Quốc hội dự kiến dành 2,5 ngày chất vấn tại Kỳ họp thứ 4
Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đồng thời bế mạc phiên họp thứ 16.
6 NỘI DUNG CHUẨN BỊ CHO KỲ HỌP THỨ 4
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về 6 nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4.
Thứ nhất, cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Thứ hai, cho ý kiến về các báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4.
Thứ ba, cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30 của Quốc hội về Kỳ họp thứ Nhất; Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM và Nghị quyết số 115 của Quốc hội về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội; kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Thứ tư, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Thứ năm, cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 4. Thứ sáu, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các nội dung của Kỳ họp thứ 4 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng, đến nay cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội.
Thời gian từ nay đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4 chỉ còn khoảng hơn một tuần, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan phải gấp rút hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, các nội dung trình Quốc hội; đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời, với sự đồng thuận cao, để Kỳ họp thứ 4 tiếp tục thành công như các kỳ họp trước đây.
LẤY CHẤT LƯỢNG KỲ HỌP LÀM CHÍNH, TIẾT GIẢM TỐI ĐA THỜI GIAN
Thông tin cụ thể hơn về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua tổng hợp các ý kiến góp ý đều cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể.
Về dự kiến chương trình chi tiết, đề nghị bố trí phiên chất vấn vào 3 ngày, từ ngày 3 đến 5/11/2022, dự kiến sẽ thảo luận ở hội trường về các dự án: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày, bế mạc vào thứ Ba, ngày 15/11/2022.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dù khối lượng công việc tại kỳ họp lớn, song thời gian họp đã được tiết giảm tối đa theo tinh thần “lấy chất lượng của kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết kiệm tối đa thời gian”.
Về bố trí thời gian, nội dung chương trình cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nội dung như về thời gian dành cho thảo luận về kinh tế - xã hội khoảng 1,5 ngày, trong đó có bổ sung thảo luận về đánh giá tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. HCM; thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật sẽ được thảo luận chung với công tác của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cố gắng bố trí kéo dài khoảng cách giữa hai buổi thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để có thêm thời gian cho các cơ quan tổng hợp, tiếp thu, giải trình; bố trí là 2,5 ngày làm việc cho chất vấn và trả lời chất vấn, công tác nhân sự sẽ ưu tiên dành thời gian vào đầu kỳ họp.
Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), căn cứ vào diễn biến và kết quả góp ý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình với Quốc hội quyết định thông qua ngay tại kỳ họp này hay để sang kỳ họp sau.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng nên không chạy theo tiến độ mà phải đảm bảo chất lượng, không để khi luật được thông qua lại phát sinh bất cập.