16:32 16/07/2021

Thu ngân sách: Đầu năm "hồng hào", lo cuối năm "nhợt nhạt"

Ánh Tuyết

Các địa phương trọng điểm kinh tế như TP. HCM, Bình Dương... nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách cả nước trong nửa cuối năm...

Hội nghị “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Tài chính”.
Hội nghị “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Tài chính”.

Tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngày 16/7, Bộ Tài chính công bố thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

 60/63 ĐỊA PHƯƠNG ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ THU NGÂN SÁCH

Đợt tái bùng phát của dịch Covid-19 từ cuối tháng 04/2021 với biến chủng mới của virus, lây lan nhanh, khó kiểm soát. Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đợt dịch này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú,...

"Nhiều địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung đông dân cư, hoạt động sản xuất công nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp, các khu vực bị cách ly, giãn cách xã hội. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại TP. HCM và một số tỉnh đang diễn biến phức tạp", Phó Thủ tướng chỉ rõ.

 
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

"Thu ngân sách Nhà nước đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trên 52 nghìn doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với tổng số tiền được gia hạn gần 28 nghìn tỷ đồng. Qua đó, giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh".

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất Chính phủ ban hành một số chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ người dân thích ứng nhanh với đại dịch. 

Chính phủ cũng chủ động bố trí nguồn kinh phí ngân sách và huy động đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp và người dân cho các công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa, đạt trên 50%. Trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán. Có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.  

Top 10 địa phương đứng đầu về thu ngân sách 6 tháng đầu năm. (Đơn vị: tỷ đồng) Nguồn: tổng hợp từ cục thống kê, cục thuế các địa phương.
Top 10 địa phương đứng đầu về thu ngân sách 6 tháng đầu năm. (Đơn vị: tỷ đồng) Nguồn: tổng hợp từ cục thống kê, cục thuế các địa phương.

Là “đầu tàu” thu ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM cán mốc 54,42% dự toán, đạt 198.582 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 138.366 tỷ đồng, đạt 53,86% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 60.200 tỷ đồng, đạt 55,74% dự toán. Một số khoản thu tăng hơn cùng kỳ và đạt hơn 50% dự toán như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, số thu tiền sử dụng đất.

 
"Thành phố sẽ chủ động, gấp rút triển khai ngay các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhanh chóng đưa gói hỗ trợ đến tay người bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức".
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM.

Trong bối cảnh TP.HCM đang căng mình với “cuộc chiến” chống Covid, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố sẽ tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. 

Vừa thoát khỏi giai đoạn đỉnh dịch, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang 6 tháng đầu năm vẫn duy trì mức tăng tích cức, ước đạt 7.622,8 tỷ đồng, bằng 75,6% dự toán, tăng 65,4% so với cùng kỳ.

Khó khăn nhất, vào giữa tháng 5, Bắc Giang đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, thực hiện giãn cách và cách ly xã hội đối với hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá, nguy cơ bùng phát trở lại rất lớn. Các doanh nghiệp cần nhiều thời gian để phục hồi. Vì vậy, dự báo công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch tăng lên, ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách địa phương năm 2021. Để phấn đấu hoàn thành dự toán ngân sách năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 thông qua xây dựng các kịch bản thu phù hợp với thực tế.

THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẠT 58,2% DỰ TOÁN

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong đó, thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%. Thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số khoản thu chính trong thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm.
Một số khoản thu chính trong thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm.
 
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm có thặng dư, thu lớn hơn chi. Trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.

Về chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán.

Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Giải ngân vốn 6 tháng đầu năm mới đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong khi cùng kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 33,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước, 6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do các Bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán.

Đặc biệt, trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng.

Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vaccine tiêm phòng Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021. Đồng thời, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020. Quỹ vaccine đã huy động được khoảng 8 nghìn tỷ đồng.

TIỀM ẨN RỦI RO CUỐI NĂM

Mặc dù nhiều tổ chức tài chính quốc tế đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá lạc quan trong năm 2021, nhưng Bộ Tài chính lại khá thậ trọng khi nhận định, bên cạnh những thuận lợi, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức.

Đặc biệt, "tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp. Năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Áp lực lạm phát gia tăng. Rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, đời sống người dân gặp khó khăn", Bộ Tài chính chỉ rõ.

Việc ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, kết hợp với thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng, quyết định tới ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, để đạt được mức tăng trưởng cả năm 6-6,5%, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước đã đề ra.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đề xuất bốn giải pháp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.

Một là, tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép” - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Kiên quyết hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đã đề ra.

Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - ngân sách Nhà nước theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi.

Ba là, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2021; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định.

Bốn là, điều hành ngân sách Nhà nước chặt chẽ. Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm công, nhất là vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19...