Mỹ kêu gọi EU, G7 cấm xuất khẩu hàng hóa sang Nga, liệu có khả thi?
Đề xuất của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Washington cho rằng cơ chế trừng phạt hiện tại đối với Nga có nhiều lỗ hổng, cho phép nước này tiếp tục nhập khẩu công nghệ của phương Tây...
Theo Financial Times, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đề xuất nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) áp đặt lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa sang Nga.
Đây là một phần trong các cuộc đàm phán trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Nhật vào tháng 5 tới. G7 gồm các nước thành viên là Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản. Đề xuất trên cũng kêu gọi sự tham gia của các nước Liên minh châu Âu (EU).
Trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 đang được soạn thảo cho thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản) tháng tới có nội dung về cam kết thay đổi cơ chế trừng phạt đối với Nga bằng một lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn. Lệnh cấm này sẽ miễn trừ các sản phẩm nông nghiệp, y tế và một số sản phẩm khác.
Đề xuất của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Washington cho rằng cơ chế trừng phạt hiện tại đối với Nga có nhiều lỗ hổng, cho phép nước này tiếp tục nhập khẩu công nghệ của phương Tây.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp chuẩn bị cho thượng đỉnh G7 vào tuần trước, các quan chức EU và Nhật Bản cho rằng một lệnh cấm xuất khẩu như đề xuất của Mỹ thiếu khả thi - theo nguồn tin thân cận của Financial Times.
“Theo quan điểm của chúng tôi, việc này đơn giản là không thể thực hiện”, một quan chức giấu tên nói với Financial Times.
Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Nhà Trắng từ chối bình luận về các cuộc thảo luận với các đối tác G7 nhưng khẳng định Mỹ sẽ “tiếp tục tìm cách để bắt Nga phải chịu trách nhiệm”.
“Sự phối hợp của các đối tác G7 của chúng tôi sẽ tạo ra một tổ hợp biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu lớn nhất từng được áp dụng với một nền kinh tế lớn”, người phát ngôn của NSC nói. “Những hành động này sẽ mang lại tác động đáng kể, ngăn chặn Nga trong cuộc chiến phi nghĩa”.
Theo các nhà phân tích, sự bất đồng liên quan tới đề xuất của Mỹ cho thấy các nhà lãnh đạo G7 không có nhiều lựa chọn để gia tăng trừng phạt kinh tế với Nga sau 14 tháng nổ ra cuộc chiến ở Ukraine. Trước đó, một số biện pháp trừng phạt được thiết kế để ngăn Nga nhập khẩu công nghệ, máy móc và tài chính từ phương Tây.
Hiện tại, Mỹ, Anh, EU và các đồng minh khác đang tập trung vào ngăn chặn việc Nga lách biện pháp trừng phạt thông qua các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và một số nước Trung Á đã gia tăng thương mại với Nga kể từ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây được áp đặt.
Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra trong ba ngày, từ ngày 19/5, tại thành phố Hiroshima, tập trung vào thảo luận tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine, an ninh kinh tế, đầu tư xanh và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trở lại đề xuất của Mỹ, để được thông qua tại EU, đề xuất này cần nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên. Kể từ tháng 2/2022, EU đã thông qua 10 gói trừng phạt nhằm vào Nga, sau nhiều tuần bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên. Và một số nước EU được miễn trừ áp đặt trừng phạt do các ngành công nghiệp quan trọng của họ chịu ảnh hưởng nặng nếu áp đặt.
Theo các quan chức EU, việc cấm xuất khẩu hoàn toàn sang Nga được dự báo sẽ vấp phải sự bất đồng tương tự và sẽ làm suy yếu các biện pháp hiện có.
Các biện pháp trừng phạt hiện có đã làm giảm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của EU và G7 sang Nga, với hạn chế được áp đặt lên nhiều mặt hàng từ đồ điện tử cho tới hàng xa xỉ. Theo công ty cung cấp dữ liệu thương mại Trade Data Monitor, hiện tổng kim ngạch xuất khẩu từ châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản sang Nga còn khoảng 66 tỷ USD.
Cũng nằm trong bản dự thảo tuyên bố tại thượng đỉnh, một số đề xuất khác ít gây tranh cãi hơn cũng được đưa ra, bao gồm áp đặt nhiều biện pháp hơn để ngăn chặn Nga lách trừng phạt, đồng thời mạnh tay với các bên “cố tình hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến của Nga”.
“Các nước G7 cũng sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu năng lượng Nga và ngăn việc mở lại các cơ sở đã bị đóng cửa do động thái ‘vũ khí hóa’ năng lượng của Moscow”, dự thảo có đoạn viết. “Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng sẽ công bố một ‘cơ chế truy xuất nguồn gốc’ đối với kim cương của Nga để giảm nguồn thu của Điện Kremlin từ việc xuất khẩu kim cương”.