09:47 16/08/2022

Hoá đơn khí đốt của người Đức tăng mạnh

Bình Minh

Thời gian qua, các công ty năng lượng nước này đã không ngừng kêu gọi Chính phủ cho phép tăng giá bán khí đốt bán cho người tiêu dùng để tránh hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền trong ngành tiện ích...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chính phủ Đức ngày 15/8 cho biết các hộ gia đình ở nước này sẽ phải trả thêm tới 290 Euro, tương đương 296 USD, trong hoá đơn khí đốt hàng năm, khi gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng được san bớt từ doanh nghiệp và nhà nước sang người tiêu dùng.

Theo tin từ Bloomberg, từ tháng 10 trở đi, giá khí đốt tự nhiên cung cấp đến các hộ gia đình ở Đức sẽ có giá tăng thêm 2,419 Euro cent/kilowatt giờ. Mức giá tăng thêm tạm thời này sẽ được bù đắp một phần bởi tiền trợ cấp của Chính phủ Đức dành cho một số đối tượng hộ gia đình.

“Việc tăng giá khí đốt này là một hệ quả của cuộc chiến tranh bất hợp pháp của Nga ở Ukraine và tình trạng thiếu năng lượng giả tạo do Nga gây ra”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu trước báo giới ở Berlin.

Chính phủ Đức hiện đang lên một gói trợ cấp khí đốt cho người dân vì việc tăng giá bán khí đốt đặt ra thách thức đối với nhiều người dân Đức - Thủ tướng Olaf Scholz cho biết.

Để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong lúc mùa đông đang đến gần, châu Âu đang chuyển sang tập trung nhiều hơn vào việc hạn chế tiêu thụ. Giá điện ở Đức đã tăng lên mức cao kỷ lục do lo ngại châu Âu không thể phát đủ điện để dùng trong mùa đông này. Giá điện và giá khí đốt cùng leo thang đang đẩy lạm phát ở Đức nói riêng và châu Âu tăng cao, đồng thời đe doạ hoạt động sản xuất công nghiệp.

Ông Habeck cho biết việc tăng giá khí đốt đối với các hộ gia đình ở Đức sẽ duy trì đến đầu tháng 4/2022. Tính bình quân, đợt tăng giá này sẽ khiến mỗi hộ gia đình có 1 người phải trả thêm 97 Euro trong 1 năm; gia đình 2 người phải trả thêm 194 Euro; và gia đình 4 người phải trả thêm khoảng 290 Euro.

Với chương trình này của Chính phủ Đức, các nhà cung cấp khí đốt ở nước này được phép đẩy một phần chi phí gia tăng về phía người tiêu dùng. Trước đó, Đức đã cố gắng để tránh việc người dân phải mua năng lượng với giá cao hơn kể từ khi xảy ra chiến tranh giữa Nga với Ukraine. Giờ đây, Berlin không còn giải pháp nào khác vì lo ngại Nga có thể cắt khí đốt hoàn toàn. Hiện tại, lượng khí đốt mà Nga bơm cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất của đường ống.

Một báo cáo của Commerzbank nhận định rằng việc tăng giá khí đốt chắc chắn sẽ đẩy lạm phát ở Đức tăng tốc. Ngân hàng này ước tính tốc độ lạm phát ở Đức sẽ vượt 9% vào cuối năm nay. Trong tháng 7 vừa qua, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu so với cùng kỳ năm ngoái là 8,5%.

Ông Habeck cho biết một số đối tượng người tiêu dùng ở Đức sẽ được hưởng trợ cấp về khí đốt dùng cho sưởi ấm. Bộ Tài chính nước này cũng đang cân nhắc miễn thuế cho phần giá khí đốt tăng thêm để giảm gánh nặng cho người dân.

Hôm 9/8, Chính phủ Đức thông qua một kế hoạch hỗ trợ các công ty cung cấp năng lượng bắt buộc phải mua khí đốt với giá đắt đỏ trên thị trường giao ngay. Thời gian qua, các công ty năng lượng nước này đã không ngừng kêu gọi Chính phủ cho phép tăng giá bán khí đốt bán cho người tiêu dùng để tránh hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền trong ngành tiện ích (utilities).

Uniper, công ty Đức mua nhiều khí đốt Nga nhất, đang hy vọng việc tăng giá bán khí đốt sẽ giúp công ty củng cố tình hình tài chính. Mới đây, Uniper đã được Chính phủ Đức giải cứu để tránh bờ vực sụp đổ.

“Với chính sách mới, tất cả khách hàng mua khí đốt cùng san sẻ chi phí gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh của Nga”, ông Timm Kehler, Chủ tịch Zukunft - một tổ chức hiệp hội của ngành công nghiệp khí đốt Đức, phát biểu. “Các nhà giao dịch khí đốt đang phải đương đầu với áp lực lớn để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng. Nếu không được điều chỉnh giá bán, họ có thể vỡ nợ, đặt ra hệ quả nghiêm trọng cho toàn bộ hệ thống”.

Theo dữ liệu từ cơ quan mạng lưới liên bang Đức BNetzA, dự trữ khí đốt của Đức hiện đã đầy 76%, nhanh hơn kế hoạch đề ra.

Trong một diễn biến khác, nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng khoản thanh toán tháng 7 của Nga cho việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine đã diễn ra êm xuôi. Trong tuần trước, khoản thanh toán hàng tháng của hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom PJSC cho công ty NJSC Naftogaz Ukrainy của Ukraine đã được thực hiện mà không gặp trở ngại nào.

Trước đó, thị trường đã lo ngại về nguy cơ khoản thanh toán này bị kẹt. Mới đây, khoản thanh toán của Nga cho việc trung chuyển dầu đi qua đường ống Druzhba đã bị kẹt do các biện pháp trừng phạt của châu Âu, khiến dòng dầu ngừng chảy và gây bất an cao độ về tình hình an ninh năng lượng. Tuần trước, khoản thanh toán tiền trung chuyển dầu đã được giải quyết xong và dầu đã chảy trở lại.