Nhiều người dân Thanh Hóa khi kể về Anh hùng lao động Lê Văn Tam, họ rất thần tượng vì ông đã tình nguyện về đây, vực dậy một nhà máy đổ nát, thay đổi bộ mặt cả một vùng.
Thực lòng, nếu để tự nguyện thì tôi sẽ không về, vì dù gì, mình cũng đang là lãnh đạo Sở, cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Khi đến đây, hoang vu, heo hút, vợ con mình cũng không lên cùng thì càng khó. Tuy nhiên, mình là Đảng viên, tôi chấp hành sự phân công của tổ chức.
Vậy ông đã bắt đầu mọi việc như thế nào để vực dậy nhà máy mía đường?
Nhà máy này được xây dựng từ năm 1980, mãi đến năm 1984 mới xong, nhưng cũng chưa ép được mẻ đường nào. Có mía đâu mà ép, máy móc lại luôn hỏng hóc. Nhìn chung mọi việc rơi vào bế tắc. Cán bộ lãnh đạo của nhà máy do Bộ đưa về mà họ cũng không trụ lại được. Còn chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ thì đã xin rút về nước.
Việc đầu tiên là tôi phải đi kiếm vốn. Bởi nếu không có vốn sẽ chẳng làm gì được, tiền đâu mà trả lương cho công nhân, kỹ sư, cho cả bộ máy hành chính, nhất là để khai hoang trồng mía.
Tôi phải “vác rá” đi vay. Hồi đầu thì lên Bộ Tài chính, rồi lên cả Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cũng may Phó Thủ tướng đã về thăm nhà máy trước đó, thấy nhà máy tan hoang ông rất xót xa, nên đã “nói đỡ “ để Bộ Tài chính xem xét. Nhờ có khoản tiền đó, nhà máy mới bắt đầu lại mọi thứ.
Thế nhưng có tiền rồi thì lấy mía ở đâu mà ép đường? Vậy là tôi lại phải lên Bộ Nông nghiệp xin một đội khai hoang về đây cùng nông dân đi khai hoang, mở mang đất đai để trồng mía.
Nhưng có đất thì lại chẳng có giống. Tôi lại phải cùng anh em trong nhà máy tỏa đi khắp nơi để tìm giống, mua giống về trồng. Mua được giống mía, nhưng chỉ là những giống cho sản lượng thấp. Khi sờ đến máy móc thì không thể hoạt động được. Tôi lại phải ra trường Đại học Bách Khoa nhờ các thầy và sinh viên về hỗ trợ, sửa chữa, vận hành máy móc.
Cũng may, thời đó khó khăn nhưng mọi người về đây đều chung sức đồng cam cộng khổ rất nhiệt tình. Đến năm 1988 mẻ đường đầu tiên đã được ép ra, thật sung sướng, phấn khởi và tự hào.
Thời điểm đó, người dân chưa thấy nhà máy chạy, vậy ông phải thuyết phục ra sao để mọi người bắt tay khai hoang, trồng mía và bán cho nhà máy?
Khi đó tôi tự nhắc nhở mình và anh em trong nhà máy: trong tình hình như thế này, phải tự chủ chứ không thể trông cậy vào ai được. Cái gì giúp được thì các bộ, ban ngành cũng đã giúp rồi.
Tôi ứng dụng luôn câu nói của Bác Hồ vào công việc “ cái gì có lợi cho dân thì cố gắng làm, làm cho bằng được”. Nhà máy vận hành được thì nhân dân bán được mía, đời sống tốt lên. Cứ thế mà làm, không phải đắn đo gì nhiều.
Sinh thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã về thăm nhà máy nhiều lần, ông đi hỏi rất cặn kẽ và thấy được hiệu quả nên động viên chúng tôi: “Các đồng chí cứ làm đi, làm tốt lắm, vướng gì cứ nói với tôi”. Nhờ đó mà nhà máy, nhân dân đều có khí thế. Ai ai cũng hăng hái, lao vào mía đường và tin rằng con đường thoát nghèo đã ở phía trước.
Sau khoảng 3,4 năm đầu khó khăn, dần dần mọi việc bắt đầu đi vào ổn định. Đường Lam Sơn có mặt trên thị trường với chất lượng tốt, được người tiêu dùng đón nhận.
Từ khi Nhà máy Lam Sơn hoạt động, ép được mẻ đường đầu tiên, đến bây giờ ông nhận thấy vùng đất này đã thay đổi như thế nào?
Khi mới về đây, nhà máy xập xệ, coi như sắp giải tán, người dân không có cách gì để thoát nghèo. Đến nay, suốt chiều dài khoảng 30km xung quanh nhà máy, nhiều người dân đã giàu lên rất nhanh. Sự đổi đời đó một phần lớn bắt nguồn từ cây mía.
Để hình thành, liên kết hợp tác, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, từ đầu năm 2018, chúng tôi đã thành lập các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mía. Mục tiêu của các hợp tác xã là tập trung dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai để sản xuất quy mô lớn, tập trung thâm canh nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất mía cho nông dân.
Đến thời điểm này, đã có 10 hợp tác xã được thành lập với tổng diện tích 2.348 ha. Năng suất bình quân vùng mía do hợp tác xã quản lý đạt 80 tấn/ha.
