Bị cấm vận, hàng hóa phương Tây vẫn “tuồn” sang Nga như thế nào?
Nga vẫn tiếp tục mua các mặt hàng quan trọng của phương Tây dù hầu hết đều bị hạn chế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu...
Theo nguồn tin từ các quan chức phương Tây và dữ liệu do tờ báo Wall Street Journal (WSJ) thu thập được, một nhóm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang nổi lên là các trung tâm trung chuyển lớn của các mặt hàng như chip máy tính, máy quét laser và nhiều sản phẩm khác từ Mỹ và châu Âu sang Nga.
Một phân tích về dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc (UN) cho thấy xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - được gọi là các mặt hàng có mục đích sử dụng kép (cho cả quân sự và dân sự) - sang các quốc gia láng giềng của Nga đã tăng mạnh trong năm 2022.
Dữ liệu này cho thấy Moscow vẫn tiếp tục mua các mặt hàng quan trọng của phương Tây dù hầu hết đã bị hạn chế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Động thái này nhằm tiếp tục duy trì hoạt động của nền kinh tế Nga và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Cụ thể, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ và EU sang các quốc gia láng giềng của Nga, gồm Armenia, Georgia, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan, đã tăng lên 24,3 tỷ USD, từ mức 14,6 tỷ USD của năm 2021. Song song với đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia này sang Nga đã tăng gần 50% lên gần 15 tỷ USD trong năm ngoái.
CÔNG KHAI QUẢNG CÁO "LÁCH TRỪNG PHẠT 100%"
Theo một số quan chức châu Âu, tuyến thương mại mới này là một dấu hiệu cho thấy Nga đã tìm được các phương thức mới để tiếp tục mua các mặt hàng quan trọng bất chấp trừng phạt của phương Tây.
Một số công ty của Nga cũng quảng cáo rộng rãi rằng họ có thể mua các mặt hàng thuộc diện bị trừng phạt theo cách này. Công ty Imex-Expert cho biết họ có thể “nhập khẩu hàng cấm vận từ châu Âu và Mỹ vào Nga qua Kazakhstan” và thậm chí quảng cáo trên website rằng “lách trừng phạt 100%”.
Đào sâu vào các con số của Liên hợp quốc cho thấy một lượng giao dịch đáng kể các mặt hàng sử dụng kép. Năm ngoái, Mỹ và EU đã xuất khẩu hơn 8 triệu USD vi mạch tích hợp sang Armenia, gấp 16 lần so với chỉ 530.000 USD năm 2022. Cùng thời gian đó, xuất khẩu mặt hàng này từ Armenia sang Nga tăng vọt lên 13 triệu USD, từ mức chưa tới 2.000 USD năm 2021.
Tương tự, xuất khẩu thiết bị quét laser của phương Tây sang Kyrgyzstan, công cụ đo đạc sang Uzbekistan cũng tăng mạnh. Đồng thời, xuất khẩu các mặt hàng này của cả hai quốc gia sang Nga đều tăng vọt.
Đây đều là các mặt hàng nằm trong danh mục thuộc diện bị Mỹ và EU cấm xuất khẩu sang Nga kể từ khi Moscow “phát động chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Dù quy mô thương mại giữa các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và Nga tương đối nhỏ, tuyến tương mại mới này cho phép Nga nhập khẩu công nghệ của phương Tây trong bối cảnh bị hạn chế khả năng tiếp cận qua các con đường khác.
"Khối lượng nhỏ hàng hóa di chuyển qua nhiều quốc gia cộng lại sẽ là một con số lớn và đóng góp đáng kể vào nỗ lực của Moscow trong việc tiếp tục tiếp cận công nghệ nước ngoài".
Sarah Stewart, CEO Silverado Policy Accelerator
Theo giới chuyên gia, những công nghệ này có vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Nga tại Ukraine bởi Moscow khó có thể thay thế các linh phụ kiện của phương Tây bằng sản phẩm trong nước.
“Thiết bị điện tử dùng trong mọi thứ từ sản xuất máy bay, tên lửa hành trình cho tới hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc trong xe bọc thép và xe tăng”, ông Pavel Luzin, một chuyên gia về quân đội Nga và là học giả tại Đại học Tufts, nói.
Còn theo bà Sarah Stewart, giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Silverado Policy Accelerator có trụ sở tại Washington (Mỹ) chuyên phân tích dữ liệu thương mại của Nga, khối lượng nhỏ hàng hóa di chuyển qua nhiều quốc gia cộng lại sẽ là một con số lớn và đóng góp đáng kể vào nỗ lực của Moscow trong việc tiếp tục tiếp cận công nghệ nước ngoài.
