Bất an 3 nhân tố kích hoạt lạm phát trong năm 2022
Các chuyên gia cho rằng, nỗi bất an về nguy cơ lạm phát leo thang từ gói kích thích 350.000 tỷ hay giá xăng dầu tăng phi mã phần lớn đến từ việc thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là xăng dầu và nguyên nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất...
Tại hội thảo mới đây tổ chức tại Hà Nội, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, ba yếu tố gây trở ngại đến việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 chính là tổng cầu tăng đột biến, giá cả nguyên vật liệu tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng, kể cả trong nước và quốc tế.
Cụ thể, thứ nhất, tổng cầu tăng đột biến sau khi Việt Nam khắc phục khá thành công đại dịch. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, nhích tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3% trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng vỏn vẹn 0,7%.
Đặc biệt, với quy mô gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính tạo áp lực lạm phát rất lớn.
Mặt khác, nền kinh tế Việt đang phục hồi, doanh nghiệp đang rộn ràng quay trở lại hoạt động sản xuất nếu tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra cũng một yếu tố khá quan trọng tác động tới lạm phát. Bởi thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí để tuyển dụng, đào tạo lao động.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Hiện nay, tổng cầu thế giới tăng nên nguyên vật liệu nhập khẩu hàng hóa thế giới cũng tăng rất cao, có nhiều mặt hàng tăng gấp 2 lần so với đầu năm. Như vậy, nhập khẩu lạm phát không thể tránh khỏi.
Thứ ba, đứt gãy chuỗi cung ứng chính là nguyên nhân gây ra lạm phát cao trên thế giới. Đứt gãy chuỗi cung ứng nhiên liệu, khí đốt… khiến lạm phát châu Âu tăng rất mạnh trong vỏn vẹn 2 tháng đầu năm, lên tới 5,1% trong khi mục tiêu điều hành chỉ khiêm tốn 2%.
Đáng quan ngại, giá xăng dầu cán mốc trên 130 USD/thùng, tính từ đầu năm cho đến ngày 9/3, mức tăng vượt ngưỡng 60%.
“Xăng dầu là một loại hàng hóa huyết mạch, là máu của nền kinh tế nên giá xăng dầu tăng đẩy giá một loạt hàng hóa khác tăng, gây áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam”, ông Lâm khẳng định.
Hiện xăng dầu được sử dụng trong hầu hết tất cả các mọi lĩnh vực, thậm chí có những ngành sử dụng toàn bộ xăng dầu như khai thác thủy sản, chi phí xăng dầu trong khai thác than lên đến 45%.
Ông Lâm nêu rõ thực tế, khi giá xăng leo dốc, 1 chiếc thuyền khai thác thủy sản trước kia chỉ chi khoảng 1 triệu tiền xăng nhưng hiện đốt đến 1,4 triệu đồng, tức tăng đến 40%. Vì vậy, “trong thời gian tới, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Việt Nam cần phải có giải pháp để kìm đà tăng giá xăng dầu không tăng cao như thế giới, tránh gây tổn hại đến nền kinh tế”, vị chuyên gia này quả quyết.
Ngoài ra, trước nhiều so sánh khá khiên cưỡng về giá xăng dầu Việt Nam với quốc gia khác, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, cách đây hơn 1 tuần, giá xăng dầu ở Anh đến 155 xu/lít xăng, tính ra đến 47.000 đồng/lít trong khi Việt Nam chỉ 25.000 – 26.000 đồng/lít. Tuy nhiên, khó có thể so sánh giá xăng dầu cụ thể là bao nhiêu, mà phải xét đến tình hình kinh tế mỗi quốc gia, để vừa có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa có lợi cho người tiêu dùng và không gây thiệt hại cho các đơn vị sản xuất kinh doanh.
MỪNG VÀ LO VÌ GÓI KÍCH THÍCH 350.000 TỶ
Phân tích kỹ hơn về tác động gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội gây áp lực tăng lạm phát trong 2 năm 2022-2023, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong gói tổng thể, chính sách tài khoá lên đến 291.000 tỷ đồng, chiếm đến 83%; gói về chính sách tiền tệ chiếm 14%, còn lại 3% các gói hỗ trợ khác.
Nhiều quan điểm nhầm tưởng rằng nếu thực hiện chính sách tiền tệ hay các chính sách nhỏ sẽ khiến cung tiền ào ạt đổ vào nền kinh tế, gây ra lạm phát.
Tuy nhiên, ông Lâm đánh giá, chính sách giảm thuế VAT 2% khoảng 49.400 tỷ đồng rất hay, có thể khiến nền kinh tế phục hồi mà không gây ảnh hưởng lớn tới tăng lạm phát. Hay gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng thực tế cũng không phải bơm tiền vào nền kinh tế. Nếu có một kế hoạch triển khai một cách bài bản, đúng liều lượng cũng sẽ không gây áp lực lạm phát lớn từ chương trình phục hồi.
