Biến khó khăn thành lợi thế để đột phá vươn lên - Ảnh 1
Biến khó khăn thành lợi thế để đột phá vươn lên - Ảnh 2

Bức tranh kinh tế, đầu tư của tỉnh Quảng Trị năm 2022 có nhiều bước đổi mới mang tính đột phá. Xin ông cho biết những nét nổi bật của bức tranh kinh tế tỉnh nhà trong năm 2022?

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh Quảng Trị.

Nền kinh tế tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, có 14/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 đã được thực hiện hoàn thành, trong đó có tám chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 7,17%, đây là con số rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ ổn định; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 27.115 tỷ đồng, vượt gần 13% kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 4.500 tỉ đồng, vượt 9% dự toán địa phương và vượt 32% dự toán Trung ương.

Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thực hiện cơ bản hoàn thành.

Tình hình sản xuất công nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 18,68% so với năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 26.713,32 tỷ đồng, tuy chưa đạt kế hoạch nhưng vẫn tăng 15,74% so với năm 2021.

Biến khó khăn thành lợi thế để đột phá vươn lên - Ảnh 3

Quảng Trị đang nổi lên là miền đất hứa, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Xin ông cho biết những ưu đãi và cam kết của Quảng Trị đối với các nhà đầu tư?

Thời gian qua công tác thu hút, xúc tiến đầu tư của tỉnh đã đạt được những kết quả khá nổi bật. Đặc biệt, tỉnh đã và đang thành công trong việc đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, khảo sát và thực hiện nhiều dự án trọng điểm có quy mô lớn như tập đoàn: T&T, Vingroup, Big C, Bitexco Group, Liên doanh VSIP – Amata - Sumitomo.

Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo được chú trọng tính bền vững, tuân thủ nguyên tắc và phát huy thế mạnh của địa phương, phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, uy tín đối với các nhà đầu tư. Với gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 44.000 lao động, đây là tín hiệu tích cực và tiền đề tạo đà thúc đẩy sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngoài các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, các nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng được quy định tại Nghị quyết số 105 của HĐND tỉnh. Ngoài ra, các nhà đầu tư và doanh nghiệp còn được hỗ trợ riêng theo từng ngành, nghề lĩnh vực đầu tư, kinh doanh theo chính sách địa phương đã được HĐND tỉnh ban hành như: khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ; chính sách khuyến công; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.

Biến khó khăn thành lợi thế để đột phá vươn lên - Ảnh 4

Quảng Trị đang từng bước trở thành thủ phủ điện gió của cả nước. Xin ông cho biết các dự án điện gió đã đóng góp và làm thay đổi bức tranh kinh tế tỉnh nhà như thế nào?

Với quyết tâm “biến khó khăn thành lợi thế khác biệt để đột phá vươn lên”, Quảng Trị xác định mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng miền Trung. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 149,5MWp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2022, là tỉnh có số dự án và tỷ lệ công suất vận hành thương mại cao nhất cả nước (chiếm 16,9% toàn quốc). Tổng công suất phát điện thương mại các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.000MW.

Trong năm 2022, nhờ có các dự án điện gió mới đi vào hoạt động cuối năm 2021, đã tác động thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 18,68% so với năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, đóng góp vào mức tăng trưởng GRDP cao trong năm 2022 là 7,17%.

Hàng năm, các dự án này đóng góp vào ngân sách hơn 500 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Ngoài ra, các dự án điện gió còn đầu tư hơn 80km đường giao thông liên thôn, liên xã, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và cải thiện sinh kế của người dân vùng sâu vùng xa; giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện vượt bậc điều kiện kinh tế - xã hội vùng dự án, đồng thời, tạo tiền đề tốt để phát triển du lịch.

Biến khó khăn thành lợi thế để đột phá vươn lên - Ảnh 5

Về hạ tầng đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông của địa phương vẫn còn nhiều trở ngại trong việc thu hút đầu tư. Xin ông cho biết, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị cũng như các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn đang được thúc đẩy như thế nào?

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là lĩnh vực then chốt, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, liên kết vùng, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2148 ngày 20/12/2021 theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư dự án là 5.822,9 tỷ đồng (cho cả 2 giai đoạn). Trong đó vốn do nhà đầu tư huy động: 5.510 tỷ đồng (giai đoạn 1: 2.680 tỷ đồng) và vốn nhà nước: 312 tỷ đồng (giai đoạn 1: 233 tỷ đồng).

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Dự án có quy mô dự kiến: Chiều dài tuyến khoảng 56km; có quy mô 4-6 làn xe theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012, tốc độ thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến: 7.938 tỷ đồng. Hiện nay UBND tỉnh đang lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị có chiều dài tuyến là 55,7 km; tổng mức đầu tư là 2.060 tỷ đồng.

Dự án Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Trị, có chiều dài tuyến 15km, tổng mức đầu tư là 229 tỷ đồng.

Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị có chiều dài khoảng 21,3km, trong đó Bộ Giao thông vận tải đang đầu tư 17,1 km; đoạn còn lại 4,2 km từ cầu sông Hiếu đến đường Nguyễn Hoàng tỉnh đang xin hỗ trợ vốn của Trung ương để đầu tư.

Biến khó khăn thành lợi thế để đột phá vươn lên - Ảnh 6

Năm 2023 được xem là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Xin ông cho biết những mục tiêu và giải pháp chính để Quảng Trị tiếp tục vững vàng trên hành trình vươn tới khát vọng thịnh vượng?

Năm 2023, Quảng Trị tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.

Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Biến khó khăn thành lợi thế để đột phá vươn lên - Ảnh 7

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ về tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...

Thứ hai, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

Thứ tư, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Biến khó khăn thành lợi thế để đột phá vươn lên - Ảnh 8

VnEconomy 25/01/2023 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Biến khó khăn thành lợi thế để đột phá vươn lên - Ảnh 9