09:41 08/05/2023

Vì sao Nga có lượng “khủng” Rupee Ấn Độ mà không thể tiêu?

Nguyễn Tuyên

Moscow đang loay hoay tìm cách sử dụng hàng tỷ Rupee Ấn Độ thuộc sở hữu của Nga bị “ứ đọng” trong các tài khoản ở ngân hàng Ấn Độ - hãng tin Bloomberg cho hay...

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, tại bang Goa ngày 4/5 - Ảnh: Bloomberg.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, tại bang Goa ngày 4/5 - Ảnh: Bloomberg.

Phát biểu với giới truyền thông bên lề cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tại bang Goa, miền tây Ấn Độ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 5/5 cho biết, Nga đang có hàng tỷ Rupee trong các ngân hàng Ấn Độ mà không thể sử dụng.

“Đây là một vấn đề. Chúng tôi cần sử dụng số tiền này. Nhưng để làm thế, Rupee phải được chuyển đổi sang loại tiền tệ khác và vấn đề này hiện đang được thảo luận”, ông Lavrov nói.

MẤT CÂN BẰNG THƯƠNG MẠI NGA-ẤN

Số Rupee Nga tích lũy được trong các ngân hàng Ấn Độ tăng do sự mất cân bằng thương mại giữa Nga và Ấn Độ. Hiện tại, chênh lệch trong trao đổi thương mại song phương đang nghiêng về phía Nga. Nga tin rằng nước này sẽ có thặng dư bằng đồng Rupee lên tới hơn 40 tỷ USD trong năm nay.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức giấu tên từ Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Nga về cơ chế thanh toán bằng đồng Rupee-Rúp Nga đã bị đình chỉ sau một năm đàm phán. Nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán bị đình chỉ được cho là do quá trình chuyển đổi tiền tệ thiếu hấp dẫn và tốn kém. Vì đồng Rupee Ấn Độ không phải là một đồng tiền có thể chuyển đổi hoàn toàn sang tất cả các đồng tiền khác trên thế giới, nên phí chuyển đổi kép có thể lên tới 3% tổng giá trị giao dịch.

Ông Ajay Sahai, Tổng giám đốc Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), gần đây đã đề cập đến “các vấn đề hoạt động” mà cơ chế thanh toán bằng đồng Rupee-Rúp phải đối mặt. “Các nhà xuất khẩu Nga lo ngại đối phó với tình trạng dư thừa đồng Rupee. Tỷ giá hối đoái cũng là một lĩnh vực đáng quan tâm khác”, ông nói thêm.

Tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga đã giảm 11,6% xuống còn 2,8 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm tài khoá 2022-2023, trong khi nhập khẩu tăng gần gấp 5 lần lên 41,56 tỷ USD, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ. Sự gia tăng đó xảy ra khi các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tăng cường mua dầu giá rẻ của Nga trong năm qua, mặt hàng vốn bị các nước phương Tây xa lánh để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục 1,68 triệu thùng/ngày trong tháng 4-2023, tăng gấp 6 lần so với một năm trước đó, theo Công ty dữ liệu Vortexa Ltd.

THIẾU CƠ CHẾ THANH TOÁN KHÔNG VI PHẠM LỆNH TRỪNG PHẠT

Điện Kremlin ban đầu khuyến khích Ấn Độ giao dịch bằng đồng Rupee và Rúp trong thương mại giữa hai nước, sau khi các ngân hàng Nga bị phương Tây trừng phạt và loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Nhưng sự biến động lớn của đồng Rúp ngay sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra khiến cơ chế thanh toán bằng đồng Rupee-Rúp đối với dầu thô bị hủy bỏ.

Ông Alexander Knobel, Giám đốc Viện Kinh tế và Tài chính Quốc tế thuộc Bộ Phát triển Kinh tế Nga, cho rằng sự mất cân bằng trong thương mại khiến số tiền của Nga bị đóng băng tại Ấn Độ có thể lên tới hàng chục tỷ USD. “Tình hình trở nên trầm trọng hơn do Ấn Độ có truyền thống thâm hụt thương mại lớn, làm giảm khả năng thanh toán bù trừ với các nước thứ ba”, ông Knobel nhận định.

Nga là nhà cung cấp vũ khí và khí tài quân sự lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, hoạt động này gần đây đã bị chững lại do thiếu cơ chế thanh toán mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đến nay vẫn nỗ lực thanh toán bằng đồng Rupee, Rúp và Dirham của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Việc mua bán này sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây nếu giá dầu thô bán dưới 60 USD/thùng.

Các ngân hàng Ấn Độ đã mở tài khoản vostro đặc biệt tại các ngân hàng Nga như Sberbank PJSC và VTB Bank PJSC để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại thương bằng đồng Rupee và duy trì dòng chảy dầu thô. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina ngày 28/4 cho biết, các hạn chế về tiền tệ hiện tại khiến cho các nhà xuất khẩu Nga gặp khó khăn trong việc chuyển đổi đồng Rupee sang Rúp để đưa về nước.