Năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát 4 chuyên đề "nóng" được nhân dân quan tâm
Năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát nhiều vấn đề nóng được nhân dân quan tâm như: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng…
Ngày 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát năm 2023 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
GIÁM SÁT 4 CHUYÊN ĐỀ “NÓNG”
Báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên trì thực hiện mục tiêu "đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội". Trong đó đã chú trọng hoàn thiện thể chế, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, để lại dấu ấn trong hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát chuyên đề cũng tiếp tục được chú trọng với nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề lớn, gồm chuyên đề:"Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" tại kỳ họp thứ 5 và chuyên đề: "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" tại kỳ họp thứ 6.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" tại phiên họp tháng 8/2023 và chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021" tại phiên họp tháng 9/2023.
Liên quan đến hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan chuẩn bị thật tốt cho công tác này thời gian tới.
Trong đó sẽ tổ chức việc tiếp nhận vấn đề chất vấn; theo dõi, đôn đốc văn bản trả lời chất vấn; dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn; dự thảo nghị quyết về chất vấn; theo dõi, tổng hợp và đôn đốc việc thực hiện nghị quyết về chất vấn. Nghiên cứu, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để cung cấp cho đại biểu Quốc hội các thông tin liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn...
TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT TRONG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cần quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là thực hiện định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong báo cáo.
Đồng thời, nhấn mạnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát; tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách. Phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, do vậy, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội”.