2024 sẽ là năm tiếp tục thanh lọc của thị trường startup - Ảnh 1
2024 sẽ là năm tiếp tục thanh lọc của thị trường startup - Ảnh 2

“Năm 2023 là một năm khá nhiều khó khăn với startup nói chung tại Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng bởi lạm phát, gia tăng lãi suất kéo theo thắt chặt tín dụng, những căng thẳng địa chính trị gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, startup nhìn chung phải đối mặt với hai vấn đề lớn của việc “giảm”.

Đầu tiên, tổng cầu giảm do khách hàng thắt chặt chi tiêu. Điều này khiến startup khó đạt được các chỉ tiêu tài chính và các milestone - cột mốc kinh doanh quan trọng của mình, hoặc để đạt được thì sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn.

Thứ hai, giảm cả về số lượng thương vụ đầu tư và số tiền giải ngân đầu tư vào startup không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên quy mô toàn cầu khi các nhà đầu tư đặc biệt trở nên thận trọng hơn với hoạt động đầu tư mới.

Trước hai vấn đề lớn của việc “giảm” này, hệ sinh thái khởi nghiệp đã chứng kiến một năm khá trầm lắng so với các năm về trước của cả nhà đầu tư và startup, khi mọi người tập trung hướng vào bên trong nhiều hơn, xây dựng sức mạnh nội lực để giải bài toán mang tên “tồn tại” của mình.

Trong năm 2024, có thể chúng ta vẫn sẽ chứng kiến khó khăn trong hoạt động huy động vốn. Do đó, hy vọng các startup sẽ tập trung hơn vào bên trong để tồn tại, tối ưu chi phí và đa dạng hóa các nguồn thu, đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp. Startup sẽ cần tập trung vào sản phẩm cốt lõi, mang lại giá trị thực sự để thuyết phục khách hàng tới và ở lại sử dụng, thay vì theo đuổi chiến lược “đốt tiền” để có được khách hàng bằng mọi giá và tập trung vào các chỉ số “phù phiếm” để được các nhà đầu tư định giá cao sau mỗi vòng gọi vốn như thời dòng tiền rẻ trước đây.

Startup cần tập trung tuyệt đối vào tính bền vững của mô hình kinh doanh và sự phát triển về chất của doanh nghiệp, bằng việc tối ưu tính đơn vị kinh tế, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, tìm cách đạt được sản phẩm phù hợp với thị trường, gia tăng biên lợi nhuận. Đây chính là những điều kiện cần có để startup đạt được North Star Metric (chỉ số Sao Bắc Đẩu) trong thời điểm này, đó là có lãi.

Bên cạnh đó, startup cần áp dụng linh hoạt thực hiện chiến lược “tăng trưởng có kiểm soát”. Tư duy tăng trưởng có kiểm soát là một kỷ luật lành mạnh để bảo vệ doanh nghiệp, chống lại các mối đe dọa đến từ những biến động khó đoán hay chu kỳ giảm phát từ thị trường.

Chiến lược này giúp startup có thể tập trung vào phát triển sức mạnh nội tại, mà không phải các tiêu chuẩn tăng trưởng tùy ý, để phát triển được bánh đà với nhiều giá trị tích luỹ lớn dần theo thời gian, một cách bền vững. Để làm được như vậy, startup cần tập trung vào việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm tốt hơn, liên tục duy trì và tạo ra nhiều giá trị lớn hơn nữa cho khách hàng của mình.

Thêm nữa, startup cần xây dựng tổ chức đội ngũ mạnh cùng với tầm nhìn rõ ràng, văn hóa doanh nghiệp truyền cảm hứng, cống hiến cho các nhân viên của mình”.

2024 sẽ là năm tiếp tục thanh lọc của thị trường startup - Ảnh 3

“Nhìn chung, nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2023 có sự suy giảm và chuyển dịch. Sự suy giảm này đến từ bức tranh ảm đạm của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu. Đặc biệt lạm phát tăng cao, liên tục phá vỡ các kỷ lục trong quá khứ khiến Fed buộc phải có những đợt điều chỉnh tăng lãi suất. Đây là lý do khiến cho “dòng tiền rẻ” (dòng tiền mà giai đoạn trước đây có thể dễ dàng huy động cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp toàn cầu) dần bị hạn chế. Do đó, dòng tiền từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp nước ngoài chảy vào Việt Nam cũng chịu chung số phận bị thắt chặt. Bên cạnh đó, bản thân nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 cũng gặp nhiều những khó khăn và sóng gió, chủ yếu liên quan đến trái phiếu và bất động sản.

