“Bão dịch” vừa qua, “bão giá” ập đến - Ảnh 1

Năm 2022, khi đã vượt qua đỉnh dịch Covid -19, nhiều công nhân hy vọng cuộc sống của họ sẽ dễ thở hơn. Nhưng “ bão dịch” vừa tạm qua thì “bão giá” lại ập đến. Mỗi bìa đậu, mớ rau, con cá, lạng thịt đều phải cõng thêm chi phí, nên giá vùn vụt tăng theo. Cố gắng xoay xở, tăng ca, buôn bán lặt vặt để kiếm thêm là tất cả những gì mà người lao động có thể làm để chờ “bão giá” đi qua.

Ba năm trước, anh Nguyễn Văn Công (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) cưới vợ.  Sau tuần trăng mật, vợ chồng Công dắt nhau xuống Hà Nội để lập nghiệp. Cả hai thống nhất thuê phòng trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh để vợ Công tiện đi làm.

“Bão dịch” vừa qua, “bão giá” ập đến - Ảnh 2

Theo lời Công kể, căn phòng bé như góc bếp nhưng bù lại giá rẻ, chỉ 500.000đ/tháng. Ba năm trôi qua nhanh như chớp. Vợ chồng Công có con và gửi về quê cho ông bà nội trông giúp. “Ở đây thì khổ thằng bé lắm, tiền gửi con gần hết nửa lương của mẹ, nó cũng chẳng có chỗ mà chạy nhảy. Bọn em thì sao cũng được, cố gắng tích cóp được đồng nào hay đồng đó gửi về cho ông bà nuôi con, còn để ra được một ít thì tốt”.

Nhưng hai năm dịch bệnh vừa qua, vợ chồng Công cũng như hàng ngàn người lao động tại khu làng công nhân “dân lập” này đã phải trải qua những ngày tháng rất khó khăn. Công việc ít hơn, có nhiều tháng phải nghỉ nên khoản tiền tích cóp chẳng còn lại mấy.

Từ đầu năm nay, khi cuộc sống đang trở lại bình thường mới thì công nhân phải đối mặt với cơn bão mới: “bão giá”. Xăng tăng giá liên miên kéo theo mọi thứ nhu yếu phẩm, điện nước cứ thế tăng theo. Riêng khu trọ mà vợ chồng Công đang ở, chủ nhà vẫn giữ nguyên giá cũ, 500.000đ/tháng.

“Bão dịch” vừa qua, “bão giá” ập đến - Ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ nhà, cho biết phòng này cũng bé, lại xuống cấp, vệ sinh dùng chung nên giá như vậy là hợp lý.

Ông Tuấn chỉ vào một phòng đang đóng cửa rồi bảo: “Công nhân người ta tiết kiệm lắm, tiền nước thì tôi bổ đầu người 50.000đ/người, còn tiền điện thì tính theo số đồng hồ. Có chị Hoa, quê ở Phù Yên, Sơn La mới xuống. Chị ấy đi từ sáng đến tối, tối về bật một cái bóng điện thôi, đợt này đang lạnh nên chưa phải bật quạt để ngủ, cũng chẳng nấu nướng gì cả. Ăn cơm bụi bên ngoài cho tiện hoặc về muộn quá thì úp mì tôm. Sinh hoạt tối giản như vậy nên một tháng chỉ mất có 15.000 đồng tiền điện thôi. Điện nhà tôi đang tính 3.000 đồng/số. Những nhà khác họ thu 3.500 đồng/số đấy”.

Buổi chiều đến là khoảng thời gian làng Hậu Dưỡng nhộn nhịp nhất bởi công nhân tan ca. Những quán bán đồ ăn sẵn và các món bình dân như đậu, dưa thường đông khách. Đặng Thị Thu, một nữ công nhân chở theo hai con nhỏ vừa đón từ trường và nhóm trẻ về. Thu đứng tần ngần trước cửa hàng hoa quả, chưa biết chọn loại nào, trong khi đứa bé ngủ vùi trong “bọc mẹ”.

