21:20 22/06/2022

Xử lý nghiêm hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép

Như Nguyệt

Nhiều trường hợp đã bị đưa ra truy tố, xét xử về các hành vi môi giới, tổ chức cho người khác ở lại trái phép với hình phạt nặng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 22/6, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Hoàng Việt Trung (SN 1993, ở Cầu Giấy, Hà Nội) và 5 đồng phạm ra xét xử về tội Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép và Môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.

MUA PHÁP NHÂN ĐỂ BẢO LÃNH TRÁI PHÉP

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2020, Trung biết một số người nước ngoài có nhu cầu ở lại Việt Nam nhưng chưa có công ty đứng ra bảo lãnh. Do đó, Trung đã mua lại một số công ty để đứng tên làm giám đốc hoặc nhờ người đứng tên giám đốc. Sau đó, Trung sử dụng danh nghĩa các công ty này làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép để hưởng lợi bất chính.

Cụ thể, thông qua môi giới, Trung đã sử dụng Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại Mạnh Hùng để bảo lãnh xin cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho Sarr Oumar Mamadou (quốc tịch Senegal) ở lại Việt Nam trái phép.

Tương tự, bị cáo và đồng phạm còn sử dụng tư cách pháp nhân CTCP sản xuất và kinh doanh thương mại Ngọc Đình (không có hoạt động kinh doanh) để ký xác nhận khống vào một số tài liệu nhằm bảo lãnh xin cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho Lee Jea Do và Kim Jea Hya (Hàn Quốc) ở lại Việt Nam.

Cơ quan chức năng xác định Trung hưởng lợi bất chính tổng số tiền là 30 triệu đồng.

Ngoài ra, quá trình điều tra, Trung còn khai nhận sử dụng 2 pháp nhân khác là Công ty TNHH KB Group Toàn Cầu và Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Nam Hải để bảo lãnh cho 3 người nước ngoài ở lại Việt Nam. Tuy nhiên, bị cáo không có thông tin cụ thể của 3 người nước ngoài trên. Do đó, cơ quan điều tra tách rút tài liệu để điều tra xử lý sau.

Với hành vi nêu trên, Trung bị xử phạt 4 năm tù về tội Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Các bị cáo khác nhận án từ 9 tháng tù treo – 15 tháng tù.

Trong vụ án này, một số bị cáo trình bày khi thực hiện hành vi phạm tội, không nghĩ nghiêm trọng như thế. Tòa án đánh giá, các bị cáo đều là những người có hiểu biết nhưng vì lợi nhuận rất nhỏ và vì mục đích cá nhân gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội. Hành vi này xâm phạm đến việc quản lý xuất nhập cảnh của nhà nước.

Lời khai của bị cáo Trung thể hiện, những người nước ngoài này đã ở Việt Nam hơn 2 năm và vào Việt Nam bằng con đường visa du lịch. Theo quy định, họ chỉ được ở Việt nam trong 15-30 ngày, sau đó phải gia hạn visa.

LÀM RÕ TÍNH VỤ LỢI

Thực tiễn xét xử cho thấy, vào năm 2020- 2021 cao điểm dịch Covid 19, nhiều trường hợp bị đưa ra truy tố, xét xử về các hành vi môi giới, tổ chức cho người khác ở lại trái phép.

Điển hình như vụ việc cặp đôi Trung Quốc là Guo Long (SN 1984) và Chi Jin Hua (SN 1993) đưa 46 người Trung Quốc ở chung cư Florence (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trái phép. Hoặc vụ nữ sinh Trần Phương Thảo (SN , ở Phú Thọ, sinh viên khoa Tiếng Trung một trường đại học) giúp 17 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam…

Qua tổng kết thực tiễn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thấy rằng, quá trình áp dụng xử lý tội phạm quy định tại các điều 347 (Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép), 348 (Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập hoặc ở lại Việt Nam trái phép) và 349 (Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép) Bộ luật Hình sự gặp một số khó khăn, vướng mắc, chưa được nhận thức, áp dụng thống nhất.

Trong khi chờ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn số 1557/VKSTC-V1 hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng các điều 347, 348 và 349 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Trường hợp người phạm tội có mục đích cho người khác ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho người đó nhập cảnh trái phép để ở lại Việt Nam (hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép là điều kiện để thực hiện hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép), thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348) đối với người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép. Việc người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không ảnh hưởng đến việc định tội đối với người tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.

Đối với trường hợp đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm.

- Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Đặc biệt, trường hợp người phạm tội thu tiền để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép hoặc trốn đi nước ngoài, đã chi phí một số khoản tiền thì tùy trường hợp cụ thể để xem xét, xác định là thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS. Đối với số tiền đã chi thực tế và hợp lý cho việc tổ chức, môi giới như: chi phí làm visa, mua vé máy bay, thuê dịch vụ vận tải,... thì không tính vào số tiền đã thu lợi bất chính.