Hệ quả là nền kinh tế bị suy thoái, sức mua sụt giảm, hiệu quả hoạt động kinh doanh đi xuống ở hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh. Các tác động tiêu cực trên làm cho dòng vốn nội địa từ các công ty hay tập đoàn lớn trong nước dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng trở nên hạn hẹp và khó khăn hơn.

Bên cạnh nguyên nhân một phần đến từ những tác động từ nền kinh tế vĩ mô trong nước cũng như trên thế giới, sự suy giảm về nguồn vốn còn liên quan đến hiệu quả đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn trước đây.

Rất nhiều công ty khởi nghiệp thành công trong việc gọi vốn nhưng lại chưa thành công trong việc đưa doanh nghiệp đạt được những cam kết như đã hứa hẹn với các nhà đầu tư, thậm chí, nhiều dự án còn buộc phải đóng cửa. Điều này gây ra tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi đưa ra quyết định giải ngân cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

2024 sẽ là năm tiếp tục thanh lọc của thị trường startup - Ảnh 4

Sự chuyển dịch trong hoạt động thẩm định và đưa ra quyết định đầu tư của các quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng do những sự suy giảm vừa nêu trên. Về cơ bản, các quỹ đầu tư khởi nghiệp sẽ chủ động nâng cao tiêu chí đầu tư của mình, trong đó đặc biệt tập trung nhiều hơn vào tính hiệu quả và năng lực phát triển bền vững của dự án. Quy trình về thẩm định đầu tư cũng cẩn thận và gắt gao hơn. Nhìn chung, dòng vốn đầu tư được cho là khó tính, cẩn thận, tốn nhiều thời gian và cẩn trọng hơn.

Trước thực trạng này, theo quan điểm cá nhân tôi, thị trường nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2024 sẽ vẫn ảm đạm như năm 2023.

Mỗi quỹ đầu tư khởi nghiệp thường sẽ có các tiêu chí và các lĩnh vực đầu tư được xác định sẵn khi lập quỹ. Do vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc những lĩnh vực phù hợp với “khẩu vị” đầu tư của các quỹ đầu tư sẽ dễ có cơ hội thu hút vốn đầu tư hơn. Riêng đối với Quỹ đầu tư Next100 thuộc Tập đoàn Nexttech, chúng tôi tập trung vào các doanh nghiệp thương mại điện tử D2C do theo góc nhìn đầu tư của chúng tôi thì trong tương lai, xu hướng mua sắm qua sàn thương mại điện tử, Tiktok sẽ thay đổi cuộc chơi của thị trường thương mại truyền thống. Do đó, các sản phẩm của doanh nghiệp D2C có thể dễ dàng tối ưu lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn như hiện nay, Quỹ đầu tư Next100 đặt trọng tâm vào các doanh nghiệp nền tảng có ứng dụng các yếu tố công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, thực phẩm (là hai lĩnh vực thiết yếu và ít bị ảnh hưởng bởi chu trình kinh tế) cũng như các doanh nghiệp công nghệ có khả năng phân tích dữ liệu kinh doanh, phân tích thị trường một cách tự động, nhanh chóng mà vẫn đảm bảo đủ chiều sâu. Từ đó có thể giúp doanh nghiệp hiểu hơn thị trường và bán hàng hiệu quả hơn với chi phí tối ưu nhất.

Ở góc nhìn vĩ mô, theo tôi, bản chất trong những năm vừa qua, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn đang phát triển tương đối mạnh mẽ mà chưa nói đến những cơ chế hay chính sách đặc thù riêng biệt. Do vậy, ở góc độ vĩ mô yếu tố có khả năng thúc đẩy tính sáng tạo và phát triển mạnh mẽ nói chung sẽ là môi trường kinh doanh. Cụ thể, môi trường kinh doanh tại Việt Nam cần được đảm bảo minh bạch, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp hoặc đầu tư đối với các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được tinh gọn, tối ưu mà vẫn đảm bảo được sự phát triển mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp”.