Chương trình “Làm mới lại cây mía và hạt đường Lam Sơn” do tôi khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo đã mở rộng những cánh đồng lớn, cơ giới đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao đạt từ 80 tấn/ha đến 120 tấn/ha.
Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Sau 16 năm cổ phần hóa (2000 - 2016), tôi có thể tự hào khẳng định rằng Mía đường Lam Sơn – (Lasuco) đã trở thành doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành với nhiều bước đột phá mới.
Gắn bó với nhà nông như vậy, chắc hẳn ông và nông dân đã rất thấu hiểu và chia sẻ với nhau rất nhiều?
Chúng tôi phát triển đến ngày hôm nay, tất nhiên phải có sự đồng hành, chia sẻ của nông dân. Có thể có người không tin, nhưng khi không nhìn thấy khói của nhà máy, bà con nông dân lo hơn cả giám đốc.
Lúc lạm phát cao nhất, có người đến bảo,” ông Tam ơi, bây giờ giá mía ông mua vào 1.800đ/kg, mà giá đường ông bán ra chỉ 2.000đ/kg, thế này thì ông phá sản mất. Nếu cần ông cứ nói, chúng tôi xin giảm giá để nhà máy không thua lỗ quá”. Tôi rất cảm động và tự nhủ mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để nông dân không còn vất vả, bởi vì bà con lo cả cho mình.
Sau những giai đoạn khó khăn, ông đã nâng tầm nhà máy lên như thế nào?
Tôi đã đi nhiều nước để thăm quan, học hỏi. Muốn làm tốt phải áp dụng công nghệ vào sản xuất. Công nghệ sẽ quyết định gần như mọi thứ. Năm 2014, tôi thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp chất lượng cao Lam Sơn.
Tại đây, gần 20 ha nhà kính công nghệ Israel là nơi trồng dưa vàng, nhân giống các loại hoa lan, cam V2, mía giống chất lượng cao. Tại trung tâm, khu nhà nuôi cấy mô rộng hơn 5.000m2 hiện là một trong những trung tâm lớn nhất cả nước về nuôi cấy mô, hàng năm, cung ứng từ 3-5 triệu giống mía sạch cho vùng nguyên liệu mía cả tỉnh.
Điều đáng tự hào là các nhà khoa học của Trung tâm đã lai tạo sản xuất 4 giống chất lượng cao LS1, LS2, LS3, LS4 và chính thức được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận.
Ông còn dự định nào đang muốn tiếp tục thực hiện để nâng tầm cây mía Lam Sơn nói riêng và mía đường Việt Nam nói chung?
Tôi đang tham vấn cho lãnh đạo công ty (hiện nay ông Tam đã nghỉ hưu, giữ vai trò cố vấn Công ty CP Mía đường Lam Sơn) tiếp tục nghiên cứu, đưa ra công thức xen canh mía - cây trồng vụ đông, mía - cây trồng vụ xuân muộn, mục tiêu hướng tới là mang lại thêm cho nông dân thu nhập từ 50-60 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, vùng trồng nguyên liệu phải tiếp tục nâng cấp lên thêm một bước, phải thực hiện tổ chức lại sản xuất, xây dựng các cánh đồng mía lớn tập trung ở 40 xã, trong đó có ít nhất 50% diện tích trồng mía quy mô lớn, mỗi hộ tích tụ được 5 ha đất để đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, nâng năng suất mía cao hơn nữa.
Hiện nay, đường nước ngoài tràn vào Việt Nam rất nhiều, ông có lo ngại mía đường Việt Nam sẽ bị đánh bại?
Thực ra, đường nước ngoài đã vào Việt Nam và tạo ra áp lực cạnh tranh từ rất lâu rồi. Nhưng chúng tôi không sợ, thậm chí đã nhiều năm “đánh bạt” được các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài.
Vì sao chúng tôi thắng họ? Vì chúng tôi đã sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ mới, giống mới, đã liên kết chặt chẽ với nông dân làm ra những sản phẩm đường tốt nhất. Các nhà máy lớn của nước ngoài như Coca Cola, Pepsi... từ cách đây nhiều năm đã nhập đường của Lam Sơn về để chế biến.
Ông từng nói rằng nền nông nghiệp Việt Nam là “nông nghiệp chiếu manh”. Câu nói đó từ khá lâu rồi, đến bây giờ ông có thay đổi quan điểm của mình không?
Mấy năm nay xuất khẩu cũng rất khá, nhưng nhìn chung dư địa để nông nghiệp Việt Nam còn rất lớn, nếu phát triển đúng sức thì phải gấp 3, gấp 4 hiện nay. Nhưng chúng ta vẫn chưa làm được.
Vì sao? Vì quy mô sản xuất vẫn cực kỳ nhỏ lẻ. Nhìn sang Thái Lan chúng ta đã thua kém họ rồi. Họ làm được những cánh đồng lớn, làm lớn thì dễ cơ giới hóa, dễ áp dụng công nghệ, tạo ra sản lượng lớn, thế thì mới có lãi để tái đầu tư.
Nếu muốn thay đổi nền nông nghiệp, thì phải có nghiên cứu, tính toán kỹ. Đây cũng là xu thế chung của thế giới, nếu mình không thay đổi, hoặc thay đổi chậm sẽ khó cạnh tranh nổi.
VnEconomy 02/02/2022 13:00