Bắc Kinh cảnh báo phản ứng mạnh nếu châu Âu trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc
Trung Quốc sẽ phản ứng “cứng rắn và mạnh mẽ” đối với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào mà Liên minh châu Âu (EU) áp lên doanh nghiệp nước này...
Trung Quốc sẽ phản ứng “cứng rắn và mạnh mẽ” đối với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào mà Liên minh châu Âu (EU) áp lên doanh nghiệp nước này vì cung cấp cho Nga những hàng hoá lưỡng dụng (dual-use goods) có thể được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Tuyên bố trên được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương - hãng tin Bloomberg đưa tin ngày 10/5.
Trước đó, Uỷ ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU - đã đề xuất áp các giới hạn thương mại hiện có lên một số công ty Trung Quốc. Đây là một phần trong nỗ lực của EC nhằm siết chặt kiểm soát đối với những doanh nghiệp cung cấp cho Nga những mặt hàng và công nghệ thuộc diện cấm, bị cho là hỗ trợ cho Moscow trong cuộc chiến tranh với Ukraine.
Ngày 9/5, ông Tần Cương đã có cuộc gặp với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock ở Berlin. Sau đó, khi được hỏi về triển vọng của các biện pháp trừng phạt, nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc nói nước này không “cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho các quốc gia đang khủng hoảng hay các khu vực đang khủng hoảng”. Ông cảnh báo về việc gây gián đoạn điều mà ông gọi là “sự trao đổi bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Nga”.
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự trừng phạt đơn phương nào nhằm vào Trung Quốc”, ông Tần phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức. “Nếu việc đó xảy ra, chúng tôi sẽ phản ứng cứng rắn và mạnh mẽ. Chúng tôi cũng sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của đất nước và công ty chúng tôi”.
EC nói rằng các công ty bị đề xuất trừng phạt - bao gồm một số doanh nghiệp ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, cùng một số công ty ở Uzbekistan, Armenia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - “trực tiếp hỗ trợ Nga về quân sự và công nghiệp trong cuộc chiến tranh” ở Ukraine, theo tài liệu mà Bloomberg thu thập được.
EC kêu gọi áp “hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt hơn đối với các hàng hoá và công nghệ lưỡng dụng, cũng như các hàng hoá và công nghệ có thể đóng góp vào sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng của Nga”.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Tần, bà Baerbock nói rằng điều quan trọng là các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga không bị né tránh.
“Việc các công ty quốc phòng của Nga tiếp cận được với những hàng hoá quan trọng là việc đặc biệt nguy hiểm. Bởi vậy, chúng tôi đang điều tra các mục tiêu được chọn lọc kỹ lưỡng để đảm bảo rằng các hàng hoá thuộc diện trừng phạt, cũng như các hàng hoá lưỡng dụng, không bị rơi vào tay những đối tượng không được phép tiếp cận”.
Chuyến công du Berlin của Ngoại trưởng Trung Quốc lần này có mục đích chính là chuẩn bị cho các cuộc họp tham vấn của chính phủ hai nước dự kiến diễn ra vào ngày 20/6, với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Ông Tần cho biết Bộ Tài chính Trung Quốc đang lên lịch lại cho một cuộc gặp lẽ ra đã diễn ra vào ngày thứ Tư (10/5) theo kế hoạch từ trước giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner và người đồng cấp Trung Quốc. Cuộc gặp này bất ngờ bị hoãn vào hôm thứ Hai.
Một đồng minh của ông Lindner trong Đảng Xanh của Đức đã chỉ trích phía Trung Quốc về việc cuộc gặp bị hoãn, nhưng ông Tần nói rằng ông Lindner “dĩ nhiên” được chào đón ở Trung Quốc.
Hồi giữa tháng 4, hai Ngoại trưởng Đức và Trung Quốc gặp ở Bắc Kinh và đã có một cuộc trao đổi công khai đầy gay gắt về vấn đề nhân quyền và Đài Loan. Tại một cuộc họp báo chung khi đó, bà Baerbock nói với ông Tần rằng một sự thay đổi về địa vị của Đài Loan sẽ là việc “không thể chấp nhận được”. Ông Tần đáp: “Thứ mà Trung Quốc không cần là một giáo viên chủ nhiệm đến từ phương Tây”.