AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 1
AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 2

Được biết Hemera Media đã xây dựng và thiết kế hệ thống CMS cho nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam. Vậy ông có thể cho biết về các tính năng của hệ thống CMS do Hemera xây dựng? Những tính năng đó hỗ trợ các phóng viên, biên tập viên trong quá trình tác nghiệp và khai sinh ra tác phẩm như thế nào?

Từ trước đến nay, mọi người thường sử dụng thuật ngữ CMS để nói đến hệ thống quản lý nội dung cho các báo, tạp chí điện tử hay một website thông tin nói chung. Tuy nhiên, theo tôi, đối với một tờ báo hay tạp chí điện tử, chúng ta không nên sử dụng thuật ngữ này nữa mà thay vào đó nên dùng cụm từ “Hệ thống quản trị tòa soạn”.

Lý do là, ở một tòa soạn báo, chúng ta cần hướng tới xây dựng một hệ thống quản trị toàn diện chứ không dừng lại ở một phần là quản lý nội dung. Việc sử dụng thuật ngữ “Hệ thống quản trị tòa soạn” sẽ cho chúng ta tầm nhìn rộng hơn và chính xác hơn trong việc xây dựng một nền tảng phần mềm dành riêng cho báo hay tạp chí điện tử.

Một hệ thống quản trị tòa soạn toàn diện và mạnh mẽ vừa là linh hồn, vừa là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một tòa soạn báo, tạp chí điện tử.

Một hệ thống quản trị tòa soạn toàn diện cần phải giải quyết được mọi khâu quản lý của một tòa soạn. Trong cuộc trò chuyện này, tôi không thể liệt kê hết các tính năng bởi một hệ thống quản trị tòa soạn toàn diện cần có đến hàng chục phân hệ. Mỗi phân hệ thực hiện một nhiệm vụ quản lý khác nhau và có rất nhiều tính năng riêng. Tôi chỉ xin nêu một số phân hệ quan trọng như: quản lý tin bài, quản lý xuất bản, quản lý người dùng, quản lý tác giả và bút danh, quản lý nhuận bút, quản lý đề tài, quản lý người đọc, quản lý giao diện người đọc, quản lý quảng cáo, quản lý SEO (quá trình tối ưu hóa website), quản lý media, quản lý chuyên trang, quản lý mạng xã hội, quản lý bán báo, quản lý báo in, quản lý khách hàng, quản lý kinh doanh...

Mỗi một phân hệ đều giúp ích cho các đối tượng khác nhau trong các nghiệp vụ khác nhau, từ phóng viên, cộng tác viên cho tới biên tập viên, phụ trách chuyên mục, thư ký tòa soạn, bộ phận quảng cáo, kế toán, hành chính cho tới ban biên tập và tổng biên tập.

Hệ thống Hemera ONCMS của chúng tôi luôn được phát triển để hướng tới là một hệ thống quản trị tòa soạn toàn diện. Các phân hệ và tính năng đi kèm đều được phát triển dựa trên nhu cầu nghiệp vụ thực tế và được tối ưu hóa để mang lại hiệu quả cao nhất cho người sử dụng.

AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 3

Vậy, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh, theo ông, tiềm năng ứng dụng công nghệ số trong báo chí, đặc biệt là việc tích hợp các công nghệ này vào hệ thống CMS như thế nào?

Trong hai năm gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo, gọi tắt là AI, đã có những bước tiến vượt bậc. Sự ra đời của ChatGPT đã khiến cho các ông lớn công nghệ như Microsoft, Google, Apple, Facebook, Nvidia, Qualcomm, Intel, IBM… cùng vô vàn các doanh nghiệp công nghệ khác phải lao vào cuộc đua và đã tạo ra những bước tiến ngoạn mục. Công nghệ AI giờ đây có thể làm được những điều mà chỉ cách đây hai năm là không tưởng.

Theo tôi, báo chí là lĩnh vực có thể hưởng lợi rất lớn từ AI. AI có thể sẽ giúp cho báo chí có được những bước đột phá lớn bởi năng lực của AI và Big Data (dữ liệu lớn) dường như là vô hạn.