2024 sẽ là năm tiếp tục thanh lọc của thị trường startup - Ảnh 5

“Tôi không bất ngờ khi thấy các số liệu thống kê về thương vụ và tổng giá trị vốn đầu tư năm 2023 của các startup Việt sụt giảm, đặc biệt là các startup giai đoạn sớm. Từng gặp gỡ và trao đổi với đại diện của hàng chục quỹ đầu tư khác nhau trong năm 2023, tôi nhận thấy nhà đầu tư rất thờ ơ với các thương vụ giai đoạn ý tưởng và hạt giống, chuyển qua đầu tư ở giai đoạn Series A, B, C, hoặc pre-IPO khi các yếu tố rủi ro đã được loại bớt.

Nguyên nhân xuất phát từ những quan ngại về một số yếu tố sau: một, kinh tế suy giảm, sức mua của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp đều kém, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các startup; hai, rủi ro địa chính trị, nhà đầu tư giảm lượng tiền đầu tư tại các thị trường cận biên (frontier markets); ba, các vụ án tham nhũng và thao túng thị trường chứng khoán liên tục diễn ra, rất nhiều quan chức và doanh nhân phải đứng trước vành móng ngựa. 

Về mặt vĩ mô, Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng với dân số trên 100 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa cao 38,1%, cùng với đó số lượng người dùng Internet rất cao với 77,9 triệu người. Đây là cơ sở để tin tưởng vào việc các startup Việt sẽ tiếp tục gặt hái thành công khi vượt qua giai đoạn khó khăn của "mùa đông gọi vốn" hiện tại. Ngoài ra, sau giai đoạn bộ máy nhà nước cũng như bộ máy tư nhân được thanh lọc sẽ tới chu trình hoạt động trở lại mạnh mẽ hơn.

Về những rào cản lớn mà các startup Việt sẽ phải đối mặt trong năm 2024, theo tôi, dòng chảy của tiền là rào cản lớn nhất. Công ty có thể có đội ngũ giỏi và tâm huyết, sản phẩm chất lượng cao, nhưng khi tiền trên thị trường vốn không dồi dào thì vẫn không thể xây dựng công ty lớn trăm triệu tới tỷ USD. Một khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất ở mức cao 5,5% như hiện tại, tiền sẽ chảy rất chậm về các thị trường tài chính cận biên.

2024 sẽ là năm tiếp tục thanh lọc của thị trường startup - Ảnh 6

Ngoài ra, startup Việt còn phải đối mặt với rào cản về tâm lý nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều kỳ vọng vào những thương vụ niêm yết cổ phiếu của các công ty dẫn đầu thị trường như VinFast, VNG, Momo, Golden Gate, VNLife... Tuy nhiên, cho tới hiện tại đa phần các công ty này chưa đáp ứng được kỳ vọng lớn lao ấy. Mới đây nhất, VNG cũng đã rút đơn phát hành công khai lần đầu (IPO) tại Mỹ. Cho tới thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn chưa có thương vụ thoái vốn lớn nào được diễn ra khi một công ty công nghệ niêm yết trên sàn (cả trong và ngoài nước), đó cũng là điểm gây ra tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư lớn.

Năm 2023 cũng như 2024 đang là giai đoạn tích lũy "kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm" cho startup Việt. Theo quan điểm cá nhân của tôi, mỗi chúng ta cần tự nghiên cứu, chiêm nghiệm lại lịch sử để tìm ra những điểm chung, từ đó đưa ra chiến lược dài hạn. Nếu có điểm gì đó bất biến trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại thì đó là tính chu kỳ của nền kinh tế. Dù là nhà sáng lập công ty hay nhà đầu tư, chúng ta đều cần tính toán về chiến lược và thời điểm hành động để có cơ hội tốt nhất tới thành công.

