Bamboo Capital: Quý 3 lãi lớn nhờ đầu tư cổ phiếu
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của BCG 457,4 tỷ đồng, giảm mạnh gần một nửa so với quý 3/2021.
Lợi nhuận gộp 221 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 224 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, nhờ đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng mạnh từ 100 tỷ đồng năm ngoái lên 277 tỷ đồng năm nay.
Theo thuyết minh của BCG, khoản doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh chủ yếu là nhờ lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu ghi nhận 238 tỷ đồng, tăng 12,5 lần so với quý 3/2020. Đáng chú ý, khoản lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư 350 tỷ đồng, tăng 4,2 tỷ đồng, chiếm gần 59% trên tổng doanh thu hoạt động tài chính, song đây là lãi phải thu tức là thực tế BCG chưa nhận về khoản này nhưng vẫn hạch toán vào giúp tăng lợi nhuận trong kỳ.
Tổng tài sản của BCG tính đến cuối tháng 9 là 35.371 tỷ đồng, tăng 11.000 tỷ đồng so với con số đầu năm 2021. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh, từ 903 tỷ đồng xuống còn 689 tỷ đồng. Chứng khoán kinh doanh tăng gấp 3 lần, đạt 1.670 tỷ đồng. Nợ phải trả 29.012 tỷ đồng, tăng mạnh 37%, gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 82% tổng tài sản. Trong đó, vay nợ tài chính tăng mạnh, từ 4.579 tỷ đồng đầu năm lên 12.910 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần.
Trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm thực hiện mới đây, FiinRatings cho rằng, với đặc thù thâm dụng vốn của ngành Bất động sản và Năng lượng, kế hoạch phát triển tăng mạnh về quy mô hoạt động của BCG trong thời gian tới đòi hỏi nguồn vốn lớn trong giai đoạn 2021-2023. Trong khi đó, cơ cấu vốn chủ sở hữu của BCG tiếp tục duy trì ở mức khiêm tốn ngay cả khi các trái phiếu chuyển đổi được chuyển đổi sang cổ phần.
FiinRatings đánh giá tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả nợ vay sẽ được cải thiện nhưng vẫn ở mức cao. Nợ vay/EBITDA (đã điều chỉnh) của BCG là 5,6 lần vào cuối năm 2020 và FiinRatings ước tính sẽ nằm trong khoảng 7 đến 8 lần vào cuối năm 2021. Công ty hiện đã có kế hoạch tăng vốn cùng với việc khai thác các nguồn tài trợ khác nhau trong trung hạn. Khả năng huy động vốn một cách kịp thời của Công ty trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả nợ vay sẽ là một yếu tố đánh giá chính mà FiinRatings sẽ theo dõi trong thời gian tới.
Cũng theo FiinRatings, tương tự như hầu hết các doanh nghiệp trong ngành hiện nay, các mảng kinh doanh chính của BCG hiện đang trải qua giai đoạn gặp nhiều khó khăn và thử thách.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sẽ có nhiều thay đổi liên quan đến khung chính sách đối với các dự án điện gió. Rủi ro chính sẽ là khung pháp lý liên quan đến giá mua năng lượng gió từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (“EVN”) dự kiến sẽ được công bố trong Quy hoạch tổng thể phát triển điện 8 (“PDP8”).
Ngoài ra, phân khúc bất động sản du lịch của BCG nhiều khả năng phải đối mặt với nhu cầu suy giảm do các hạn chế về du lịch và các quy định liên quan đến cách ly xã hội vì đại dịch.