Tuy nhiên, đối với các cơ quan báo chí, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận AI như là một công cụ hỗ trợ đa năng và thông minh thay vì nghĩ rằng AI có thể thay thế những người làm báo. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về sự phát triển của AI có thể là mối đe dọa đối với con người, nhưng tôi cho rằng cái gì cũng có hai mặt của nó, nếu chúng ta tận dụng tốt, sử dụng chúng vào những việc tốt và có ích thì AI có khả năng sẽ đem lại những lợi ích to lớn.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã có thể tận dụng công cụ AI trong mọi hoạt động của tòa soạn. AI có thể giúp đội ngũ sản xuất nội dung trong nhiều nghiệp vụ như tổng hợp thông tin và dữ liệu, đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới, nghiên cứu và phân tích tài liệu, dịch đa ngôn ngữ, chuyển bản ghi âm thành văn bản và ngược lại, chau chuốt câu từ và chính tả, tìm kiếm và thống kê dữ liệu….

AI có thể hỗ trợ cho cấp quản lý phân tích dữ liệu, cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định trong nhiều lĩnh vực như nội dung, nhân sự, tài chính, nắm bắt xu thế đọc, hiệu quả kinh doanh, quản trị… AI có thể giúp các tờ báo cung cấp cho độc giả nhiều tính năng hữu ích và khả năng tương tác cao. Ví dụ điển hình là Askonomy của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã cung cấp cho bạn đọc một công cụ vô cùng hữu ích và thông minh. Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy có lẽ là cơ quan báo chí đi đầu trong việc ứng dụng AI tại Việt Nam.

Tôi tin tưởng rằng trong tương lai, AI sẽ là một người bạn đồng hành không thể thiếu của các toà soạn báo.

AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 4

Với thực tế của các tòa soạn báo Việt Nam, ông có đánh giá gì về mức độ tích hợp AI vào hệ thống CMS của các tòa soạn báo ở Việt Nam hiện nay?

Tôi không có đủ thông tin để đánh giá về vấn đề này. Tuy nhiên, với tư cách là một đơn vị công nghệ hỗ trợ cho các tòa soạn, tôi tin rằng trong tương lai gần, các hệ thống quản trị tòa soạn sẽ nhanh chóng được tích hợp các công nghệ AI hỗ trợ cho các nghiệp vụ.

AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 5

Được biết Hemera Media là một công ty công nghệ chuyên thiết kế hệ thống CMS cho các cơ quan báo chí, vậy hoạt động “AI hóa” và hệ thống CMS đã và đang được Hemera triển khai như thế nào?

Nền tảng Hemera ONCMS của chúng tôi liên tục được nâng cấp để phục vụ ngày càng tốt hơn cho các tòa soạn. Chúng tôi không ngừng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới cũng như hỗ trợ các tòa soạn trong việc ứng dụng các công cụ hiện đại trong các hoạt động báo chí.

Ở giai đoạn này, Hemera Media đang gấp rút tích hợp những tính năng có sự hỗ trợ của AI vào toàn bộ hệ thống quản trị tòa soạn và cả giao diện dành cho bạn đọc.

AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 6

Báo chí đa phương tiện hiện đang được hầu hết các tòa soạn triển khai, trong đó bài báo được thiết kế, trình bày với nhiều hình thức như longform, biểu đồ tương tác… Theo ông, việc thiếu công cụ sản xuất tác phẩm báo chí đa phương tiện tại các tòa soạn gây khó khăn gì cho việc đa dạng hóa nội dung và thu hút người đọc?

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet trong nhiều năm qua đã mang lại rất nhiều lợi ích cho công chúng trong việc tiếp cận thông tin. Cùng với đó là vô vàn các hình thức thể hiện, các cách thức và phương tiện tiếp cận với bạn đọc và người xem.

