Chúng ta đang thực hiện một nền giáo dục là vì sự phát triển của con người. Bởi thế, trước hết giáo dục phải mang tính nhân văn, mang đến hạnh phúc cả cho thầy, cô giáo và  học sinh...

Giáo dục phải mang tính nhân văn, mang đến hạnh phúc cả cho thầy, cô giáo và  học sinh
Giáo dục phải mang tính nhân văn, mang đến hạnh phúc cả cho thầy, cô giáo và  học sinh

Nhưng thật đáng buồn đã bao năm nay nạn “bạo lực học đường” vẫn xảy ra ở một số trường học. Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 7/11/2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết từ năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 học sinh nữ. Có lẽ đó chỉ là số thống kê các vụ  mọi người đã thấy, đã biết còn thực tế bao nhiêu vụ khó ai tính được.

Đặc biệt, vừa mới đây trên mạng xã hội đăng tải video một nữ sinh lớp 6 đang bị nhóm học sinh “hành hạ” ngay tại trường thuộc huyện ngoại thành Hà Nội bằng các hình thức: đấm, đá vào đầu, vào mặt, dùng chổi đót quét lên đầu rồi dẫm lên người nữ học sinh… Chắc hẳn, khi xem video này tất cả mọi người đều đau đớn và kinh hoàng trước các hành động đó của các  học sinh tuổi trung học cơ sở.

Một số người đã nghĩ đến tính “nhân văn” trong nhà trường đang thật sự khủng hoảng. Và không ít lo lắng các cháu đang tâm đối xử với bạn bè cùng học như vậy, sẽ phát triển nhân cách ra sao để chung sống với nhau?

Thông điệp “trao đi chính là nhận lại” đã được Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trung học Nguyễn Tất Thành lan tỏa trong từng lớp học.
Thông điệp “trao đi chính là nhận lại” đã được Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trung học Nguyễn Tất Thành lan tỏa trong từng lớp học.

Bàn về nguyên nhân của nạn “bạo lực học đường” có khá nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do tác động từ phim ảnh, từ mạng xã hội, phần vì những hành vi của người lớn khiến con trẻ học theo. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng vẫn là từ vai trò của nhà trường, của ngành giáo dục. Giáo dục phải mang tính nhân văn và nạn “bạo lực học đường” là ngược với “tính nhân văn”.

 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau cả trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có 1 vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường có 1 trường có học sinh đánh nhau. Nghiêm trọng hơn, đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hành vi bạo lực cũng ngày càng đa dạng hơn.

Một nhà trường mang đầy đủ tính nhân văn cũng là một nhà trường mang đến hạnh phúc cho cả thầy, trò và ngược lại. Ai cũng thấy căn bệnh thành tích trong nhà trường, phương pháp giáo dục khắc nghiệt và bạo lực trường học là những  vũ khí giết “hạnh phúc” trong nhà trường.

Giáo dục là khuyến khích con người luôn nỗ lực phấn đấu, vươn lên, vượt qua giới hạn bản thân chứ không phải là ép buộc. Vì thế, mới cần thầy, cô khéo léo vận dụng các phương pháp giáo dục phù hợp theo các đối tượng học sinh để giúp các em cảm thấy hạnh phúc hơn với việc học tập, tìm thấy niềm vui trong học tập...

Ngược lại, các thầy, cô cũng cần xã hội, ngành giáo dục quan tâm giúp họ tìm thấy niềm vui, hạnh phục trong công việc của mình.

Minh chứng từ thực tế, nhiều thầy, cô đã cảm hóa thành công các học sinh có những hành vi cá biệt có thể dẫn đến “ bạo lực học đường”.

Việc đề xuất các hình thức kỷ luật đối với các lỗi của học sinh nếu xuất phát từ tính nhân văn cũng sẽ có tác động hạn chế và hạn chế nạn bạo lực học đường.

Do đó, để hạn chế tình trạng “ bạo lực học đường” thì cần phải nâng cao tính nhân văn trong nhà trường. Làm sao để nâng cao tính nhân văn cho mỗi thầy, cô mỗi học sinh ? Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, chúng ta cần có nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ và lâu dài là xây dựng văn hóa học đường.

Xây dựng văn hóa học đường chính là thực hành nếp văn hóa tốt đẹp hàng ngày tại trường, tạo thành thói quen cho tất cả mọi người. Văn hóa học đường cũng không chấp nhận bệnh thành tích, phương pháp giáo dục khắc nghiệt.  Biện pháp kỷ luật học sinh cũng phải nhân văn, mang nét văn hóa học đường. Hình thức phạt, kỷ luật học sinh bằng cách bắt buộc phải đọc một quyển sách, một chương sách… đã được nhiều trường thực hiện thành công. Đương nhiên, hình thức kỷ luật này cũng đòi hỏi giáo viên mất nhiều công sức hơn.

Một nền giáo dục vì sự phát triển của con người phải luôn đề cao tính nhân văn. Đó là cách chúng ta làm cho nhà trường hạnh phúc, ngăn nạn “bạo lực học đường”.