AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 1
AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 2

Theo bà, công nghệ đã thay đổi ngành báo chí như thế nào trong những năm gần đây? Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, cách làm báo, quy trình sản xuất báo chí của các tòa soạn báo Việt Nam hiện nay đã thay đổi như thế nào?

Tôi nhận thấy rằng AI, đặc biệt là sau khi ChatGPT ra mắt, đã gây ra một sự thay đổi lớn trong ngành truyền thông. Thay đổi này trước hết ảnh hưởng đến cách sản xuất và phân phối thông tin.

Trước đây, sản xuất thông tin thường mang tính truyền thống, nhưng với sự xuất hiện của AI, quy trình này trở nên nhanh hơn, sâu hơn và toàn diện hơn. AI giúp mang lại cái nhìn toàn diện, tác động mạnh mẽ đến quy trình sản xuất nội dung và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả độc giả.

AI đang tự động hóa nhiều khía cạnh của ngành truyền thông. Trước kia, phóng viên phải ngồi viết tin, nhưng giờ đây AI có khả năng tự động viết tin, tạo headline, thậm chí thay thế vai trò của MC, người dẫn chương trình. AI cũng ảnh hưởng đến thiết kế và dàn dựng, khiến quy trình sản xuất nội dung thay đổi đáng kể, giảm số lượng việc làm trong ngành truyền thông và đòi hỏi người làm truyền thông phải có kỹ năng sử dụng AI.

Thuật toán AI tăng hiệu quả sản xuất, giúp nhà báo giải phóng thời gian để tập trung vào các bài viết phức tạp và sâu sắc hơn. Điều này là một thay đổi tích cực trong ngành báo chí. Ngoài ra, như tôi đã nói, AI ảnh hưởng đến cả độc giả. Theo đó, yêu cầu của bạn đọc cũng thay đổi. Độc giả đòi hỏi nội dung chất lượng cao hơn vì với tin tức thông thường, họ đã có thể dễ dàng tìm thông tin nhanh chóng qua ChatGPT. Vì vậy, AI thực sự đang thay đổi ngành báo chí rất nhiều.

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 3

Liệu những thay đổi của báo chí Việt Nam đã theo kịp tốc độ của báo chí thế giới?

Chưa, còn lâu lắm. Thực tế, ở Việt Nam, việc sử dụng AI trong báo chí vẫn còn khá hạn chế. Trong khi báo chí thế giới đã sử dụng công cụ AI để viết tin, báo chí Việt Nam mới chỉ bắt đầu ứng dụng một phần nhỏ và chưa có tòa soạn nào thực sự sử dụng AI để viết tin tự động. Việc ứng dụng AI vào MC ảo cũng đã được một số báo bắt đầu thử nghiệm, nhưng không thường xuyên và chưa nhiều.

Trên thế giới, nhiều trang báo đã sử dụng AI một cách rộng rãi. Ví dụ, Tân Hoa Xã đã dùng MC ảo từ lâu và nhiều tòa soạn quốc tế đã áp dụng AI để tạo MC ảo.

Ở Việt Nam, một số tòa soạn có sử dụng AI, nhưng mức độ ứng dụng cụ thể thì chưa rõ. Ngoài ra, tôi thấy rằng Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cũng đang đi đầu trong việc ứng dụng AI vào báo chí. Chatbot Askconomy của VnEconomy là một trong những ứng dụng AI tự phát triển hiếm hoi trong ngành báo chí Việt Nam.

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 4

Nếu nhà báo sử dụng công cụ AI để viết tin tự động sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc công chúng đánh giá công việc của nhà báo? Bởi vì, một số người thường nói có những nhà báo làm việc theo cách “ngồi điều hòa và đút chân gầm bàn” để viết tin. Nếu vậy ngày nay, với việc sử dụng AI và thậm chí là công cụ AI viết tin tự động, họ sẽ cho rằng công việc của nhà báo quá nhàn hạ, không hề “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, xông pha thực chiến? Bà nghĩ sao về những điều này?