Tuy nhiên, việc này lại trở thành một thách thức rất lớn đối với các tòa soạn báo, tạp chí điện tử. Trước đây, khi chưa có báo điện tử thì công chúng không có mấy lựa chọn để tiếp nhận thông tin ngoài báo in, đài tiếng nói và truyền hình. Ngày nay, thông tin có thể đến từ mọi hướng, mọi thiết bị với đa dạng các loại hình phân phối nội dung khác nhau. Điều này làm cho các tờ báo bị giảm năng lực cạnh tranh, mất dần bạn đọc nếu như không nghiên cứu, xây dựng các loại hình nội dung mới, cách tiếp cận mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bạn đọc.

Báo chí đa phương tiện là một bước tiến lớn của báo chí. Hầu hết các báo hay tạp chí điện tử đều hàng ngày đang sản xuất các nội dung báo chí đa phương tiện. Tuy nhiên, chỉ có một số ít tòa soạn tạo ra được sự đột phá trong việc thu hút bạn đọc bằng những nội dung báo chí này.

Việc thiếu các công cụ sản xuất báo chí đa phương tiện là một rào cản nhưng không phải là tất cả. Đơn cử như đối với video, chúng ta không hề thiếu công cụ từ quay, dựng, hậu kỳ, lồng tiếng, tạo phụ đề,… nhưng việc sản xuất ra những tác phẩm video hấp dẫn bạn đọc không phải tòa soạn nào cũng làm được.

Một ví dụ khác là dạng bài longform/e-Magazine. Các hệ thống quản trị tòa soạn hiện nay đa số đều có công cụ để làm dạng bài này. Nhưng để làm ra những tác phẩm longform/e-Magazine hấp dẫn, chúng ta cần nội dung hay, hình ảnh đẹp và quan trọng là sự sáng tạo không ngừng để có thể luôn làm mới những tác phẩm của mình. Dạng bài này cũng tương tự như các bài trên tạp chí in, cần rất nhiều yếu tố để có được một bài trình bày hấp dẫn bạn đọc. Trên hệ thống quản trị tòa soạn của Hemera Media, công cụ soạn thảo nội dung của chúng tôi có thể giúp cho các tác giả thỏa sức sáng tạo ra các cách trình bày nội dung để mỗi bài báo đều có thể được thể hiện như một bài e-Magazine.

Tóm lại, tôi đánh giá việc thiếu các công cụ sản xuất báo chí đa phương tiện không gây ra nhiều khó khăn cho người sản xuất nội dung. Việc sử dụng các công cụ mà mình có như thế nào cho hiệu quả mới là vấn đề.

AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 7

Hiện nay một số cơ quan báo chí vẫn băn khoăn câu chuyện tích hợp các ứng dụng AI vào hệ thống CMS sẽ làm tăng mức độ đầu tư khá lớn, trong khi hiệu quả, lợi ích kinh tế mang lại không tương xứng với chi phí bỏ ra. Ông đánh giá sao về nhìn nhận này?

AI có thể trở thành trợ lý ảo cực kỳ thông minh cho các nhà báo trong hoạt động sáng tạo và tổ chức sản xuất nội dung. AI có thể giúp các nhà báo tự động hóa nhiều công việc, giảm thiểu thời gian và công sức, tăng cường năng suất lao động. AI có thể giúp tăng cường hiệu quả quản trị, giảm thiểu rủi ro, giúp lãnh đạo nâng cao khả năng giám sát cũng như hỗ trợ ra quyết định chuẩn xác hơn. AI cũng có thể giúp tòa soạn tạo ra những sản phẩm mới, giá trị gia tăng mới, phát triển kinh tế báo chí.

Việc đầu tư cho công nghệ trong các cơ quan báo chí rất khó có thể đo đếm được ROI (chỉ số tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư). Cá nhân tôi nhìn thấy có nhiều lợi ích của việc ứng dụng AI và ứng dụng AI là một việc tất yếu với các cơ quan báo chí nếu họ không muốn bị tụt lại phía sau. Việc đầu tư như thế nào cho thực sự hiệu quả thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như quy mô, mô hình hoạt động, hiện trạng,… của từng tòa soạn.

AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 8

Theo đánh giá của ông, mô hình “AI hóa” vào hệ thống CMS của các cơ quan báo chí ở Việt Nam trong những năm tới đây sẽ diễn ra theo xu hướng như thế nào? Điều này có tác động như thế nào trong việc tạo ra nguồn thu mới cho các tờ báo?

Việc tạo ra những nguồn thu mới từ AI là rất có tiềm năng. Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã làm được điều đó với Askonomy, một sản phẩm đọc báo chủ động vô cùng thông minh và hữu ích cho người dùng. Những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của bạn đọc như vậy sẽ đem lại nguồn thu mới cho các tờ báo.

Ngoài ra, tôi cho rằng việc ứng dụng mạnh mẽ AI sẽ còn có thể đem lại nhiều cơ hội khác. Các tờ báo có thể sản xuất rất nhiều nội dung mới bằng AI như bản tin tổng hợp, đọc tin nhanh, tóm tắt video, podcast.… Nội dung hấp dẫn hơn sẽ gia tăng lượng đọc và đem lại doanh thu quảng cáo lớn hơn. Với hệ thống quảng cáo được tối ưu bằng AI cũng sẽ giúp các tờ báo gia tăng doanh thu và khách hàng quảng cáo.

Người Việt Nam chúng ta vô cùng nhạy bén trong việc ứng dụng công nghệ. Do vậy, tôi cho rằng xu hướng của 3-5 năm tới ở các cơ quan báo chí là ứng dụng AI ngày càng sâu vào hệ thống quản trị tòa soạn và các sản phẩm báo chí phục vụ bạn đọc.

AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 9

Là một chuyên gia về xây dựng CMS, ông có lời khuyên nào cho các tòa soạn trong việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là AI?

Tôi không dám nhận là một chuyên gia. Tôi chỉ là một người có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với lĩnh vực báo chí nói chung và làm ra các sản phẩm công nghệ phục vụ cho báo điện tử nói riêng.

Từ những kinh nghiệm có được, tôi thấy các cơ quan báo chí nên chú trọng vào một số điểm sau:

Một là, tập trung vào xây dựng các chiến lược từ ngắn hạn đến dài hạn cho việc ứng dụng công nghệ như chiến lược về chuyển đổi số, chiến lược ứng dụng AI.

Hai là, nâng cao nhận thức về công nghệ của toàn bộ đội ngũ từ lãnh đạo tới cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Ba là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin, AI, phát triển các kỹ năng mới, nâng cao hiệu suất và chất lượng lao động.

Bốn là, tăng cường hợp tác với các đơn vị công nghệ để tiếp thu, thử nghiệm công nghệ mới. Các cơ quan báo chí nên luôn mở cửa để đón nhận các công nghệ mới và không ngại thử nghiệm ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của tòa soạn.

Năm là, tăng mức đầu tư cho công nghệ: đa số các cơ quan báo chí hiện nay chi cho công nghệ ở mức rất thấp. Đây là một rào cản lớn cho sự phát triển. Các báo nên đặt mức độ ưu tiên đầu tư cho công nghệ cao lên.

Sáu là, lấy bạn đọc làm trung tâm: mọi sản phẩm công nghệ, tác phẩm báo chí hay quảng cáo, tiếp thị đều đặt bạn đọc lên hàng đầu bởi bạn đọc chính là nguồn sống của các cơ quan báo chí.

Bảy là, không ngừng nghiên cứu và phát triển: mỗi tờ báo đều nên liên tục tự làm mới mình, phát triển các sản phẩm mới, kênh phân phối nội dung mới, tạo trải nghiệm mới cho người dùng... Có như vậy tờ báo mới có được sự phát triển bền vững, thu hút độc giả và gia tăng được nguồn thu.

AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 10

VnEconomy 18/06/2024 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

AI sẽ là bạn đồng hành không thể thiếu của tòa soạn báo - Ảnh 11