10:04 09/05/2023

Giữa “bão” trừng phạt, ngành dầu lửa Nga càng lao đao vì bị Chính phủ tăng thuế?

An Huy

Chính phủ Nga buộc phải tăng thuế đối với các công ty dầu lửa trong nước để đảm bảo thu ngân sách...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Trần giá mà nhóm 7 nước công nghiệp phát triển áp lên dầu thô xuất khẩu của Nga đã buộc Chính phủ nước này phải tăng thuế đối với các công ty dầu lửa trong nước để đảm bảo thu ngân sách. Đây là một đòn giáng mới vào ngành năng lượng Nga vốn dĩ đang chật vật vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Tờ báo Financial Times dẫn một phân tích trong đó nói rằng việc Moscow tăng gánh nặng thuế đối với các công ty dầu lửa có thể phản tác dụng, vì đổi lấy sự cải thiện ngân sách là làm suy yếu khả năng đầu tư dài hạn của ngành dầu lửa trong nước. Nghiên cứu này được thực hiện bởi một quốc gia thành viên trong liên minh do G7 đứng đầu áp trần giá lên dầu Nga.

“Đây chắc chắn là một cách làm gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp dầu khí của Nga”, một quan chức của liên minh trên nhận định. “Thay đổi về thuế của Nga sẽ gây suy giảm năng lực sản lượng tương lai của các công ty dầu khí Nga, vì lấy đi phần doanh thu lẽ ra được dùng để đầu tư vào trang thiết bị, hoạt động thăm dò và cả các mỏ dầu hiện có”.

Hồi tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi phương pháp tính thuế đối với các công ty dầu khí nước này, dựa trên giá dầu Brent - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu quốc tế - trừ đi một mức chiết khấu nhất định, thay vì dựa trên giá dầu Urals - loại dầu xuất khẩu chính của Nga và đang được giao dịch với mức giá thấp hơn nhiều.

Động thái này của Moscow được cho là nhằm tăng thu ngân sách thêm 600 tỷ Rúp, tương đương 8 tỷ USD, mỗi tháng để bù đắp lỗ hổng doanh thu xuất khẩu dầu do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Quý 1/2023, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu khí của Nga giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bao gồm mức giảm 85% của thu ngân sách từ thuế đánh vào xuất khẩu các sản phẩm dầu trong tháng 3. Vị quan chức liên minh G7 nói rằng 45% ngân sách chính phủ Nga đến từ thuế xuất khẩu năng lượng.

“Việc thay đổi cách tính thuế là bằng chứng cho thấy thu ngân sách của Nga đang giảm mạnh”, vị quan chức nói.

 

Tháng 4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính giá bình quân của dầu thô Nga xuất khẩu trong tháng đạt bình quân trên trần 60 USD/thùng. Thậm chí, mấy tuần gần đây, một dòng dầu thô từ vùng Viễn Đông của Nga được bán với giá lên tới 74 USD/thùng.

Tháng 12 năm ngoái, G7 áp trần giá 60 USD/thùng lên dầu thô Nga nhằm mục đích kép là vừa duy trì được dòng chảy dầu Nga ra thị trường toàn cầu, giảm thiểu gián đoạn đối với thị trường, đồng thời giảm nguồn thu ngân sách của Nga. Giới chức phương Tây nói rằng họ đang đạt cả hai mục đích này - một phần trong chiến lược của họ nhằm áp những “lựa chọn khó khăn” về mặt kinh tế lên điện Kremlin chừng nào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine còn tiếp diễn. Theo vị quan chức, bằng cách thay đổi cách đánh thuế đối với các công ty dầu lửa, Nga đang tự “đánh cắp tương lai” để chi trả cho cuộc xung đột hiện tại.

Tháng 4 vừa qua, sản lượng dầu thô của Nga giảm còn 10,4 triệu thùng/ngày, có thể là dấu hiệu về một lời cảnh báo của Moscow rằng Nga sẽ mạnh tay hạ sản lượng dầu để phản ứng với trần giá mà phương Tây áp đặt - theo OilX, một bộ phận của công ty tư vấn thị trường năng lượng Energy Aspects. Xuất khẩu dầu của Nga, chủ yếu sang châu Á, đạt 4,7 triệu thùng/ngày trong tháng 4, thấp hơn mức bình quân của 5 năm.

Nhưng dù các nước G7 tin rằng trần giá mà họ áp lên dầu Nga đang mang lại hiệu quả như mong muốn, dữ liệu hải quan lại cho thấy các công ty dầu khí của Nga đang bán được dầu với giá cao hơn, ít nhất là đối với một phần số dầu mà nước này xuất khẩu. Tháng 4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính giá bình quân của dầu thô Nga xuất khẩu trong tháng đạt bình quân trên trần 60 USD/thùng. Thậm chí, mấy tuần gần đây, một dòng dầu thô từ vùng Viễn Đông của Nga được bán với giá lên tới 74 USD/thùng.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G7 sẽ gặp nhau tại Nhật Bản trong tuần này, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào cuối tháng. Trong cuộc gặp tuần này, các biện pháp trừng phạt Nga dự kiến ​​sẽ là tâm điểm của các cuộc đàm phán. “Các cuộc họp sẽ tập trung vào trần giá đối với dầu Nga và hiệu quả”, vị quan chức liên minh cho biết.

Cũng theo vị này, các thành viên của liên minh trần giá do G7 dẫn đầu cũng sẽ “tăng cường nỗ lực chống lại việc né tránh trần giá, bao gồm cả những hành vi gian lận để tiếp cận các dịch vụ của liên minh đối với dầu được giao dịch trên mức giá trần” trong giai đoạn tới.

Vị quan chức này cho biết liên minh trần giá sẽ nỗ lực giúp các nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ tuân thủ đúng trần giá, bằng cách chỉ ra các “dấu hiệu cảnh báo” chẳng hạn như “hành vi thao túng định vị tàu chở dầu hoặc không kê khai chi phí vận chuyển, cước phí, hải quan và bảo hiểm riêng biệt dầu được vận chuyển”.

Việc đánh thuế xuất khẩu dầu dựa trên mức chiết khấu so với giá dầu Brent thay vì dựa trên giá dầu Urals cho thấy Moscow đã thừa nhận rằng dầu của Nga sẽ còn giao dịch với giá thấp hơn so với giá thị trường thế giới trong tương lai gần. Vị quan chức đến từ liên minh trần giá cho biết đây là một "sự thay đổi lớn" đối với Moscow: ngay cả khi cách đánh thuế mới nhằm mục đích tăng thu ngân sách từ xuất khẩu dầu trong thời gian ngắn, đây vẫn là một hệ thống thuế có thể bị coi là bất lợi sâu sắc đối với Chính phủ Nga trước khi chiến tranh nổ ra.

Phân tích ước tính rằng giả sử trước chiến tranh, Nga áp dụng cách tính thuế xuất khẩu dầu như hiện tại, thu ngân sách hàng tháng của Điện Kremlin sẽ thấp hơn khoảng 5-6 tỷ USD.