Biến số toàn cầu và khả năng hóa giải thách thức của Việt Nam - Ảnh 1
Biến số toàn cầu và khả năng hóa giải thách thức của Việt Nam - Ảnh 2

“Đánh giá chung tình hình kinh tế năm 2022, chúng ta phải nhìn nhận đúng thực tế; không đánh giá quá mức lạc quan mà cũng không bi quan. Tôi thấy thành tựu 2022 rất đáng phấn khởi; tuy nhiên, tôi cảm nhận rằng những thành tựu này đang che mờ những khó khăn mà nền kinh tế đã trải qua.

Có 2 vấn đề liên quan đến nguồn lực cần được rút kinh nghiệm, đó là đánh giá về nguồn lực mới huy động được và cách phân bổ nguồn lực. Có những nguồn lực đã huy động được nhưng chúng ta đã sử dụng hiệu quả chưa? Nếu chưa thì tại sao? Làm thế nào để tối ưu?

Có nhiều ý kiến lạc quan về các cơ hội tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 nhưng tôi không tự tin lắm. Kinh tế thế giới suy giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Một điểm đáng lưu ý là chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được thực thi vào cuối năm 2023, có tác động rất lớn đến FDI vào Việt Nam nhưng cho đến nay các cơ quan của Chính phủ vẫn  chưa có các động thái chuẩn bị chính sách.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng đến cả FDI huy động mới và tác động đến cả các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào Việt Nam. Những doanh nghiệp này sẽ đặt câu hỏi có mở rộng đầu tư ở Việt Nam hay không? Việt Nam phải chuẩn bị sớm vì chính sách là phải chuẩn bị cả năm, nếu để đến khi thế giới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mới bắt đầu hành động là quá trễ.

Điểm thứ hai khiến tôi chưa hài lòng là gói phục hồi kinh tế sau Covid-19 làm chưa tốt. Gói này thực hiện trong 2 năm nên hiện còn quá sớm để nói nó thành công hay thất bại. Nhưng nếu chúng ta có thể làm sớm hơn, giải ngân nhanh chóng hơn thì rõ ràng sẽ tăng sức chống chịu cho nền kinh tế trong năm 2023.

Năm 2022 thì tâm thế của chúng ta khi xử lý các vấn đề khủng hoảng đã tốt hơn. Cách xử lý đã bài bản hơn, tổng quát hơn. Chúng ta đã chuyển từ sự hỗn loạn trong chính sách, giật cục chính sách sang tầm nhìn dài hạn. Nhưng tâm thế mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phương cách hành động. Những vấn đề nguy cơ, lực cản của nền kinh tế như câu chuyện thị trường vốn là phải giải quyết nhanh, triệt để. Tiếp đến là dùng thị trường để giải quyết vấn đề thị trường. Tóm lại, chính sách phải minh bạch, tiên liệu được để doanh nghiệp và thị trường có kế hoạch hành động phù hợp.

Trong năm 2023, phương châm hành động của Chính phủ nên là hành động quyết liệt, minh bạch và có thể dự đoán được.

Tôi xin đề xuất 3 ưu tiên hành động của Chính phủ.

Thứ nhất, biến những giải pháp, đề án, chiến lược đã đề ra thành hành động và hành động nhanh.

Thứ hai bám sát khó khăn của doanh nghiệp; nên tận dụng, xem xét điều chỉnh nguồn lực cho phù hợp với khó khăn của doanh nghiệp.

Thứ ba giải quyết nhanh các vấn đề nền tảng của nền kinh tế như thị trường vốn, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng”.

Biến số toàn cầu và khả năng hóa giải thách thức của Việt Nam - Ảnh 3

“Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn rất khó khăn, độ trễ lạm phát và biến cố trái phiếu doanh nghiệp là những vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.

Nhiều ý kiến cho rằng làn gió mới cho kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng là Trung Quốc mở cửa hoàn toàn sau Covid-19 tôi đồng tình, nhưng nếu Trung Quốc mở cửa thì lạm phát cũng tăng. Nếu Trung Quốc mở cửa, Bloomberg tính toán lạm phát của Mỹ cuối năm 2023 sẽ tăng 5,7%. Giả sử lạm phát của Mỹ tăng thì Fed liệu có ngừng tăng lãi suất không? Và đó là thách thức với chính sách tiền tệ.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất. Chúng ta chỉ xuất sang Trung Quốc vài mặt hàng nông sản cơ bản nhưng lại nhập của Trung Quốc toàn bộ nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất.