“Việc Nga tiếp tục tiếp cận các mặt hàng này - bao gồm các thương hiệu nước ngoài được định tuyến lại để tránh lệnh cấm xuất khẩu trực tiếp sang Nga - sẽ nuôi dưỡng thay vì vô hiệu hóa các nỗ lực của Nga trong cuộc chiến tranh”, bà Stewart nhận xét.
Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Armenia khẳng định nước này “không liên quan tới bất kỳ quy trình hay hành động nào nhằm lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ hay EU”. Người này cho biết hải quan Armenia đã tăng cường kiểm soát đối với các mặt hàng bị cấm vận và nhà chức trách đã thảo luận vấn đề này với phía Mỹ.
Trong gói trừng phạt mới được đề xuất của EU, Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên khuyến nghị thực hiện trừng phạt đối với các công ty trong khu vực, bao gồm hai công ty của Uzbekistan và một công ty của Armenia, vì cung cấp các mặt hàng sử dụng kép cho Nga.
Vào cuối tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang “theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt”, bao gồm cả các đối tác ở khu vực Trung Á.
Kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, EU đã cấm xuất khẩu các mặt hàng chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này sang Nga và cấm nhập khẩu khoảng 2/3 hàng hóa mà khối này mua từ Nga.
PHƯƠNG TÂY CHẠY ĐUA ĐỂ BỊT LỖ HỔNG
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chuyên mua bán hàng hóa phương Tây qua các quốc gia thứ ba đã và đang cung cấp dịch vụ của mình tại Nga. Năm ngoái, Moscow đã hợp pháp hóa việc “nhập khẩu hàng hóa song song”, tức là các nhà nhập khẩu có thể đưa hàng hóa nhập khẩu qua quốc gia thứ ba vào Nga mà không cần sự đồng ý của nhà sản xuất ban đầu.
Điển hình, công ty môi giới hải quan Standard Group có trụ sở tại Moscow đã mô tả trên website chính thức về quy trình mà theo đó công ty con của họ ở Armenia nhập hàng hóa từ Mỹ và châu Âu, làm thủ tục hải quan và nộp thuế tại nước này. Sau đó, hàng hóa được bán cho một doanh nghiệp Nga, bằng đồng Rúp và được chuyển đến Nga.
Trong một ví dụ đăng tải trên website, Standard Group nói rằng có thể vận chuyển một máy nén khí nặng gần 500 kg từ Mỹ với giá 13.900 USD qua Armenia đến thành phố cảng Novorossiysk của Nga. Công ty này thu phí môi giới hải quan khoảng 770 USD và phí vận chuyển tới Moscow là 30.000 USD.
Xuất khẩu đồ gia dụng do phương Tây sản xuất sang các nước thuộc Liên Xô cũ cũng tăng mạnh trong năm qua. Theo các quan chức phương Tây, Nga nhập khẩu các mặt hàng này và tháo gỡ để lấy con chip bên trong. Năm 2022, nhập khẩu máy giặt từ EU của Uzbekistan tăng mạnh và xuất khẩu mặt hàng này của Uzbekistan sang Nga tăng lên 10,6 triệu USD, từ mức chỉ khoảng 90.000 USD năm 2021.
Hiện chưa rõ bên cung cấp ở phương Tây hay bên mua hàng tại các quốc gia nói trên đang vi phạm khi tham gia vào tuyến thương mại “lách trừng phạt” này. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ và châu Âu không bán trực tiếp cho người mua Nga, trong khi không có quốc gia Trung Á và vùng Kavkaz nào có tham gia áp đặt trừng phạt đối với Moscow.
Trong bối cảnh đó, các quan chức phương Tây đang chạy đua để bịt lỗ hổng này. Trong gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, EU đề xuất thiết lập chế độ trừng phạt đối với lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng sang các quốc gia hoặc doanh nghiệp không thuộc EU được cho là đang giúp Nga lách trừng phạt.
Những tháng gần đây, các quan chức cấp cao phụ trách về lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh và EU đã đến Uzbekistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan để gây sức ép buộc chính phủ các nước này cắt đứt mô hình thương mại mà phương Tây tin là đang giúp Nga trốn tránh trừng phạt.
“Điều rất đáng ngờ là sau khi các biện pháp trừng phạt được tăng cường, đột nhiên xuất khẩu các sản phẩm này sang Trung Á và Kavkaz tăng lên”, bà Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) nhận xét.
Theo tính toán của EBRD, mô hình thương mại theo đường vòng này chiếm khoảng 5% mức sụt giảm trong xuất khẩu của Mỹ và châu Âu sang Nga kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra. Tỷ trọng này lớn hơn đối với các tuyến thương mại được định hướng lại để sang Nga qua Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.