22:50 05/08/2021

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất gói giải pháp cứu doanh nghiệp và người dân

Ánh Tuyết

Bộ Tài chính đang dự thảo đề xuất 4 giải pháp miễn, giảm thuế trị giá 20.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhưng các chuyên gia cho rằng như thế là chưa đủ và cần tăng quy mô, mở rộng độ phủ hơn nữa...

Tăng quy mô, nới độ phủ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Tăng quy mô, nới độ phủ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy, luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đáng chú ý, nơi đầu tàu kinh tế cả nước là TP. Hồ Chí Minh, có đến 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,1% tổng số của cả nước, chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, có 12.071 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016 - 2021.

ĐẠI DỊCH BÀO MÒN SỨC CHỐNG ĐỠ

Theo nhiều chuyên gia, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 lan rộng trên 62 tỉnh thành đã và đang bào mòn sức chống chịu của các doanh nghiệp. Đời sống của phần lớn người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do thu nhập tụt dốc và số lượng người lao động mất việc làm ngày càng gia tăng.

Gần 1/3 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ở TP. HCM.
Gần 1/3 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ở TP. HCM.

Thậm chí, nhiều lao động mất việc, không còn khả năng bám trụ tạiTP. Hồ Chí Minh, đã chạy xe máy xuyên đêm về quê tránh dịch.

Đánh giá về thiệt hại do đợt bùng phát đại dịch lần thứ tư mới đây, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, biến chủng Delta với tốc độ lây nhiễm khủng khiếp gần như đã xóa sạch những thành quả chống dịch từ 3 đợt trước đó, vắt kiệt sức chống chọi của doanh nghiệp.

Lấy ví dụ về sự tàn phá của đại dịch với ngành hàng không, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói: "Phải hết năm 2021, sức cầu nền kinh tế nói chung và cầu đi lại, dịch vụ du lịch, hàng không nói riêng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí nặng nề hơn bây giờ, bởi độ trễ tác động lên kinh tế do dịch Covid gây ra”.

Theo ông, hiện nay, các hãng hàng không giống như bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, khi bệnh nhân nhiễm bệnh, cần phải trợ thở oxy dòng cao. Với doanh nghiệp cũng vậy. Khi dòng tiền cạn kiệt thì phải tìm cách hỗ trợ tài chính, tái cơ cấu vận hành, hoạt động. 

 
“Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân được ví như những mạch máu của nền kinh tế. Khi hoạt động của nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn chắc chắn sẽ tác động đến sức khỏe của nền kinh tế”.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho biết, trong tháng 7 năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao, vui chơi và giải trí,...

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đang gấp rút nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách cho doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19.

TĂNG QUY MÔ VÀ MỞ ĐỘ PHỦ HỖ TRỢ

Mới đây, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, bao gồm cả giải pháp về thuế.

Bộ Tài chính đang đề xuất gói giải pháp cứu nguy doanh nghiệp, người dân gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2021. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp giảm tiền thuê đất đối với năm 2021.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ đề xuất 4 giải pháp.

Thứ nhất, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020.

Thứ hai, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.

Thứ ba, giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ.

Thứ tư, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 là hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các giải pháp đề xuất bổ sung nêu trên, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138.000 tỷ đồng. Trong đó gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách Nhà nước, các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cũng đã được triển khai thực hiện vừa qua theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với tổng kinh phí ước tính trên 26.000 tỷ đồng.

Đồng tình với đề xuất gói hỗ trợ tiếp theo của Bộ Tài chính nhưng TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, giải pháp này vẫn chưa đủ tầm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, mà phải kết hợp đồng bộ các giải pháp, cả về tài khoá lẫn tiền tệ. Ngoài gói hiện nay Bộ Tài chính đang đề nghị khoảng 20.000 tỷ đồng, cũng cần nghiên cứu gói hỗ trợ bổ sung.

Theo TS. Cấn Văn Lực, một là, cần đẩy nhanh hơn và nghiêm túc thực hiện những gói hỗ trợ hiện tại. Đối với gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 hiện không bao phủ lực lượng lao động tự do nên cần giao cho địa phương căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Phải hết sức đôn đốc và yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương này.

Hai là, Thông tư 03 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 2/4/2021, quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ phải tiếp tục thực hiện tốt. Bên cạnh đó, tiếp tục giảm phí thanh toán, chuyển tiền mà một số tổ chức tín dụng đã và đang tiến hành, cộng với gói giảm lãi suất tương đối mạnh gần đây.