Không, công việc của nhà báo sẽ phải đổ mồ hôi, nước mắt nhiều hơn chứ. AI sẽ hỗ trợ giải phóng nhà báo khỏi những công việc nhàm chán như: ngồi bóc băng hoặc viết tin ngắn. Nhà báo sẽ phải thực hiện những công việc mà AI không thể làm được, chẳng hạn như đến tận nơi quan sát, đánh giá, phỏng vấn. Nhờ AI, có thể nhà báo sẽ không còn “ngồi đút chân dưới gầm bàn nữa” mà sẽ phải đi thực tế nhiều hơn.

AI sẽ giúp giảm bớt khối lượng công việc đơn giản, để nhà báo tập trung vào những nhiệm vụ phức tạp và cần kỹ năng con người hơn, vì AI không thể đi thực tế được.

Trên thế giới, có một số tờ báo đã dùng AI để viết tin, tạo ra bài báo. Tuy nhiên, khi độc giả biết rằng những bài báo đó do AI viết, không phải do nhà báo viết, phản ứng của độc giả khá mạnh mẽ theo hướng tiêu cực. Bà nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ trong trường hợp này, độc giả có thể cho rằng những bài báo đó là do AI viết, nó thiếu tính nguyên bản và không có sự lao động của nhà báo, tuy nhiên, thực sự với các tin tức về chứng khoán, tài chính, nội dung chủ yếu là con số và dữ liệu, AI có thể làm tốt hơn con người. Con người nên tập trung vào những công việc phức tạp hơn như phân tích, bình luận; còn các tin tức ngắn như biến động thị trường chứng khoán, lãi suất ngân hàng thì nên để AI xử lý. AI có thể cập nhật nhanh chóng và hỗ trợ hiệu quả trong những công việc này.

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 5

Vậy, theo quan sát của bà, độc giả Việt Nam liệu có chấp nhận những bài báo do AI viết không?

Có một vấn đề là việc sử dụng AI trong báo chí vẫn chưa được minh bạch hóa. Về phản ứng của độc giả khi biết một bài báo dùng AI để viết tin hoặc do AI viết nên, họ có thể cho rằng nó rẻ tiền, không tôn trọng lắm và cảm thấy bài báo không có lao động của nhà báo. Phản ứng này làm cho độc giả không cảm thấy lôi cuốn hay tôn trọng tác phẩm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nên coi AI như một công nghệ tăng cường năng lực của con người, giúp con người giải quyết những vấn đề phức tạp một cách nhanh chóng và toàn diện hơn, nên chắc chắn độc giả sẽ cần làm quen với các tác phẩm báo chí có sự tham gia của AI.

Đối với việc ứng dụng AI trong báo chí, phần mềm viết tin tự động liệu có đáng tin cậy?

Thực tế là phần mềm viết tin tự động, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính kinh tế, thường được sử dụng để tự động tạo ra nhiều thông tin. Tuy nhiên, đã có trường hợp tòa soạn phải bỏ bản tin đó vì phần mềm viết sai, đặc biệt liên quan đến số liệu kinh tế. Do công nghệ AI có tính ảo giác, có thể tạo ra thông tin không chính xác, thậm chí tự bịa ra và điều này rất nguy hiểm. Đó cũng chính là điều mà các nhà báo, tòa soạn báo cần lưu ý khi sử dụng AI, điều đó cũng cho thấy nhà báo thời công nghệ không phải cứ “đút chân gầm bàn” và dùng AI nhẹ tênh, mà còn phải kiểm chứng thông tin để tránh tin giả, tin sai sự thật.

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 6

Ý kiến của bà như thế nào về vấn nạn tin giả khi sử dụng AI trong báo chí?

Vấn đề tin giả, tin sai sự thật khi sử dụng AI trong báo chí thực sự là một bài toán nan giải, đặc biệt các video deepfake đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn và khó kiểm soát. Điều này liên quan đến việc thiếu luật pháp minh bạch. Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đầu tiên phát triển luật về AI và nội dung, nhưng các nước khác vẫn chưa có sự phát triển tương tự. Vấn đề bản quyền của tác phẩm AI và video fake rất khó giải quyết.

