19:38 12/02/2025

Biến động của đồng USD dưới các đời tổng thống Mỹ

Đức Anh

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, đồng USD chứng kiến sự biến động lớn sau mỗi thông báo về thuế quan của vị tổng thống, do đồng tiền này đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu...

Trong bối cảnh chính sách thương mại của ông Mỹ còn nhiều bất định, giới phân tích dự báo đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng giá trong những năm tới nhưng sau đó sẽ giảm trong bối cảnh khối nợ của Mỹ tăng lên do chính sách giảm thuế trong nước của ông Trump.

Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện biến động của chỉ số Dollar Index (DXY) đo sức mạnh của USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác trong các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ từ năm 1967 đến nay, dựa trên dữ liệu từ TradingView.

Biến động của đồng USD dưới các đời tổng thống Mỹ - Ảnh 1

Khi nền kinh tế Mỹ mạnh hơn so với các nền kinh tế lớn trên thế giới, DXY thường tăng lên do nhu cầu cao hơn với đồng tiền này như một tài sản trú ẩn an toàn.

Năm 1985, DXY tăng lên mức cao kỷ lục trong nhiệm kỳ của Tổng thống Ronald Reagan khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lãi suất quỹ liên bang lên tới 18%. Mức lãi suất cao làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD, trong khi sức mạnh kinh tế của Mỹ giúp tâm lý lạc quan của nhà đầu tư dâng cao. Thời điểm đó, sự tăng giá mạnh của đồng bạc xanh đã góp phần vào thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ bởi hàng hóa Mỹ đắt hơn trong khi hàng nhập khẩu lại rẻ.

Sự tăng giá của đồng USD gây bất ổn khiến 5 nền kinh tế lớn gồm Pháp, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Tây Đức liên kết để làm suy yếu đồng tiền này. Theo đó, hiệp định có tên Plaza Accord được ký kết vào năm 1985 nhằm can thiệp tỷ giá hối đoái bằng cách khiến tỷ giá đồng USD giảm tương đối so với đồng yên Nhật và đồng mark Đức. Với Mỹ, hiệp định giúp làm giảm thâm hụt thương mại. Hiệp định này đã góp phần khiến đồng USD giảm 40% trong hai năm sau đó.

Ngược lại, DYX rơi xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu dưới tới Tổng thống George W. Bush. Vào cuối năm 2008, Fed hạ lãi suất về mức gần 0% trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng xấu đi. Do lo ngại về phục hồi kinh tế chậm, nhà đầu tư đổ xô vào vàng và các đồng tiền có lợi suất cao hơn.

Trong năm 2024, sức mạnh kinh tế của Mỹ thúc đẩy xu hướng tăng giá của đồng USD, trong khi châu Âu và Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Theo các nhà phân tích, xu hướng này có thể tiếp diễn do chính sách thuế quan của ông Trump, bởi thuế quan có thể đẩy lạm phát tại Mỹ tăng trở lại, từ đó buộc Fed duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn. Điều này khiến đồng USD mạnh lên.

Bên cạnh đó, thuế quan có thể làm suy yếu nền kinh tế tại các quốc gia khác, do đó tăng sức mạnh tương đối của Mỹ và thúc đẩy nhu cầu với đồng bạc xanh. Tuy vậy, thuế quan cũng có thể cản trở tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và điều này sẽ gây áp lực tới đồng USD.