Đồng hồ xa xỉ có thể là khoản đầu tư tốt

Minh Nguyệt
Năm ngoái, Hermes, Rolex và Audemars Piguet đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm giảm bớt một phần tình trạng dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ vẫn liên tiếp tung ra các sản phẩm...

Trong 4 thập kỷ qua, Thụy Sĩ đã xuất khẩu hơn 1 tỷ chiếc đồng hồ. Các nhà sản xuất đồng hồ xa xỉ đang phải vật lộn với nghịch lý rằng họ cần bán nhiều hơn nhưng phải khiến sản phẩm của mình trở nên độc quyền hơn, đáng thèm khát hơn. Hiện tại, các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đang mạnh tay chi thưởng cho các giám đốc bán hàng dựa vào doanh số. Điều này khiến một số lượng lớn sản phẩm được đẩy ra thị trường.

CAO CẤP NHẤT TỨC LÀ AN TOÀN NHẤT

Quả thực, ở giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, các nhà sản xuất đồng hồ đã gặp phải sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian ngắn. Đại dịch khiến các dịp lễ bị bỏ qua - đây vốn là thời gian người tiêu dùng mạnh tay chi tiền cho các sản phẩm họ thích. Khi tất cả buộc phải ở nhà, những nhu cầu này sẽ bị triệt tiêu. Điều này cùng với lượng lớn sản phẩm được tung ra thị trường khiến đồng hồ Thụy Sỹ nói chung có nguy cơ bị tồn kho. 

Ngoài ra, Apple cũng đang sản xuất lượng đồng hồ lớn gấp đôi so với toàn bộ số đồng hồ xuất khẩu của Thụy Sĩ. Điều này tiếp tục tác động đến nhu cầu tiêu dùng, vốn đã rất tổn thương khi đại dịch quét qua toàn cầu. Doanh số xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ đã giảm 22% vào năm 2020. Sau 5 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ đã lao dốc 3% so với thời kỳ trước đại dịch năm 2019, theo thống kê của Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ. Các sản phẩm được bán trong vùng giá tầm thấp và tầm trung 200 - 500 franc lao dốc đến 40%. 

Tuy nhiên, nghịch lý là, giá trị xuất khẩu của những chiếc đồng hồ có giá trên 3.000 franc Thụy Sĩ (tương đương 3.280 USD) gần như đã phục hồi về mức trước khủng hoảng. Thậm chí, theo Wall Street Journal, nhà bán lẻ đa thương hiệu Watches of Switzerland cho biết doanh số bán hàng đã tăng 13% từ đầu năm đến hết tháng 5/2021. Đó là mức tăng đáng ngạc nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19. 

Không chỉ với đồng hồ, các món hàng xa xỉ bậc nhất đều bán chạy giữa đại dịch.
Không chỉ với đồng hồ, các món hàng xa xỉ bậc nhất đều bán chạy giữa đại dịch.

Theo ông Laurent Dordet, đại diện ngành hàng đồng hồ của Hermes, nhu cầu hiện nay tập trung vào sản phẩm của các thương hiệu lớn nhất như Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet, Cartier và Omega. Với các thương hiệu nhỏ hơn, cạnh tranh sẽ trở nên rất khắc nghiệt. Chính sự phân cực trong ngành công nghiệp đồng hồ sẽ khiến nhiều người chiến thắng và cũng có rất nhiều kẻ thua cuộc.

“Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, phân khúc đồng hồ cao cấp nhất cũng chính là phân khúc an toàn nhất. Điều này đồng nghĩa với việc giới nhà giàu ít bị ảnh hưởng hơn so với phần còn lại của thế giới trong đại dịch Covid-19,” Dordet nói. “Các loại đồng hồ giá càng rẻ thì lại càng khó tìm được khách hàng trong năm 2020 và 2021. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản”.

Không chỉ với đồng hồ, các món hàng xa xỉ bậc nhất đều trở nên ăn khách giữa đại dịch. Nhà sản xuất xe hơi Rolls-Royce cũng vừa ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử với 3 tháng đầu năm 2021. Hermès cũng ghi nhận số lượng túi xách Birkin bán ra nhiều hơn và đẩy giá của nó lên mức cao kỷ lục. Năm tháng đầu năm 2021, giá bán lại của túi Hermès đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó túi Birkin có giá bán lại bình quân tăng 4.000 USD so với cùng thời điểm năm 2020.

