Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia và an toàn phòng chống dịch Covid-19 như: đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả lương hưu tại nhà, linh hoạt trong chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Trong năm 2021, ước toàn Ngành đã giải quyết khoảng 95.762 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; chi trả 6.698.566 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 626.397 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; 118,721 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động tham mưu, phối hợp với các Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động. Đặc biệt là gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Đối với Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, chỉ sau 7 ngày, đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 375.000 đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; giải quyết cho 842 đơn vị (với 159.885 lao động) tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 1.111 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành phố,…
Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, chỉ sau 5 ngày, đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng (giảm từ 1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng; đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12.941.196 lao động với số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,33% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong năm 2021, có hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,94% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).
Năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025; đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) của hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL quốc gia về bảo hiểm; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành.
Đặc biệt ứng dụng “VssID - BHXH số” ước đến hết ngày 31/12/2021 đã có gần 25 triệu người cài đặt, sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, thực hiện các dịch vụ công; hơn 500.000 lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để đi khám chữa bệnh trên toàn quốc…
Theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao là cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm bao gồm 9 nhóm thông tin, trong đó các nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những dữ liệu gốc. Đây là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trong năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành được kết hợp giữa thanh tra truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử, tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra (giảm khoảng 48%, từ 20 giờ xuống còn 10,5 giờ).
Đã xây dựng 121 dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên Hệ thống giám định bảo hiểm y tế điện tử, từ chối thanh toán, giảm chi Quỹ Bảo hiểm y tế (ước hết tháng 11/2021 là 626,62 tỷ đồng).
Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho người tham gia khi nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Kết quả, đã có trên 57% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị, tăng 9% so với năm 2020 (tăng 28% so với năm 2019 là thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP), vượt 7% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông mạng xã hội, truyền thông trực tuyến được đẩy mạnh để tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng về giá trị nhân văn, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Kết quả, trong năm 2021 đã có trên 72.000 hội nghị truyền thông trực tiếp với trên 1,5 triệu lượt người tham dự; hơn 2.600 hội nghị truyền thông trực tuyến được tổ chức, hàng trăm nghìn sản phẩm truyền thông được chia sẻ trên môi trường internet và mạng xã hội.
Trong năm 2021 đã hỗ trợ, tư vấn 406.922 lượt (tăng 26%) qua hệ thống tổng đài; trả lời 7.914 câu hỏi trên Cổng Thông tin điện tử, Fanpage của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (tăng gấp 10 lần). Đặc biệt, năm 2021, Ngành đã ban hành Quy trình thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân trong tham gia, thụ hưởng chế độ.
Năm 2021, Ngành tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các hoạt động hợp tác song phương, đa phương; từng bước khẳng định vị thế, hình ảnh của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực và trách nhiệm của Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN (ASSA), Hiệp hội an sinh xã hội Quốc tế (ISSA) và trên 50 nước, tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngành tiếp tục duy trì, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trực tuyến; tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến ASSA 38 tại tiểm cầu Việt Nam.
VnEconomy 02/01/2022 19:00