Một điểm nữa cần lưu ý là vốn FDI, tôi dự báo nó sẽ suy giảm từ năm 2023-2024 do bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm nên các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.

Việt Nam cũng nên lưu ý về những mặt trái của FDI. Nhiều quốc gia tận dụng lợi thế từ các FTA đã ký với Việt Nam để biến nước  ta  thành bộ đệm, bàn đạp để họ tăng xuất khẩu.

Về các động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, tôi cho rằng vẫn là thể chế, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. EU vẫn là thị trường hứa hẹn với Việt Nam năm 2023, chúng ta nên tập trung xuất khẩu vào thị trường này.

Thể chế và môi trường kinh doanh không tốt thì không có nội lực cho tăng trưởng. Năm 2022, chính sách đã được thiết kế hay nhưng triển khai chưa được khẩn trương, chưa tốt, môi trường thể chế kinh tế vẫn bị ghìm giữ, chưa tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.

Quốc hội đã có Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15, rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành, văn bản nào đang cản trở nền kinh tế thì phải sửa đổi. Nếu môi trường thể chế được tháo gỡ đó là sẽ động lực cho tăng trưởng, tạo đà cho năm 2023 và các năm tiếp theo, giúp Việt Nam bớt lệ thuộc vào bên ngoài”.

Biến số toàn cầu và khả năng hóa giải thách thức của Việt Nam - Ảnh 4

“Quý 1/2023 sẽ không có con số tăng trưởng kinh tế tích cực ở trong nước. Quý 2 có thể lại sẽ tiếp tục khó khăn. Nhưng nhìn vào điều hành chính sách tiền tệ toàn cầu, từ phía Mỹ, mặc dù Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng vẫn còn dư địa cho Việt Nam nới lỏng chính sách.

Trong kịch bản xấu nhất, Mỹ có thể còn 3 lần tăng lãi suất. Lần 1 là vào tháng 2. Nếu tháng 11/2022, lạm phát của Hoa Kỳ là 7,1% thì thị trường đang dự báo mức lạm phát có thể sẽ giảm từ 7,1% xuống 6,6-6,5%. Do vậy có khả năng, vào lần tăng lãi suất tháng 2 năm nay, Fed chỉ tăng 0,25 điểm, thay vì 0,5 điểm.

Còn 2 lần tăng lãi suất nữa là vào tháng 3 và tháng 5. Thời điểm đầu tháng 5, khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng từ 5-5,25% cho đến cuối năm 2023.

Như vậy, cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam do chúng ta không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng USD, áp lực tỷ giá qua đi. Đó cũng là dư địa để chúng ta đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô.

Tác động thứ 2 để Việt Nam điều chỉnh chính sách nhìn từ nước ngoài là Trung Quốc, kỳ vọng vào cơn gió xuôi khi quốc gia này mở cửa.

Khi mở cửa trở lại, tới khoảng tháng 4 và tháng 5, Trung Quốc sẽ tự tin hơn vào chính sách mở cửa, tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa, tạo cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam sang Trung Quốc và du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam.

Dưới tác động của Mỹ và Trung Quốc thì cần nhấn mạnh tính chủ động của Việt Nam.

Trong cạnh tranh chiến lược, chúng ta kỳ vọng vào đầu tư công, tiêu dùng dân cư trong nước để bù đắp cho suy giảm xuất khẩu, nhưng cần phải giải ngân vốn FDI cùng với giải ngân đầu tư công thì mới có bức tranh sáng cho nền kinh tế.

Cửa hẹp để có kết quả không quá xấu năm 2023 là chính sách tiền tệ phải rất chủ động để có khả năng chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, nới lỏng hơn và hạ mặt bằng lãi suất; muộn nhất đến giữa năm 2023.