Tôi được biết hiện nay đã có các công cụ AI đang phát triển một số dấu hiệu để nhận biết đó là video, hình ảnh do AI tạo ra, như sử dụng watermark ngầm. Tuy nhiên, người dùng sẽ khó khăn trong việc nhận biết watermark ngầm này, vì thế buộc họ phải có nhận thức cao hơn về vấn đề tin giả. Hy vọng rằng theo thời gian, luật pháp sẽ rõ ràng hơn trong câu chuyện xử lý vấn nạn tin giả cũng như buộc các công cụ AI phải có các biện pháp như đánh dấu watermark ngầm trong các sản phẩm AI.

Đối với nội dung văn bản, việc kiểm chứng và kỹ năng kiểm chứng thông tin của nhà báo rất quan trọng để đảm bảo nguồn thông tin là chính xác.

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 7

Hiện nay, hầu hết các quốc gia vẫn đang tranh cãi và nghiên cứu các quy định chung đối với AI. Vậy trong báo chí, các tòa soạn đã có những quy tắc sử dụng AI dành cho phóng viên, biên tập viên hay chưa?

Hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới đã thiết lập quy định nội bộ về việc sử dụng AI. Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa rõ liệu đã có bất kỳ tòa soạn nào thiết lập các quy định nội bộ tương tự hay chưa. Tuy nhiên, theo tôi, việc thiết lập các quy định này là cần thiết và nên được thực hiện. Các tờ báo cần có các quy định cụ thể để quản lý việc sử dụng AI của các phóng viên, nhằm đảm bảo tính kiểm chứng của thông tin.

Một số báo tại Việt Nam đã và đang xây dựng mô hình trả phí, tức là phải trả tiền mới được đọc hết bài báo online. Trên thế giới, mô hình trả phí đã được nhiều báo áp dụng, giúp tăng doanh thu cho báo chí trong bối cảnh quảng cáo giảm sút. Vậy, AI có thể giúp gì cho các tòa soạn trong chiến lược thu phí?

Financial Times đã sử dụng AI để phân tích dữ liệu độc giả và phát triển hệ thống dữ liệu riêng của họ. Họ phân tích tỷ lệ độc giả đọc một bài báo và phát hiện rằng nếu một bài báo được đọc hơn một nửa, thì bài đó có chất lượng cao. Họ cũng nhận thấy rằng những người đọc nhiều bài chất lượng có khả năng đăng ký trả phí cao hơn.

Qua phân tích này, họ chia các bài báo thành các loại: bài hấp dẫn được đọc nhiều; bài chuyên sâu ít người đọc nhưng được đọc hết; bài không hấp dẫn không được đọc và luôn bị bỏ giữa chừng. AI giúp họ phát hiện ra xu hướng này và từ đó phát triển các chiến lược phù hợp.

Financial Times đã đầu tư vào kỹ thuật phần mềm để hỗ trợ nhà báo trong công việc của họ. AI không chỉ giúp tòa soạn phát triển mà còn hỗ trợ trong việc phân tích dữ liệu, giúp họ hiểu rõ hơn về độc giả và tạo ra nội dung chất lượng.

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 8

Trong thời đại mới, các phóng viên cần phải có những kỹ năng gì để thích nghi với sự phát triển của AI và tích hợp AI vào quá trình sản xuất tin, bài?

Phóng viên cần học về AI và không nên từ chối nó. Thực tế là có những người sẽ chấp nhận và sử dụng AI ngay lập tức, nhưng cũng có những người sẽ từ chối. Một số người cho rằng họ ghét AI và không muốn sử dụng nó, thậm chí tẩy chay nó. Tuy nhiên, là một giảng viên, tôi luôn khuyến khích sinh viên sử dụng AI, vì AI là tương lai không thể phủ nhận. Đó là một công cụ sáng tạo của loài người và nó đã xuất hiện, chúng ta phải biết cách sử dụng và kiểm soát nó. AI là công cụ tăng cường năng lực trí tuệ của loài người rất nhiều.

