08:00 03/04/2024

Cách nào để người lao động có mức lương hưu cao?

Nhật Dương

Việc quy định về trần đóng bảo hiểm xã hội để hạn chế việc chênh lệch trong thụ hưởng và bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội. Người lao động muốn được hưởng lương hưu với mức cao hơn, có thể tham gia thêm bảo hiểm hưu trí bổ sung, hoặc các hình thức bảo hiểm thương mại khác...

Người hưởng nhận lương hưu. Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam.
Người hưởng nhận lương hưu. Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam.

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, các cơ quan chức năng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.

QUY ĐỊNH MỨC TIỀN LƯƠNG ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI THẤP NHẤT, CAO NHẤT

Trong dự thảo Luật gần nhất đang đề xuất, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc, mà vẫn hưởng tiền lương, mà tiền lương bằng hoặc cao hơn mức căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thì đóng theo mức tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng theo vùng cao nhất, và cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng cao nhất do Chính phủ công bố được áp dụng tại thời điểm đóng.

Mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng theo vùng thấp nhất hiện nay là khoảng 1,625 triệu/tháng (mức lương tối thiểu vùng IV hiện nay là 3,25 triệu đồng/tháng), khá tương đồng so với mức đóng thấp nhất hiện hành đang thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Dự kiến từ ngày 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng thêm bình quân 6%, tương ứng mức tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng tùy từng vùng. Nếu được thông qua, cùng với lương tối thiểu tăng lên, từ đó mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính lương hưu cũng sẽ có sự cải thiện.

Hiện nay, phương thức thực hiện của bảo hiểm xã hội là đóng góp hằng tháng, đóng trong thời gian dài tích luỹ để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài khi về già nên cần sự ổn định, thường xuyên, liên tục.

Việc tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên quan không chỉ đến trách nhiệm của người lao động, mà cả trách nhiệm đóng góp của người sử dụng lao động, của doanh nghiệp.

ĐẢM BẢO KHẢ NĂNG CÂN ĐỐI QUỸ VỀ LÂU DÀI

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết theo nguyên lý của bảo hiểm xã hội, và thông lệ nhiều nước, bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động, thì căn cứ đóng bảo hiểm xã hội sẽ là tiền lương của người lao động.

Chi trả lương hưu. Ảnh: BHXH. 
Chi trả lương hưu. Ảnh: BHXH. 

Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng với người lao động thuộc khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động, thì căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là thu nhập do người lao động lựa chọn.

Tiền lương khu vực doanh nghiệp được Bộ luật Lao động quy định chi tiết. Trong đó, xác định rõ tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc, hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không giới hạn trần đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đề nghị tính toán lại mức đóng để người lao động có mức lương hưu được bảo đảm khi nghỉ hưu; nghiên cứu tính mức sàn đóng bảo hiểm xã hội để người lao động có lương hưu mức tối thiểu cũng phải bằng lương tối thiểu vùng ở khu vực sinh sống.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin, theo quy định hiện nay, nhất là đối với chế độ hưu trí, tử tuất của nước ta đang được các tổ chức quốc tế đánh giá là tương đối “hào phóng”.

Người lao động và người sử dụng lao động đang chỉ phải đóng có 22% mức lương vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, trong khi đó mức hưởng tối thiểu là 33,75% đối với lao động nam, và 45% đối với lao động nữ. Mức trần tối đa đều là 75%.

Việc chênh lệch đóng - hưởng càng nhiều thì khả năng cân đối quỹ sẽ là vấn đề lớn, và cần phải được tính toán thận trọng.

Chính vì vậy, để hạn chế việc chênh lệch trong thụ hưởng, cũng như bảo toàn lâu dài Quỹ Bảo hiểm xã hội, thì dự thảo Luật quy định về trần đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động có mong muốn được hưởng lương hưu với mức cao hơn, thì có thể tham gia thêm bảo hiểm hưu trí bổ sung, và có thể tham gia các hình thức bảo hiểm thương mại an sinh cho tuổi già.