Về chính tài khóa, cần linh hoạt, miễn giảm thuế để doanh nghiệp và người dân được hưởng. Để kết nối chính sách tài khóa và tiền tệ, ổn định tài chính, cần ưu tiên ổn định hệ thống ngân hàng; còn thị trường vốn cần dùng giải pháp thị trường”.

Biến số toàn cầu và khả năng hóa giải thách thức của Việt Nam - Ảnh 5

“Nhìn lại năm 2022 có 3 điểm rất đáng chú ý tác động đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Một là câu chuyện cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn trong đó có Mỹ-Trung Quốc tạo ra sự phân cực chính trị trên thế giới. Hai là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, với những phản ứng nhiều chiều của các bên, tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là năng lượng và lương thực. Câu chuyện thứ ba, vậy khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương như thế nào?

Theo tôi, những gì bất lợi nhất, tạo nên rủi ro, nguy cơ nhất đã xảy ra vào năm 2022. Cạnh tranh nước lớn, đặc biệt cạnh tranh Mỹ - Trung thì từ khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ và tiếp tục chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc một cách tổng thể, toàn diện và nhiều chiều hơn nhưng xu hướng quản trị cạnh tranh là không để  xảy ra xung đột.

Câu chuyện eo biển Đài Loan – là một trong những điểm nóng gần đây, liệu có như Ukraine không? Cá nhân tôi suy nghĩ rằng không biết tương lai thế nào nhưng trong năm 2023 và vài năm tới chưa xảy ra xung đột quân sự dù rằng tình hình vẫn đang căng thẳng.

Điểm thứ hai là cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc có mấy sắc thái mới. Năm 2022, Mỹ định tháo gỡ một phần các trừng phạt thuế quan đã áp với Trung Quốc từ thời ông Trump nhưng chưa làm được vì còn định hình các chính sách, rồi còn khó khăn trong nước và dịch bệnh. Nhưng năm 2023, nhiều khả năng Mỹ sẽ tháo gỡ một phần. Điểm thứ ba là sự phân tách về chuỗi cung ứng, chính trị, kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc có không? Cá nhân tôi thấy rằng xu hướng là có phân tách nhưng không phân tách hoàn toàn nhất là khi Trung Quốc mở cửa.

Câu chuyện Ukraine và Nga rõ ràng tác động nhiều chiều. Cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài. Năm 2023 có rất nhiều kịch bản: Liệu hai bên tiếp tục nhùng nhằng như hiện nay hay xung đột bùng nổ lớn hơn hay có tín hiệu tạm ngừng bắn? Cả 3 kịch bản này người ta vẫn tính xảy ra. Nhưng kể cả có bùng nổ xung đột lớn hơn thì phản ứng của Mỹ và phương Tây đối với Nga trong câu chuyện này là thắt chặt về mặt hàng hóa, an ninh, tài chính, năng lượng.

Câu chuyện của Ukraine và Nga cho thấy điều gì? Đó là cạnh tranh có thể gia tăng nhưng vẫn có không gian cho các nước lớn lựa chọn, trong đó có ASEAN và Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng kinh tế thế giới 2023 có nhiều kịch bản, bởi vì đâu đó vẫn thấy tăng trưởng dương, khả năng thích ứng của các nền kinh tế cao hơn năm 2022 vì tính bất ngờ không có và sự chuẩn bị đã có.

Từ góc độ chính trị đối ngoại, chúng ta đã xử lý, đứng vững để giữ được địa thế chính trị của Việt Nam trong các cường quốc và khu vực. Nhưng có lẽ điều chúng ta cần chú trọng là trong lúc phức tạp có thể có được cơ hội cần phải tranh thủ hơn nữa.

Có một số chuyển đổi mà các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm, trong đó có thương mại điện tử và chuyển đổi xanh. Làm sao dung hòa được định hướng phát triển của Việt Nam với yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài? Đó là bài toán cần đi tìm lời giải”.

Biến số toàn cầu và khả năng hóa giải thách thức của Việt Nam - Ảnh 6

VnEconomy 18/01/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03 phát hành ngày 26-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Biến số toàn cầu và khả năng hóa giải thách thức của Việt Nam - Ảnh 7