Tuy nhiên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, áp lực lạm phát của gói phục hồi đến từ gói đầu tư cơ sở hạ tầng trên 100.000 tỷ đồng do nhu cầu sử dụng nhiều nguyên vật liệu đầu vào như sắt thép, nguyên vật liệu xây dựng… tăng sẽ làm giá cả tăng theo.
Như vậy, “nguyên nhân đẩy giá cả tăng từ gói phục hồi đến từ phía cung nguyên vật liệu, chứ không chịu áp lực từ việc cung tiền vào nền kinh tế. Với giải pháp đảm bảo được đủ nguồn cung, không gãy chuỗi cung ứng sẽ không tạo ra sức ép lạm phát”, ông Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong bối cảnh áp lực lạm phát đang tăng, cùng với việc bắt đầu đưa gói phục hồi kinh tế với quy mô lớn vào đời sống, chắc chắn sẽ thúc đẩy tổng cầu lớn tạo yếu tố gây áp lực lên lạm phát.
Tuy nhiên, “áp lực này sẽ chậm hơn do độ trễ của chính sách. Theo quan sát của chúng tôi, chu kỳ lạm phát này sẽ khác với các chu kỳ lạm phát trước được gây ra bởi yếu tố thiếu hụt cung hàng hóa cơ bản để phục vụ cho sản xuất. Lạm phát sẽ tăng nhưng không quá cao”, ông Khang đánh giá.
Mặt khác, việc giảm thuế giá trị gia tăng và một số mặt hàng để kích cầu trong bối cảnh hiện nay thậm chí còn góp phần vào bình ổn giá và kiềm chế lạm phát tăng ở một số ngành.
Tuy nhiên, do giá dầu tăng quá nhanh nên che lấp những tác động tích cực của gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo tính toán của Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia, lạm phát bình quân trong quý 1 có thể tăng trong khoảng 2-2,2%.
Diễn biến này cũng nằm trong xu thế dài hạn của lạm phát bởi về cơ bản, lạm phát lõi vẫn đang ở mức thấp sẽ tạo nên nhân tố tích cực để bù đắp lại phần tăng đột biến của giá xăng dầu trong thời gian tới.
KHÔNG ĐỂ ĐỨT GÃY NGUỒN CUNG, CHUỖI CUNG ỨNG
Để kiểm soát lạm phát năm nay, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, yếu tố đầu tiên, phải kiểm soát được nguồn cung. Bởi áp lực lạm phát năm nay từ thiếu hụt nguồn cung, đáp ứng cho tổng cầu cho nên phải kiểm soát chặt nguồn cung, đặc biệt cung xăng dầu.
Xăng dầu cứ tăng 10% làm lạm phát tăng 0,36%. Từ đầu năm cho đến nay, xăng dầu tăng 60%, mới biết áp lực ghê gớm ra sao. Hay trong 2 tháng, xăng dầu tăng 45%, trong mức tăng CPI 1,68%, xăng dầu đóng góp đến 1,63 điểm phần trăm.
Thứ hai, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy. Đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam.
Đây là một trong những thách thức rất lớn với Việt Nam khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến doanh nghiệp khốn khổ.
“Tác hại từ áp lực lạm phát lên nền kinh tế rất lớn do sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới. Khi đó, tất cả những quyết định về sản xuất kinh doanh, đầu tư đều phải tính toán trên mặt bảng giá mới, làm cho mọi chi phí đều cao hơn”, ông Lâm lo ngại.
Đáng quan ngại, mặt bằng giá mới cũng khiến thu nhập thực của người dân giảm, giảm sức chi tiêu và làm giảm tổng cầu, tác động rất mạnh đến nền kinh tế.
Vì vậy, “điều kiện quyết là kiểm soát nguồn cung cũng như kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu và của Việt Nam. Xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ đặc biệt lĩnh vực vận tải và do vậy nếu như giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng”, ông Lâm lưu ý.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian qua, mặt hàng xăng dầu và cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay rất minh bạch, được quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.
Quỹ bình ổn giá là một trong những công cụ hữu hiệu trong điều hành giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là phải đảm bảo được nguồn cung, không để thiếu hụt ở mọi tình huống, mọi địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ.
Việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, điều hành nguồn cung của Bộ Công Thương cũng là một trong những giải pháp phải chú trọng đặc biệt trong thời gian tới, để đảm bảo ổn định mặt bằng giá xăng dầu cũng như góp phần kiềm chế lạm phát trong năm 2022.
"Theo thống kê, tất cả các loại thuế, phí chiếm đến 40% trong giá xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế VAT... Trong thời gian tới, cần cân nhắc chỉ dùng Quỹ bình ổn xăng dầu hay mạnh tay sử dụng thêm các công cụ thuế.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường nhiều hơn, khoảng 50%, lên đến 2.000 đồng/lít chẳng hạn, có thể trước mắt ngân sách hụt thu nhưng nếu giúp ổn định chi phí cho doanh nghiệp cũng là giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho hộ kinh doanh phát triển sản xuất, nhờ đó, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách”.