16:32 17/08/2022

“Bão tố” bủa vây, kinh tế Đức ngấp nghé miệng vực suy thoái

Bình Minh

Giới đầu tư đang bi quan về nền kinh tế Đức nhiều hơn ở bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu cách đây hơn 1 thập kỷ...

Cuộc chiến khí đốt với Nga đang đẩy kinh tế Đức vào thế khó - Ảnh: Reuters.
Cuộc chiến khí đốt với Nga đang đẩy kinh tế Đức vào thế khó - Ảnh: Reuters.

Giới đầu tư đang bi quan về nền kinh tế Đức nhiều hơn ở bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu cách đây hơn 1 thập kỷ, lo ngại rằng sự sụt giảm mạnh mẽ của nguồn cung khí đốt Nga và giá năng lượng tăng vọt sẽ đẩy Đức rơi vào một cuộc suy thoái.

Tờ Financial Times cho biết, chỉ số của viện nghiên cứu ZEW Institute đo kỳ vọng của nhà đầu tư về kinh tế Đức đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011, trượt về mức âm 55,3 điểm từ mức âm 53,8 điểm trong lần khảo sát trước. Sự suy giảm niềm tin này phản ánh tâm trạng bi quan ngày càng gia tăng về ảnh hưởng từ chiến tranh Nga-Ukraine đến sức khoẻ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Cuộc khảo sát của ZEW là một chỉ báo sớm về mối lo của các nhà đầu tư khi Nga mở cửa trở lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 sau cuộc bảo trì thường niên hồi tháng 7, nhưng chi bơm khí đốt ở mức 1/5 công suất của đường ống.

Giới chuyên gia kinh tế đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Đức và khu vực Eurozone trong năm nay, đồng thời tăng dự báo lạm phát và cảnh báo rằng nếu Nga cắt hẳn việc cung cấp khí đốt, Đức sẽ phải chia khẩu phần khí đốt cho các nhà máy công nghiệp nặng.

Hôm thứ Ba tuần này, giá điện giao sau ở Đức – giá tiêu chuẩn của thị trường điện ở châu Âu – tăng hơn 5% lên mức kỷ lục 502 Euro/kilowatt giờ, theo dữ liệu từ Sở giao dịch năng lượng châu Âu (EEE). Mức giá này đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái do bị đẩy lên bởi sự leo thang của giá khí đốt - nhiên liệu dùng để phát điện phổ biến ở châu Âu - và đợt sóng nhiệt kéo dài ở khu vực khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt.

Giá năng lượng tăng cao đã kéo theo chi phí nhập khẩu của Đức và nhiều nền kinh tế khác trong Eurozone, khiến khu vực này thâm hụt thương mại 24,6 tỷ Euro trong tháng 6 so với mức thặng dư 17,2 tỷ Euro cùng kỳ năm ngoái – theo dữ liệu từ cơ quan thống kê châu Âu Eurostat. Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 của khối tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhập khẩu tăng 43,5%.

“Giá cả tiêu dùng vẫn tăng mạnh và chi phí gia tăng cho việc sưởi ấm và thắp sang đang có ảnh hưởng đặc biệt bất lợi đến triển vọng của những lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng trong nền kinh tế”, nhà nghiên cứu Michael Schroder thuộc ZEW nhận định.

Ông Schroder nói rằng tâm lý của nhà đầu tư cũng xấu đi do kỳ vọng về sự thắt chặt của các điều kiện tài chính sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên mức 0 để ứng phó với mức lạm phát cao kỷ lục trong Eurozone.

Ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô thuộc ngân hàng Hà Lan ING, nói rằng nền kinh tế Đức đang “tiến nhanh về phía một cơn bão hoàn hảo” gồm các yêu tố “lạm phát cao, nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng, và sự gián đoạn tiếp diễn của nguồn cung”.

Thời tiết khô nóng đã khiến mực nước trên sông Rhine giảm xuống mức thấp đến nỗi tàu bè không thể được xếp đầy hàng nếu muốn di chuyển, dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung đối với nhiều nhà máy. Ông Brzeski cho rằng tình trạng này sẽ khiến Đức mất tới 0,5 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay.

Ngoài ra, các hộ gia đình Đức sẽ phải trả thêm hàng trăm Euro trong hoá đơn năng lượng mùa đông này, khi giá bán lẻ khí đốt sẽ tăng thêm 2,419 Euro cent/kilowatt giờ từ tháng 10 trở đi. Theo dự kiến, việc tăng giá này sẽ khiến mỗi hộ gia đình 4 người ở Đức sẽ phải trả thêm bình quân 240 Euro trong 3 tháng cuối năm nay.

Mới đây, cơ quan quản lý mạng lưới của Đức nói với Financial Times rằng nước này phải cắt giảm 1/5 lượng tiêu thụ khí đốt để tránh rơi vào tình trạng khan hiếm khí đốt nghiêm trọng trong mùa đông năm nay. Bộ Kinh tế Đức cũng đã yêu cầu tất cả các công ty và chính quyền địa phương giảm nhiệt độ tối thiểu trong phòng làm việc về mức 19 độ C trong mùa đông này.

Đức đã đạt tiến độ làm đầy 75% dự trữ khí đốt sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch, nhờ mức giá khí đốt cao và các biện pháp tiết kiệm dẫn tới giảm mức tiêu thụ. Tuy nhiên, mục tiêu đến tháng 11 đạt mức dự trữ 95% có thể sẽ khó đạt được nếu Nga tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu.

Nền kinh tế Đức đã trì trệ trong quý 2 vừa qua, với mức tăng trưởng yếu nhất trong số các nền kinh tế lớn của Eurozone. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức năm 2023 với mức cắt giảm 1,9 điểm phần trăm, còn 0,8%. Đây là mức cắt giảm lớn nhất đối với các nền kinh tế trong Eurozone.