Thu kể: “Vợ chồng em ở Nghệ An, năm nay khó khăn quá, ông bà ở quê đã già nên không gửi được hai cháu, đành gồng gánh ở đây. Lương bọn em gộp lại tầm 16, 17 triệu nhưng chi phí hết hơn chục triệu rồi. Riêng hai đứa trẻ, tiền ăn học một tháng hết gần 5 triệu, cộng với tiền nhà trọ, điện nước, xăng xe, ăn uống, cưới hỏi... tổng cộng hết chừng 12,13 triệu. Nếu chẳng may có đứa nào ốm đau, bố mẹ phải ở nhà trông thì coi như “hòa vốn”.

"Em mong giá cả quay về như ngày xưa, chứ cứ tăng vù vù như thế này thì khổ công nhân bọn em lắm”, giọng Thu nghẹn lại. 

“Bão dịch” vừa qua, “bão giá” ập đến - Ảnh 4

Ở khu chợ giữa đường làng Hậu Dưỡng xuất hiện thêm nhiều công nhân đi buôn để kiếm thêm. Sau khi tan ca, Trần Thị Phương, công nhân Công ty Nitori Furniture, tranh thủ nhập bánh tẻ về bán để kiếm thêm.

“Em bán 35 ngàn một chục. Đợt này bán kém hơn vì xăng tăng giá, công nhân cũng hạn chế ăn vặt. Nếu không bán hết, đêm về hạ giá để bán online cho bạn bè, người thân để gỡ vốn. Kiếm được đồng nào hay đồng ấy, vì em còn con nhỏ. Xăng tăng giá cao quá, nên không dám đi lại nhiều để rao bánh, 60.000 đồng tiền xăng em đi được 2 lượt đã hết”.

“Bão dịch” vừa qua, “bão giá” ập đến - Ảnh 5

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2021 chỉ đạt 5,7 triệu đồng/tháng, giảm 32.000 đồng so với năm 2020. Số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp trên cả nước được ghi nhận là 1,4 triệu người.

Năm nay, tình hình việc làm của công nhân đã khởi sắc và ổn định hơn. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa buông tha công nhân khi hàng triệu người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải chật vật đối phó với bão giá.

Hiểu rõ những đợt “bão giá” kéo dài đang tác động tiêu cực đến đời sống người lao động trong các khu công nghiệp, ngày 28/3, Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhằm khôi phục thị trường do ảnh hưởng của dịch. Tổng kinh phí gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng từ ngân sách.

Hai nhóm công nhân, người lao động được hỗ trợ gồm: người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Người lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Mức hỗ trợ cả hai nhóm công nhân này là 3 tháng tiền thuê nhà và thời gian thực hiện hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm 2022.

“Bão dịch” vừa qua, “bão giá” ập đến - Ảnh 6

Mặc dù có nhiều hy vọng sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ, nhưng những công nhân “lão làng” như Công, Phương... đều bày tỏ, chỉ mong “bão giá” sớm đi qua, cuộc sống bình thường như trước sớm trở lại. Nếu cứ tiếp tục điệp khúc mọi thứ tăng giá phi mã, nhưng lương vẫn bất động, thì người lao động không thể xoay xở nổi.

“Sống trong các khu nhà trọ xập xệ, xuống cấp như bọn em, tiền tích lũy thì chẳng có, làm việc cả 10 tiếng một ngày, ngày nào cũng đều như “vắt chanh” vậy. Ăn uống thì tiết kiệm, chẳng biết lăn ra ốm lúc nào. Bọn em đang vắt sức lao động để bán. Vì vậy, chỉ mong mọi thứ được cải thiện dần dần. Từ khi em xuống Hà Nội, chưa thấy tốt lên cái gì, thậm chí đời sống khó khăn hơn nhiều so với trước đây…”.

Công bỏ lửng câu nói và đi chuẩn bị bữa tối. Bữa ăn cuối tháng, có hai món, thịt và rau. Vợ Công vẫn đang ngủ vùi sau buổi tăng ca làm đêm.

“Bão dịch” vừa qua, “bão giá” ập đến - Ảnh 7

VnEconomy 07/04/2022 09:00