10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2019
GDP tăng trưởng 7,02%, Vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế... là top những sự kiện nổi bật nhất năm 2019 do Thời báo Kinh tế Việt Nam bình chọn
Bình chọn của Thời báo Kinh tế Việt Nam
1. GDP tăng trưởng 7,02%
GDP năm 2019 tăng trưởng ấn tượng ở mức 7,02% bất chấp sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng GDP vượt mức 7% kể từ năm 2011.
Song ý nghĩa hơn con số 7,02% là tăng trưởng cao nhưng Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ lạm phát ở mức thấp, nợ công giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD, doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện...
Đặc biệt, quy mô nền kinh tế với chất lượng ngày càng tăng như tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,07 năm 2019.
Để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020 cũng như đi đúng hướng tiến "về đích" của giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào 6 nhóm động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 và các năm tiếp theo.
Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cuối cùng là đô thị hoá nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
2. Vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế
Việt Nam nhận được sự ủng hộ vượt xa mốc tối thiểu 192/193 phiếu bầu, và chính thức trúng cử vào ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Đây là một vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó. Qua đó, vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày một nâng cao trên trường quốc tế.
Trước đó, hồi đầu năm, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi Mỹ và Triều Tiên lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2. Tuy hội nghị không ra được tuyên bố chung nhưng Việt Nam được đánh giá là đã thành công trong vai trò nước chủ nhà.
Tinh thần ngoại giao trung lập, yêu chuộng hòa bình lòng hiếu khách và trình độ tổ chức đã khiến cho cái tên Việt Nam trở nên tin cậy với bạn bè quốc tế. Tổ chức thành công hội nghị đã góp phần thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam, tạo đà để Việt Nam đảm nhiệm tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020.
3. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD
Năm 2019, xuất nhập khẩu Việt Nam thiết lập "kỷ lục mới" với kim ngạch đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% và nhập khẩu đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018.
Như vậy, năm thứ tư liên tiếp Việt Nam tiếp tục có xuất siêu với 9,94 tỷ USD tỷ USD, vượt xa so với con số kỷ lục 7,2 tỷ USD được thiết lập năm 2018. Đây là thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam.
Đáng chú ý, con số 516,96 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu đã giúp Việt Nam lọt top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới. Xét riêng lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.
Kết quả này càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực và thế giới đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Hơn nữa, kết quả xuất khẩu năm 2019 cũng cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.
Dự báo năm 2020, xuất khẩu sẽ đối diện với những khó khăn, thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để xuất khẩu tiếp tục bứt phá, tạo ra những "mốc son mới". 4.
4. Thành tích nổi trội tại Seagames 30
Với 288 huy chương các loại, trong đó có 98 Huy chương Vàng, 85 Huy chương Bạc và 105 Huy chương Đồng, đoàn thể thao Việt Nam đứng nhì tại SEA Games 30. Vị trí này có thể xem như đứng đầu Đông Nam Á, bởi ngôi vị số 1 đương nhiên phải thuộc về quốc gia chủ nhà.
Sau nhiều năm đằng đẵng chờ đợi, bóng đá nam Việt Nam mới chạm đến bộ Huy chương Vàng Đông Nam Á. Đoàn quân của Huấn luyện viên Park Hang Seo lên ngôi vô cùng thuyết phục, đặc biệt là 2 chiến thắng đậm ở 2 trận bán kết và chung kết, lần lượt với tỷ số 4-0 (trước Campuchia) và 3-0 (trước Indonesia), cho thấy sự vượt trội của chúng ta so với phần còn lại của giải.
Còn bóng đá nữ bảo vệ thành công ngôi hậu SEA Games và Đông Nam Á. Ở hai giải đấu liên tiếp diễn ra trong vòng ít tháng, đội bóng của Huấn luyện viên Mai Đức Chung đều lên ngôi, sau khi đánh bại Thái Lan trong trận chung kết, bằng bàn thắng được ghi ở hiệp phụ. Đầu tiên là chiến thắng 1-0 trong trận chung kết giải bóng đá nữ Đông Nam Á hồi tháng 8, ngay trên đất Thái, tiếp đó là trận thắng khi tranh Huy chương Vàng SEA Games vừa diễn ra, tại Philippines.
SEA Games 30 kết thúc đã khắc nên một "Tinh thần Việt Nam" trong thể thao. Thể thao Việt Nam cũng chính thức nhận cờ đăng cai SEA Games 31, diễn ra sau đây hai năm.
5. Phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội của Đảng đến nay đã có hàng trăm cán bộ cao cấp, đặc biệt trong đó có hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, gần 30 tướng lĩnh quân đội và công an bị thi hành kỷ luật đảng và xử lý hình sự.
Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng. Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra, ban hành kết luận thanh tra các dự án, vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Năm 2019 đã đưa 8 vụ án lớn ra xét xử, trong đó có một số vụ điển hình như vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco)...
Dư luận quan tâm đặc biệt đến vụ án "nhận hối lộ, đưa hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại vụ án Tổng công ty viễn thông MobiFone mua AVG.
Vụ án có tới 2 cựu Bộ trưởng với số tiền vi phạm lên tới 8.900 tỷ đồng và một cựu Bộ trưởng phải lĩnh án tù chung thân. Vụ án cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật cũng như sự cương quyết của cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
6. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo
Năm 2019 là năm mà chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông gặp nhiều thách thức. Việc Trung Quốc liên tục đưa tàu và giàn khoan vào vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam đã xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Với đường lối đấu tranh thông qua con đường ngoại giao, trên nguyên tắc kiên quyết nhưng giữ vững hòa bình ở cả mặt trận ngoại giao, công luận và pháp lý, Việt Nam đã kịch liệt lên án hành vi trái luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, ngoại giao đã trở thành công cụ sắc bén để thế giới hiểu về Việt Nam, chia sẻ những giá trị và quan điểm của Việt Nam. Từ đó, chúng ta đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, tăng thêm cơ hội để đảm bảo chính sách ngoại giao độc lập, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Trên bình diện quốc tế, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Ấn Độ... cũng bày tỏ quan ngại và chỉ trích những hành vi gây bất ổn an ninh khu vực. Đặc biệt, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) diễn ra tại Thái Lan vào cuối tháng 7/2019 đã dành hẳn một phần để nói về tình hình Biển Đông trong Tuyên bố chung.
7. Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia
Ngày 9/12/2019, Chính phủ đã ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia, đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam. Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động sẽ là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ", không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.
Cổng dịch vụ công quốc gia lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Trước đó, Trục liên thông văn bản quốc gia cũng chính thức được khai trương. Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.
8. Sự dịch chuyển của vốn nước ngoài qua các thương vụ M&A
Năm 2019, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có một số xu hướng chuyển dịch mới. Đáng chú ý, hình thức đầu tư mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và tốc độ tăng nhanh.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo báo cáo, tính đến ngày 20/12, có 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.
Đáng chú ý, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể: năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, tính đến ngày 20/12/2019 chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.
9. Ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA
Ngày 30/6, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU (EVFTA và IPA) chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán. Đây được coi là sự kiện đi vào lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam và EU và mở ra những lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động ở châu Âu và Việt Nam.
Để đi đến được ký kết hiệp định lần này, Việt Nam đã phải trải qua tiến trình rất dài, được đồng ý khởi động đàm phán từ năm 2010 và các bên chính thức đàm phán nhiều cấp, nhiều vòng từ năm 2012 cho đến nay.
Đến tháng 12/2015, hai bên đã kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Tuy nhiên, vào tháng 9/2017, EU đề nghị Việt Nam tách Hiệp định EVFTA thành hai hiệp định riêng biệt, đó là: Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA.
Đến tháng 6/2018, chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định và kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA, đồng thời thống nhất các nội dung của Hiệp định IPA. Chỉ sau 3 tháng, tức ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Những Hiệp định sẽ tạo cơ hội lớn cho Việt Nam tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vào các thị trường xuất khẩu lớn. Không chỉ nhằm giảm thuế, các vấn đề khác như mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp đầu tư và quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng như hướng đến làn sóng cải cách tiếp theo. Dự kiến, hiệp định sẽ có hiệu lực trong năm 2020.
10. Dịch tả lợn châu Phi và những tác động đến sản xuất nông nghiệp
Năm 2019, Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại lớn chưa từng thấy đối với ngành chăn nuôi. Ngay từ trước và khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nước ta, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể các giải pháp phòng chống dịch.
Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo tại 5 Hội nghị về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và trực tiếp đến cơ sở để kiểm tra và chỉ đạo tổ chức công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, Chính phủ đã bố trí ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn gây thiệt hại nặng nề. Lũy kế từ khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào tháng 2/2019 đến hết năm, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.526 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy lên đến gần 6 triệu con; tổng trọng lượng lợn tiêu hủy khoảng 343 nghìn tấn, thiệt hại trực tiếp ước tính lên đến 7.000 tỷ đồng.
Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra đã làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành nông lâm ngư nghiệp trong năm 2019, kéo tụt tăng trưởng GDP của ngành xuống chỉ còn 2,2%, trong khi nếu như không xảy ra dịch bệnh này thì tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể đạt 3,3%.