XU HƯỚNG ĐỔ TIỀN VÀO ĐỒNG HỒ XA XỈ

Tại Texas (Mỹ), nhà đầu tư bất động sản Tyron McDaniel mới đây đã than phiền trên mạng xã hội rằng ông không thể tìm được bất kỳ chiếc Rolex nào dành cho nam tại cửa hàng, nhiều nơi thậm chí sẽ không nhập thêm đồng hồ về trong vòng 1 - 1,5 năm tiếp theo. Trong khi thật ra Rolex được cho là vẫn sản xuất khoảng 1 triệu chiếc đồng hồ mỗi năm. Rolex muốn duy trì hình ảnh khan hiếm của sản phẩm, để khách hàng tưởng rằng nhu cầu mua Rolex cao đến mức họ không kịp sản xuất để đáp ứng. 

 
Rolex không phải sản phẩm duy nhất được săn lùng với mức giá cao, nhưng đó là thương hiệu hàng đầu trên thị trường đồng hồ đã qua sử dụng. Theo báo cáo gần đây của McKinsey, mức doanh thu của thị trường này có thể tăng từ 29 tỷ USD tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.

Tình trạng khan hiếm ảo này dẫn tới hiện tượng khác, đó là sự bùng nổ về giá của những chiếc đồng hồ cũ trên thị trường mua bán lại. Ở đó, sản phẩm được săn lùng với mức giá cao hơn hẳn so với các cửa hàng bán lẻ. Chẳng hạn, một chiếc đồng hồ thép Daytona được quảng cáo trên trang web của Rolex có giá là 13.150 USD. Thế nhưng, cũng sản phẩm đó trên Chrono24 - nền tảng thương mại điện tử chuyên mua bán lại đồng hồ xa xỉ - lại có giá tới 36.000 USD. Liệu còn tài sản nào có thể tăng giá nhanh như vậy ngay sau khi mua?

Hồi tháng 6/2021, Watchfinder & Co. cũng vừa công bố một báo cáo chi tiết về những chiếc đồng hồ xa xỉ bị “lãng quên” và đang trôi nổi trên thị trường đồng hồ toàn cầu. Khảo sát được thực hiện với 26.714 chủ sở hữu những chiếc đồng hồ xa xỉ (với giá thấp nhất là từ 1.300 USD/chiếc) cho thấy, tổng giá trị của những chiếc đồng hồ đang bị chính chủ nhân của chúng “bỏ qua” đã vượt quá 55 tỷ USD.

Điểm chung của rất nhiều người tham gia khảo sát là họ có ít nhất một chiếc đồng hồ mà gần như không bao giờ đeo. Cụ thể, tại Anh, 47,5% người được hỏi cho biết họ có ít nhất một chiếc đồng hồ sang trọng mà họ không đeo, điều này có nghĩa là có rất nhiều cá nhân có khả năng đang sở hữu một loại tài sản có giá tới hàng chục nghìn USD.

“Bạn có thể được thừa kế một chiếc đồng hồ, hoặc có lẽ bạn có một chiếc đồng hồ mà mình không còn đeo nữa. Chúng tôi khuyến khích bạn tìm hiểu giá trị của nó để từ đó có thể đưa ra quyết định sáng suốt về việc nên giữ, bán hay đổi nó lấy một chiếc đồng hồ mới hơn," ông Arjen Van de Vall, Giám đốc điều hành Watchfinder & Co. gợi ý.

Dịch Covid-19 chứng kiến sự bùng nổ về giá của những chiếc đồng hồ cũ trên        thị trường mua bán lại. 
Dịch Covid-19 chứng kiến sự bùng nổ về giá của những chiếc đồng hồ cũ trên        thị trường mua bán lại. 

Tổng hợp dữ liệu từ Báo cáo thịnh vượng 2021 của Knight Frank cũng cho thấy, mặt hàng hàng xa xỉ được nhiều người đầu tư nhất năm ngoái là các tác phẩm nghệ thuật, với dự đoán giá trị tăng trưởng 10 năm sau là 71%. Trong khi đó, đồng hồ xa xỉ đứng thứ 3 nhưng lại có giá trị tăng trưởng 10 năm sau là 89%. Rõ ràng, đồng hồ xa xỉ từ các thương hiệu nổi tiếng được đánh giá là khoản đầu tư tương đối an toàn và ổn định. Tất nhiên, đây là khoản đầu tư đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Do đó, nếu bỏ qua yếu tố cảm xúc cũng như những khía cạnh khác để tập trung tìm hiểu cặn kẽ về các mẫu đồng hồ cao cấp, bạn sẽ ngạc nhiên đấy. Ngạc nhiên không phải vì giá, mà là vì một trong số những chiếc đồng hồ bạn định mua có thể mang lại tiền lời khi sang tay. Khả năng sinh lời này, đôi khi, còn hơn cả cổ phiếu.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.