"Thận trọng" là từ khóa năm 2023 của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ hay Singapore. Quỹ đã thành lập và tiền vẫn sẽ được đầu tư, nhưng việc tìm kiếm, giải ngân, đàm phán và rà soát thẩm định đều sẽ diễn ra một cách thận trọng hơn nhiều so với các năm trước đây.

"Vững vàng" là từ khóa tôi hay dùng để chúc anh, chị, em, bạn bè trong năm mới Giáp Thìn, vì chỉ có vững vàng vượt qua thách thức khi kinh tế suy yếu thì mới duy trì và gia tăng được vị thế cạnh tranh.

"Vững tin" là cảm xúc cá nhân của tôi về lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam trong dài hạn, bất chấp sự sụt giảm trong ngắn hạn”.

2024 sẽ là năm tiếp tục thanh lọc của thị trường startup - Ảnh 7

“Những từ khóa mà tôi muốn sử dụng để khái quát về bức tranh hoạt động của các startup trong năm qua là “thách thức”, “cơ hội”, “tập trung”, và “tăng trưởng bền vững”, bao gồm hoạt động gọi vốn. Thách thức là bởi không thể phủ nhận năm 2023 là một năm đầy khó khăn của cả nền kinh tế nói chung và đối với các startup nói riêng về nhiều mặt, bao gồm hoạt động kinh doanh và đặc biệt là gọi vốn.

Cơ hội bởi vì đây là thời điểm vàng cho các startup có nền tảng vững chắc và tiềm lực tài chính ổn định, khi các đối thủ yếu đi hoặc rời bỏ thị trường. Hai năm vừa qua thường được nhắc đến như “mùa đông gọi vốn”, nhưng tôi thấy đây có thể là “mùa xuân” cho rất nhiều startup, nếu họ biết nắm bắt và tận dụng cơ hội để tăng cường nội lực và mở rộng thị phần.

Trong giai đoạn trước đây, tôi quan sát thấy khá nhiều startup theo đuổi mục tiêu tăng trưởng không bền vững, đánh đổi bằng việc sử dụng vốn và nguồn lực không hiệu quả, tuyển dụng ồ ạt, thực hiện nhiều dự án dàn trải… Các startup cũng có thể thấy đối thủ gọi được vốn lớn và bị áp lực phải chạy theo trong khi chưa sẵn sàng.

2024 sẽ là một năm tiếp tục thanh lọc của thị trường, những startup không có nền tảng vững chắc và sử dụng vốn không hiệu quả sẽ tiếp tục bị đào thải hoặc gặp khó khăn trong những vòng gọi vốn tiếp theo. Kinh tế còn nhiều biến động, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, bao gồm cả startup, tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Ví dụ, khi thu nhập bị ảnh hưởng, người tiêu dùng có thể sẽ cắt giảm chi tiêu, ảnh hưởng đến các startup bán lẻ và thương mại điện tử. Tương tự, sự thận trọng trong các hoạt động vay mượn và đầu tư tài chính cũng có thể tác động đến các công ty tài chính.

Tuy nhiên, thách thức cũng mang lại cơ hội đổi mới cho các startup. Sự thay đổi trong nền kinh tế thường tạo ra sự chuyển dịch trong nhu cầu thị trường và hành vi của người tiêu dùng, mở ra cơ hội cho các startup khám phá các mô hình kinh doanh mới, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, tiếp cận các phân khúc thị trường chưa được khai thác. Trong năm 2024, những lĩnh vực tiềm năng thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư có thể sẽ là công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, cũng như các startup sử dụng trí tuệ nhân tạo để số hóa các ngành truyền thống.

Thời điểm này cũng là cơ hội tốt cho các startup có điều kiện tài chính vững mạnh vươn ra quốc tế, khi thị trường đã thanh lọc những startup kém hiệu quả. Tuy vậy, các startup cần nghiên cứu kỹ lưỡng văn hóa và thị hiếu thị trường mục tiêu, xây dựng các chiến lược marketing và bán hàng phù hợp để đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng khu vực”.

2024 sẽ là năm tiếp tục thanh lọc của thị trường startup - Ảnh 8

VnEconomy 29/01/2024 09:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 05-2024 phát hành ngày 29-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

2024 sẽ là năm tiếp tục thanh lọc của thị trường startup - Ảnh 9