10:35 03/04/2022

Vòng xoáy lạm phát trước bão giá: Kiểm soát chi phí đẩy như thế nào?

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Vào lúc 9h ngày 4/4/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Đối thoại chuyên đề: "Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy". Đối thoại sẽ được phát trực tuyến trên VnEconomy.vn và FanPage VnEconomy...

Từ giữa năm 2021 đến nay và đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm 2022, giá hàng hóa cơ bản, xăng dầu, lạm phát và bất ổn địa chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng rất phức tạp.

Giá dầu tăng mạnh lên 140 USD/thùng, lập kỷ lục trong 14 năm qua, đẩy giá xăng dầu trong nước chạm đỉnh gần 30.000 đồng/lít.

Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu hàng hóa cơ bản bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm vừa hồi phục đã bị gián đoạn trở lại bởi điểm nóng xung đột Nga – Ukraine.

Ở trong nước, mặc dù diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhưng với sự kiên trì và linh hoạt trong điều hành, Chính phủ đã kiểm soát được tình hình, từng bước đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở về trạng thái bình thường. Một điểm nhấn trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ hiện nay là triển khai gói kích cầu trị giá 350 nghìn tỷ đồng và mở rộng chương trình đầu tư công đã được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, diễn biến giá cả nguyên vật liệu cơ bản, xăng dầu, sắt thép, hóa chất, phân bón nhập khẩu...; giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh và mạnh đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Kết quả khảo sát từ một cơ quan truyền thông uy tín đối với 9 mặt hàng thiết yếu (thời điểm tháng 3/2022 so với tháng 3/2021) cho thấy: đường cát trắng tăng 67%; xăng  RON 95 tăng 48%; gas tăng 35%; nước mắm 500 ml tăng 28%; mì gói tăng 25%; dầu ăn tăng 23%; bia tăng 13%; gạo tăng 6,7%, thịt heo ba chỉ giảm 27%.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng tiêu dùng khác có giảm giá (ví dụ: thanh long, bí đỏ, lợn hơi, cá lóc tại ao, nông sản tại vườn) nhưng là do xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc nghẽn.

Đáng lưu ý, trong hơn hai năm diễn ra đại dịch, mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhưng doanh nghiệp gần như không đầu tư mở rộng sản xuất do phải thực hiện giãn cách. Từ đó, xuất hiện dòng tiền lớn khu trú ở các thị trường tài sản như vàng, bất động sản, chứng khoán, tạo nên nhiều cơn sốt gây bất ổn cho nền kinh tế.

Đầu năm 2022, Quốc hội thông qua mục tiêu điều hành vĩ mô là tăng trưởng GDP 6-6,5%, lạm phát bình quân 4%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bối cảnh thế giới và trong nước tại thời điểm xác định mục tiêu tăng trưởng và lạm phát nêu trên so với hiện nay đã khác rất xa. Trong khi đó, nền kinh tế đang đối mặt với không ít thách thức như: chi phí sản xuất tăng, nhu cầu đầu tư thấp, tâm lý kỳ vọng lạm phát rất nhạy cảm... rất dễ dẫn đến tình trạng “lạm phát kèm suy thoái”.

Do vậy, Chính phủ sẽ rất khó lựa chọn mục tiêu, bởi nếu muốn tăng trưởng, buộc phải nới lỏng tiền tệ nhưng như vậy, sẽ kích hoạt lạm phát ngay lập tức.

Vòng xoáy lạm phát trước bão giá: Kiểm soát chi phí đẩy như thế nào? - Ảnh 1

Từ thực tế trên, giới phân tích nhận định Việt Nam đang hội tụ đủ 3 yếu tố cơ bản gây áp lực lên lạm phát là chi phí đẩy - cầu kéo - tiền tệ, trong đó, chi phí đẩy được xác định là yếu tố chi phối.

Để cập nhật rõ hơn những diễn biến xung quanh câu chuyện lạm phát hiện nay, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Đối thoại chuyên đề: "Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy" với sự tham gia của các chuyên gia độc lập, các đại diện đến từ cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng.

Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:

- Nhận diện yếu tố tạo nên lạm phát.

- Tại sao lại là chi phí đẩy? (i) Mô tả mặt bằng giá cả nguyên vật liệu, năng lượng và các hàng hóa cơ bản; mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; (ii) nguyên nhân.

- Tính chân thực thông qua các chỉ số thống kê của Tổng cục Thống kê.

- Vai trò điều tiết của cơ quan quản lý: Cục Quản lý giá, Quản lý thị trường, chính sách tiền tệ.

- Vai trò ổn định giá từ các hiệp hội, doanh nghiệp một số ngành sản xuất.

- Linh hoạt đối với mục tiêu lạm phát 4%?

- Kiến nghị một số giải pháp.

Khách mời của Đối thoại chuyên đề bao gồm:

- Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính;

- Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê;

- Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng, Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương;

- Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng, Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh;

- Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch, Hiệp hội phân bón Việt Nam.

- Nhà báo Nguyễn Hoài, Trưởng ban Tài chính – Ngân hàng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy điều hành Đối thoại.

Nội dung Đối thoại chuyên đề sẽ được phát trực tuyến vào lúc 9h00, thứ Hai, ngày 4/4/2022, trên VnEconomy.vn và Fanpage VnEconomy.