Xuất khẩu tăng trưởng khả quan, cán cân thương mại thặng dư 21,25 tỷ USD
Kết quả 16,15 tỷ USD đạt được trong nửa đầu tháng 10 đã đưa tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2024 lên con số 315,91 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 21,25 tỷ USD…
Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2024 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2024) đạt 31,93 tỷ USD, giảm 12,4% (tương ứng giảm 4,53 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2024.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10/2024 đạt 610,57 tỷ USD, tăng 16,4% tương ứng tăng 85,82 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 413,96 tỷ USD, tăng 14,8% (tương ứng tăng 53,49 tỷ USD).
NHIỀU NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU TĂNG MẠNH
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 10/2024 đạt 16,15 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 3,56 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 9/2024. Tính từ đầu năm đến hết 15/10/2024, tổng trị giá xuất khẩu đạt 315,91 tỷ USD, tăng 15,3% tương ứng tăng 41,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,67 tỷ USD, tương ứng tăng 26,7%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 7,34 tỷ USD, tương ứng tăng 22,4%; hàng dệt may tăng 2,61 tỷ USD, tương ứng tăng 10%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,31 tỷ USD, tương ứng tăng 5,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,2 tỷ USD, tương ứng tăng 21,6%... so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 10/2024 đạt 11,41 tỷ USD, giảm 19,4% tương ứng giảm 2,75 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 9/2024. Tính đến hết ngày 15/10/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 226,24 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 26,69 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2024 đạt 15,78 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 968 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2024. Tính từ đầu năm đến hết 15/10/2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 294,66 tỷ USD, tăng 17,5% (tương ứng tăng 43,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 16,82 tỷ USD, tương ứng tăng 25,2%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 5,5 tỷ USD, tương ứng tăng 17,2%; sắt thép các loại tăng 1,76 tỷ USD, tương ứng tăng 22,1%; vải các loại tăng 1,48 tỷ USD, tương ứng tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 10/2024 đạt 9,69 tỷ USD, giảm 10,9% (tương ứng giảm 1,19 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 9/2024. Tính đến hết ngày 15/10/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 187,72 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 26,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,7% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Như vậy, với kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 10/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 375 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 21,25 tỷ USD.
ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG ĐẾN TỪ CÁC THỊ TRƯỜNG TRỌNG ĐIỂM
Nhận định về tình hình xuất khẩu trong những tháng cuối năm, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2024 của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều 23/10/2024, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương), cho biết xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức.
Về thuận lợi, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là “hạ cánh an toàn”; xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt mặc dù vẫn còn nhiều thách thức (ngày 18/9/2024, FED đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 50 điểm, lần đầu tiên sau hơn 4 năm nhằm kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh); sức ép lên tỷ giá USD/VND giảm khi FED cắt giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí nhập khẩu.
Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn). Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Về thách thức, còn nhiều rủi ro khó đoán định: Diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề… làm tốc độ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại.
Đặc biệt, các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Ngoài ra, giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt; những tác động tiêu cực của siêu bão Yagi đối với hoạt động sản xuất trong nước sẽ là khó khăn, thách thức không hề nhỏ đối với sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta trong thời gian tới.
Thông tin thêm về việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết khả năng tác động đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam là không nhiều.
Tính đến hết tháng 9/2024, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,9 triệu tấn, giá trị khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 23% về sản lượng và tăng 13,4% về giá so với cùng kì năm 2023. Với kết quả này, ông Hải cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam khá khả quan. Tuy nhiên, với việc gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Việt Nam đang thực hiện chủ trương đa dạng hoá, chuyển đổi cơ cấu sang các loại gạo chất lượng cao; trong khi đó, gạo của Ấn Độ chất lượng thấp hơn. Phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ rất khác nhau, vì vậy, khả năng ảnh hưởng từ việc bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ không nhiều”, ông Hải nhận định.