Muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, cần đóng bảo hiểm xã hội trong bao lâu?
Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa người lao động có thể nhận được là 75%, song để đạt được mức này còn phụ thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm của từng người lao động...
Những thắc mắc của người lao động liên quan đến các chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội đã được các chuyên gia đến từ Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội giải đáp tại Chương trình giao lưu trực tuyến thanh niên với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngày 22/3.
Thông tin về nội dung người lao động quan tâm là cần thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu 75%, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết mức hưởng lương hưu hằng tháng được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, và được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính theo công thức sau: Mức hưởng lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính như sau: Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45%, tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%. Mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nữ cần 30 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa 75%.
Đối với lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng cũng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%, mức tối đa cũng bằng 75%. Lao động nam cần 35 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa 75%.
Theo đó, hiện nay nếu người lao động muốn được hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa 75% thì cần phải đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu, và bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 30 năm đối với nữ, và 35 năm đối với nam.
Ngoài ra, đối với người lao động hưởng lương hưu trước tuổi quy định, do suy giảm khả năng lao động thì tỷ lệ % hưởng lương hưu hằng tháng cũng sẽ được tính như trên, nhưng cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì sẽ bị giảm 2%.
Về hồ sơ hưởng lương hưu, ông Bùi Anh Tuấn thông tin, căn cứ Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Sổ bảo hiểm xã hội; quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí, hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí.
Ngoài ra, cần có biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật này, hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 của Luật.
Đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù, hồ sơ hưởng lương hưu bao gồm: Sổ bảo hiểm xã hội; đơn đề nghị hưởng lương hưu; giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù.
Đồng thời, cần có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép; quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về.
Về thời gian nhận được chế độ hưu trí, Khoản 4 Điều 110 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu, hoặc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Vì thế, người lao động có thể liên hệ cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đăng ký nhận lương hưu để biết cụ thể về lịch chi trả.