Ba là, Chính phủ đang đề nghị giảm giá điện, giá nước sạch, cước phí viễn thông. Các gói hỗ trợ điều thiết thực giúp người dân vơi nỗi lo. Tuy nhiên, quy mô hỗ trợ phải lớn hơn và bao phủ rộng hơn.

Về gói hỗ trợ giảm giá điện, theo phương án công bố chỉ giảm những khu vực đang giãn cách xã hội, cho khách hàng bị tác động bởi Covid-19. Vậy những khu vực khác thì sao? "Theo tôi, quy mô hỗ trợ cần tương đương năm ngoái 10.000-11.000 tỷ, không chỉ dừng lại ở mức 2.000-2.500 tỷ như hiện nay", TSS. Lực đề xuất.

Về gói cước phí viễn thông, quy mô vẫn khiêm tốn, cần tương đương năm ngoái, khoảng 15.000 tỷ. Về giá nước sạch, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải khẩn trương điều chỉnh giảm giá nước sạch, nhất là những nơi đang giãn cách xã hội.

 
Cần có thêm gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất 3-4%/năm, chỉ cho vay 1 đến 2 năm. Sơ bộ tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 50.000-60.000 tỷ rót từ ngân sách. Tuy nhiên, không cho vay đại trà mà tập trung những lĩnh vực khó khăn, để họ duy trì thanh khoản.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực

Bốn là, cần thiết kế riêng gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực cực kỳ khó khăn. Đó là lĩnh vực vận tải, tập trung hỗ trợ hàng không, đường sắt và trong lĩnh vực du lịch.

Năm là, cần có thêm gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất 3-4%/năm, chỉ cho vay 1 đến 2 năm. Sơ bộ tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 50.000-60.000 tỷ rót từ ngân sách. “Không cho vay đại trà mà tập trung những lĩnh vực khó khăn. Sự hỗ trợ này rất cần thiết để giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn thách thức lúc này, đặc biệt liên quan đến duy trì tính thanh khoản”, ông Lực nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần tiếp tục gia hạn những khoản hỗ trợ hiện tại. Theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, sau ngày 30/7, người nộp thuế chậm nộp giấy đề nghị sẽ không được gia hạn tiền thuế và thuê đất.

“Hiện tại đã hết thời hạn nộp hồ sơ, chắc chắn một số doanh nghiệp chưa kịp nộp. Dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, rõ ràng, phải gia hạn Nghị định 52, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này rất cần thiết vì doanh nghiệp hiện rất khó khăn trong việc thu xếp tiền nộp thuế và tiền thuê đất”, vị chuyên gia này bổ sung.

 
Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV:.
Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV:.

 “Luỹ kế thu ngân sách 7 tháng đã đạt 67,9% dự toán, thu cuối năm sẽ còn tăng. Tất nhiên, thu ngân sách còn đang thiếu bền vững, do những khoản tăng thu đột biến từ đất đai, chứng khoán. Tuy nhiên, lúc này là lúc phải chấp nhận chi lớn hơn, chấp nhận mức độ thâm hụt ngân sách lớn hơn, nhưng phải trong tầm kiểm soát. Nên nhớ rằng, trong 5 năm qua, tài khoá được củng cố tương đối tốt. Vì vậy, dư địa thực hiện chính sách tài khoá vẫn còn. Trong kinh tế học, có một thuật ngữ “tài khoá nghịch chu kỳ”. Nghĩa là, những lúc làm ăn tốt thì tích góp, còn những lúc khó khăn phải chi tiêu, tất nhiên phải hợp lý”.

 

 
PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân:.
PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân:.

"Về cơ bản, hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chưa hoàn toàn phù hợp, vì doanh nghiệp có thu nhập, nghĩa là không bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch. Với những doanh nghiệp chịu tác động mạnh, thậm chí không có lợi nhuận để nộp thuế thu nhập.

Thiết kế chính sách cần theo hướng hỗ trợ giảm chi phí, thay vì giảm doanh thu. Thay vì hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, tôi đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí khác cho doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến thu ngân sách gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi có những trọng tâm, vẫn xử lý được trong khuôn khổ về hạn hẹp của tài khoá. Ngoài ra, nếu chỉ giảm thuế, phí nhưng không tập trung cho việc hỗ trợ, vực dậy doanh nghiệp, sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách, dư địa hạn hẹp không thể hỗ trợ dài lâu được”.