10:30 21/03/2024

Giải bài toán tăng lương hưu, cách nào?

Thu Hằng

Mục tiêu quan trọng nhất của tăng lương hưu là cải thiện đời sống cho người về hưu. Song để có nguồn tăng lương hưu ở mức cao còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đây là bài toán phải giải quyết từng bước một...

Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam.
Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa ra phương án đề xuất tăng thêm 15%. Riêng mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 29,2%, tương ứng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng; tăng trợ cấp xã hội 38,9%, tương ứng tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng.

LƯƠNG HƯU CẦN TĂNG BẰNG MỘT NỬA SO VỚI LƯƠNG CÔNG CHỨC

Tuy nhiên, mới đây khi góp ý về vấn đề này, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tính toán lại các mức điều chỉnh phù hợp hơn. Bởi nếu thực hiện theo các phương án tăng như đề xuất, thì vượt quá khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước giao đến hơn 7.400 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024.

Trong điều kiện ngân sách trung ương khó khăn, tiền bố trí cho tăng lương hưu và các khoản trợ cấp hạn chế, trong khi một số địa phương dư nguồn lực lớn cho cải cách tiền lương. Đồng thời, nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và chủ động nguồn kinh phí, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo cấp thẩm quyền, cho phép dùng nguồn tích lũy của trung ương, và tiền còn dư của địa phương sau cải cách tiền lương để chi cho các chính sách này.

Mặc dù vậy, thông tin về vấn đề điều chỉnh lương hưu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung, vẫn giữ quan điểm là việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng cải cách tiền lương của cán bộ công chức, viên chức (lương công chức, viên chức dự kiến tăng hơn 30%). Việc này để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn khi cải cách tiền lương.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Bộ này dự kiến xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu, phân chia thành 3 nhóm đối tượng.

Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hài hòa giữa khu vực công, những người đang làm việc với người nghỉ hưu; mức tương xứng hợp lý giữa những người nghỉ hưu cùng chức vụ trước và sau thời điểm ngày 1/7/2024.

Nhóm thứ hai là những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024. Đối với nhóm này, Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước, và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Riêng với những người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước, ngoài áp dụng các cơ chế của chính sách bảo hiểm xã hội, khi về hưu họ sẽ được Nhà nước đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Nhóm thứ ba là những người nghỉ hưu trước năm 1995, thì sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu của nhóm này lên cao hơn nữa. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng chính sách đặc thù, với những cơ chế tốt nhất.

CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ CÓ NGUỒN TĂNG LƯƠNG HƯU

Chia sẻ với VnEconomy, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, người từng có nhiều năm tham gia xây dựng các chính sách về an sinh, lao động cho hay trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phối hợp để tính toán lại các mức điều chỉnh tăng cho phù hợp.

“Nếu không điều chỉnh được ở mức 15% thì có thể tăng từ 12 – 13% chẳng hạn. Còn nếu tăng 8% như đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì thấp quá, bởi tiền lương công chức, viên chức tăng mấy chục phần trăm, trong khi người về hưu đời sống của họ cũng còn nhiều khó khăn”, ông Huân nói.

Người hưởng tại Hà Nội nhận lương hưu hằng tháng. Ảnh: Thu Hiền.
Người hưởng tại Hà Nội nhận lương hưu hằng tháng. Ảnh: Thu Hiền.

Thực tế, lương hưu phụ thuộc vào mức đóng. Đóng cao thì hưởng cao và ngược lại. Giải quyết vấn đề này, ông Huân cho rằng có thể tính toán để những người đang có mức lương thấp được điều chỉnh cao hơn. Còn những người có mức quá cao thì điều chỉnh thấp hơn một chút, song không có nghĩa nhóm này điều chỉnh với mức quá thấp được, vì như thế sẽ không đúng với nguyên tắc đóng – hưởng của bảo hiểm xã hội.

“Đóng cao mà cho người ta hưởng thấp thì không ổn. Như vậy, với người có mức lương thấp thì phải có cơ chế bù thêm cho họ, nâng cao đời sống lên. Còn nguyên tắc là đã đóng thấp thì mức hưởng thấp, dù đúng là người có lương hưu thấp rất khó khăn. Vì thế, vấn đề này cần có sự chia sẻ giữa những người tham gia”, ông Huân nhìn nhận.

Theo ông Huân, những người đang nhận lương hưu thấp chủ yếu là nhóm nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 trở về trước. Thời điểm đó, ngoài bản thân mặt bằng lương thấp, cộng với chế độ nâng bậc lương không thường xuyên, dẫn đến mức lương hưu rất thấp. Ngoài ra, với nhóm lao động đang đóng bảo hiểm xã hội với mức lương thấp, thì khi về hưu cũng không thế có mức lương hưu cao được.

“Hai nhóm này phải chú ý đến đời sống của họ hơn một chút để có hỗ trợ thêm. Chẳng hạn nếu mức điều chỉnh chung là 8%, thì nhóm này phải tăng lên 10%”, ông Huân ví dụ.

Theo chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất của tăng lương hưu là cải thiện đời sống cho người về hưu. Nhưng cải thiện mức lương hưu còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, ở góc độ vĩ mô là việc làm sao để Quỹ Bảo hiểm xã hội đầu tư sinh lời được nhiều hơn, nền kinh tế tăng trưởng, ngân sách quốc dân tốt hơn. Như thế mới có điều kiện tăng lương hưu cho mọi người dân.

“Nguồn cải cách tăng lương lương hưu để đảm bảo đời sống cho người về hưu là cả một quá trình và phụ thuộc vào nền kinh tế của đất nước. Chúng ta đều biết và chia sẻ việc cần tăng lương hưu ở mức cao hơn. Song vấn đề quan trọng là cần có nguồn. Đây là bài toán phải giải quyết từng bước. Bởi thực tế đã rõ nhưng không có nghĩa là giải quyết được ngay”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để tiến tới giảm sự chênh lệch lương hưu giữa người lao động ở khu vực công và khu vực doanh nghiệp, ông Huân cho rằng cần có lộ trình thực hiện dần việc tính tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, làm căn cứ điều chỉnh lương hưu ở khu vực công là toàn bộ thời gian, thay vì chỉ tính một số năm cuối trước khi nghỉ hưu như hiện hành.

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện nay cũng đã đưa ra lộ trình với những người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi, thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

“Khi cải cách tiền lương lần này thì tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên. Tuy nhiên, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội ở khu vực nhà nước là một quá trình có tính lịch sử nên cần điều chỉnh dần rồi mới tiến tới tính toàn bộ thời gian đóng, dần hướng tới bình đẳng hơn giữa người hưởng lương hưu ở khu vực nhà nước và tư nhân”, Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói thêm.