Tiếp nối hành trình 15 năm kiến tạo và phát triển thành công Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam - VESF (2008-2023), với sứ mệnh và 3 mục tiêu chính.
Thứ nhất, trở thành kênh thông tin trao đổi, đối thoại và hiến kế về các vấn đề chính sách gắn với thực tiễn hoạt động của các ngành kinh tế trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam.
Thứ hai, tổng hợp những nhận định, phân tích và đánh giá đa chiều các yếu tố thuận lợi - khó khăn, cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp.
Thứ ba, hiến kế và khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; nhằm góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Phát biểu khai mạc TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy, cho biết từ một sáng kiến nhằm phát huy vai trò của báo chí truyền thông kinh tế, đến nay, Diễn đàn đã trở thành kênh thông tin chính thức, được các cơ quan hoạch định và quản lý chính sách cũng như giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, chủ đề của Diễn đàn lần này là “Tối ưu nguồn lực, Vượt qua thách thức” thực sự rất phù hợp với bối cảnh thế giới trong “nguy” có “cơ” nhưng “nguy” nhiều hơn “cơ” hiện nay. Điều này thậm chí còn ý nghĩa hơn một chủ đề, mà là khẩu hiệu hành động rất thức thời cho tất cả các ngành và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, từ thị trường tài chính tiền tệ cũng như các yếu tố khác.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam: "Năm 2023 bên cạnh "những cơn gió ngược" cũng có những "cơn gió xuôi" thực sự xuất hiện. Ẩn số của năm nay là việc mở cửa của Trung Quốc, đây là một chủ thể vừa gây ra gió ngược và gió xuôi với nền kinh tế Việt Nam".
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng, hai yếu tố có thể coi là động lực tăng trưởng trong năm 2023 là việc mở cửa của Trung Quốc và các chương trình phục hồi và phát triển. Ngoài ra, những "cơn gió xuôi" với kinh tế Việt Nam như: Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong năm 2021-2022 cũng là một thuận lợi cho năm 2023. Bên cạnh đó, kiều hối của Việt Nam trong năm 2022 rất tích cực tăng 5%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới giảm.
Bên cạnh phiên khai mạc, tham luận, thảo luận, Diễn đàn VESF 2023 diễn ra phiên đặc biệt – phiên tranh biện giữa các chuyên gia kinh tế với hai cặp tranh biện về chủ đề nhận định các chiều hướng của thách thức và đánh giá khả năng xoay chuyển, hóa giải thành công của Việt Nam cũng như của cộng đồng doanh nghiệp
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đánh giá kinh tế thế giới năm 2023 sẽ đương đầu với nhiều yếu tố khó khăn, nhưng tính bất ngờ không còn nữa và sự chuẩn bị đã có. Môi trường quốc tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dù có những khó khăn nhưng vẫn có những điểm thuận.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam, cho rằng trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, Việt Nam vẫn có “cửa hẹp” trong năm nay để có thể đổi chiều chích sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam khi các điều kiện bên ngoài cho phép.
Trên cơ sở tham khảo các nhận định và phân tích của các chuyên gia, phiên thảo luận với chủ đề: “Tối ưu nguồn lực, sẵn sàng vượt qua thách thức” được đại diện các bộ, ngành cùng lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp trao đổi cụ thể, ứng với thực tiễn hiện trạng hoạt động của từng lĩnh vực, thị trường và khu vực doanh nghiệp.
"Saigon Co.op là đơn vị kinh tế tập thể hoạt động theo luật Hợp tác xã. Thay mặt cộng đồng hợp tác xã, chúng tôi kiến nghị xây dựng Luật Hợp tác xã để không chỉ tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại và phát triển, mà còn có cơ chế để hợp tác xã trở thành 'người lớn', đủ sức cạnh tranh", ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op phát biểu.
“Bối cảnh năm 2022 đã khiến chúng tôi phải chuyển mình. Thực ra, ở Tân Long luôn có tinh thần khởi nghiệp, bởi vì chúng tôi phải tự bán, tự phân phối sản phẩm của mình, vì thế phải tạo ra sự khác biệt. Trên thị trường chúng ta thấy đã có rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã làm điều này từ 20 năm nay. Chúng tôi mới đang ở top 5, nên tập đoàn đang có định hướng trong năm 2023 sẽ lọt vào top 3, thậm chí là top đầu với quy mô đàn heo khoảng 6 triệu con”, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long kỳ vọng.
Bước sang năm 2023, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mục tiêu xuyên suốt là điều hành chính sách tiền tệ là giữ được sự ổn định của dòng tiền, kiểm soát lạm phát. Từ mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đạt được mục tiêu của nội bộ ngành là duy trì sự hoạt động lành mạnh, ổn định của ngành ngân hàng.
Phiên thảo luận tại Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 với nhiều tham luận giá trị, nhiều ý kiến xác đáng đã nhận được sự chú ý theo dõi của các đại biểu cũng như hàng ngàn độc giả theo dõi sự kiện trực tuyến
Các diễn giả chụp ảnh kỷ niệm tại sự kiện
Các diễn giả trao đổi trước khi sự kiện bắt đầu