AI là một công cụ mạnh mẽ giúp nhà báo đưa thông tin chi tiết hơn, đánh giá dữ liệu một cách chính xác và thậm chí giải quyết những vấn đề phức tạp hơn. Các tòa soạn và nhà báo hiểu được điều này có thể nhanh chóng tiến lên trong cuộc cạnh tranh.

Đáng chú ý, hầu hết các tòa soạn báo ở Việt Nam vẫn loay hoay, chưa đầu tư nhiều về mặt công nghệ. Do đó, phóng viên khi sử dụng công nghệ, AI vào làm báo hầu hết đều phải tự mình mày mò, tìm kiếm, vật lộn để có thể biết cách sử dụng và thích ứng.

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 9

Theo bà, với sự bùng nổ của công nghệ và AI, xu hướng báo chí sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới?

Báo chí ở Việt Nam sẽ giống với xu hướng thế giới, mặc dù sẽ chậm hơn một vài năm. Hiện nay, báo chí thế giới đã thể hiện một số xu hướng nhất định mà báo chí Việt Nam cũng đang và sẽ theo đuổi. Một trong những xu hướng đó là các tờ báo tin tức nhanh dần mất đi sức hút, sẽ chết bởi vì không thể cạnh tranh được với mạng xã hội. Thay vào đó, báo chí phải tập trung sản xuất nội dung sâu hơn, chất lượng cao hơn và độc quyền hơn. Đồng thời, xu hướng đa phương tiện cũng đang được nhấn mạnh, đặc biệt, việc sử dụng AI sẽ tạo ra nhu cầu mạnh mẽ cho dữ liệu báo chí.

Báo chí dữ liệu đang là một mảng rất yếu tại Việt Nam do gặp khó khăn trong việc phát triển dữ liệu, ít dữ liệu chất lượng và hạn chế về sự đa dạng. Điều này làm cho báo chí không thể cung cấp thông tin toàn diện và sâu sắc như mong đợi.

Giống như xu hướng trên thế giới, ngành báo chí ở Việt Nam đang trải qua quá trình thu hẹp, đào thải, số lượng cơ quan báo chí giảm dần. Ở nhiều quốc gia, số lượng báo chí cũng đã giảm đi đáng kể, chỉ còn lại vài tờ báo có sức ảnh hưởng lớn. Điều này là do người đọc không có đủ thời gian để tiếp tục theo dõi nhiều nguồn tin, họ chọn lựa các tờ báo uy tín để hiểu sâu vấn đề. Ví dụ, ở Mỹ, New York Times thường được coi là một nguồn tin đáng tin cậy và đầy đủ.

Vì vậy, cuộc đua trong ngành báo chí ngày càng trở nên khốc liệt, cạnh tranh để có thể sống sót. Các tờ báo cần phải nhanh chóng thích ứng và cập nhật để tồn tại trong môi trường thông tin ngày nay.

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 10

Trong bối cảnh này, tốc độ đào thải đối với phóng viên cũng khốc liệt như vậy?

Đúng vậy, trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, chỉ những ai nắm bắt kịp thời và sử dụng công nghệ hiệu quả mới có thể tồn tại và phát triển; ngược lại, những người không làm được điều này có thể bị tụt lại phía sau. Công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và ngành báo chí cũng phải điều chỉnh để không bị tụt hậu so với các ngành khác.

Quan trọng hơn nữa, nhà báo cần hiểu rõ công nghệ là công cụ hỗ trợ giúp nhà báo làm việc nhanh hơn, giải phóng thời gian và cho phép họ tập trung vào những nhiệm vụ phức tạp hơn. Tuy nhiên, những kỹ năng cơ bản của nghề báo vẫn được giữ nguyên, như kỹ năng phỏng vấn, nghiên cứu chuyên sâu, tìm kiếm đề tài…

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 11

VnEconomy 19/06/2024 17:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

AI giúp nhà báo có thời gian tập trung vào bài viết phức tạp, chuyên sâu - Ảnh 12