Ông đánh giá thế nào về những giải pháp bình ổn thị trường vàng mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong thời gian qua?
Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), Ngân hàng Nhà nước là đơn vị độc quyền trong việc nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng SJC. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất thêm vàng miếng SJC, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung ứng vàng miếng SJC trên thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Do đó, để giảm chênh lệch về giá vàng, tôi cho rằng việc nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất thêm vàng miếng SJC là cần thiết.
Sự chênh lệch cung - cầu không lớn đến mức khiến giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 20 triệu đồng/lượng. Việc Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất thêm vàng miếng SJC trong 10 năm qua chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. Không thể loại trừ khả năng có hiện tượng thao túng trên thị trường vàng. Trên thực tế, luôn có một lượng vàng nhập khẩu lậu mỗi năm, tình trạng giới đầu cơ làm giá gây hỗn loạn thị trường vàng trong nước vẫn diễn ra.
Để tăng tính cạnh tranh, giảm mức độ độc quyền nhóm trên thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép một số ngân hàng thương mại được phép kinh doanh vàng miếng. Đến nay, giá vàng miếng SJC được bán ra giữ nguyên ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch với giá vàng thế giới giảm sâu sau khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng với giá chỉ định cho Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank và hệ thống của Công ty SJC thay vì đấu thầu như trước.
Tuy nhiên, người dân vẫn phản ánh việc đặt mua trực tuyến gặp khó khăn cùng lượng bán nhỏ giọt, còn các cửa hàng kinh doanh vàng lớn ngừng bán vàng miếng, khiến nhu cầu mua vàng của người dân không được đáp ứng. Như vậy, thị trường vàng dần bình ổn, giá vàng đang “lặng sóng”, song việc quản lý thị trường vàng còn nhiều việc cần phải làm.
Chính phủ từng đặt cho Ngân hàng Nhà nước một bài toán từ rất lâu, đó là huy động vàng trong dân để phát triển kinh tế, nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Điều gì xảy ra nếu cứ tiếp tục nhập khẩu tăng cung vàng, thưa ông?
Một trong những mục tiêu chủ đạo của Nghị định 24 là chống vàng hóa. Lý do chính là việc tài sản “chôn” trong vàng không tạo ra giá trị gia tăng, GDP cho nền kinh tế. Sự phát triển của thị trường vàng, một mặt, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, vì Việt Nam vẫn là nước đang phát triển và thiếu vốn cho đầu tư, sản xuất; mặt khác, khi các giao dịch mua, bán vàng mang tính đầu cơ đạt quy mô lớn, việc điều hành lãi suất, tỷ giá sẽ khó khăn hơn, khi dòng tiền luôn luân chuyển giữa các thị trường.
Giải pháp chính để đạt được mục tiêu này là cho phép Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng SJC. Với chính sách này, việc nhập khẩu vàng của khu vực tư nhân không được khuyến khích và bị hạn chế, vì không thể tự do chuyển đổi vàng nhập lậu sang vàng SJC và giao dịch hợp pháp trên thị trường.
Trong 10 năm qua, chính sách này đã có tác dụng hạn chế dòng tiền chảy vào thị trường vàng, khi số lượng vàng miếng SJC trên thị trường có hạn. Tuy nhiên, do lượng cung vàng miếng hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gia tăng và khi đạt mức cao đã khuyến khích nhập khẩu vàng lậu.
Với việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân, chênh lệch giá vàng đã giảm. Tuy nhiên, việc số lượng vàng miếng trên thị trường gia tăng đồng nghĩa với việc nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ ít đi.
Về việc huy động vàng trong dân, đây là bài toán lâu dài. Việc nắm giữ vàng mặc dù không tạo ra GDP cho nền kinh tế, nhưng vẫn đem lại lợi nhuận nhất định cho người nắm giữ. Vàng cũng là công cụ phòng ngừa truyền thống đối với các rủi ro liên quan đến chiến tranh, bất ổn về chính trị, kinh tế, Nhà nước không thể cấm người dân mua và nắm giữ vàng.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai bán vàng bình ổn đến khi nào?
Ngân hàng Nhà nước không thể bán vàng bình ổn giá kéo dài do nguồn lực hạn chế. Hiện nay, do công suất có hạn nên công ty SJC cũng không thể đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường. Điều Ngân hàng Nhà nước có thể làm là không để chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức quá cao, tức là bình ổn mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, thông qua việc bán vàng miếng SJC ra thị trường.
Khi lượng vàng SJC trên thị trường ngày càng tăng qua thời gian, hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng (trực tiếp và trực tuyến) sẽ giảm, đến một thời điểm nào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng bán vàng miếng SJC ra thị trường. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng theo quy luật cung cầu của thị trường, giá vàng trong nước sẽ luôn biến động theo giá vàng thế giới, mặc dù có thể có độ trễ nhất định.
Mặt khác, việc bình ổn chênh lệch giá vàng chắc chắn sẽ dẫn đến hao hụt quỹ dự trữ ngoại hối trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, chính sách bán vàng ra thị trường sẽ khiến giảm quy mô nhập khẩu vàng lậu và Ngân hàng Nhà nước có thể mua được thêm ngoại tệ trên thị trường để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép công ty SJC sản xuất vàng miếng SJC từ các nguồn vàng miếng khác trong nước để tăng cung mà không cần phải nhập thêm vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, giải pháp này đồng nghĩa với việc hợp thức hóa các nguồn vàng nhập lậu trước đây và cũng chỉ có tác dụng trong trung hạn, bởi trong dài hạn, nhu cầu về vàng sẽ gia tăng cùng với tăng trưởng GDP, còn Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng. Do đó, để duy trì chênh lệch giá vàng ở mức không quá lớn, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu nhất định.
Nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn trong quản lý thị trường vàng thay vì những giải pháp mang tính xử lý tình thế vừa qua. Theo ông, chính sách quản lý thị trường vàng cần điều chỉnh theo hướng nào?
Tôi cho rằng chống “vàng hóa” vẫn nên là quan điểm chủ đạo trong việc quản lý thị trường vàng. Vì vậy, chính sách của Nhà nước không nên khuyến khích thị trường vàng phát triển, mà cần hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra GDP. Ngân hàng Nhà nước vẫn nên độc quyền trong việc nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng SJC nhằm hạn chế nhập khẩu tràn lan, nhà điều hành chỉ thực hiện can thiệp khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể cho phép các ngân hàng thương mại kinh doanh vàng miếng SJC để tăng tính cạnh tranh, ngăn ngừa lũng đoạn trên thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên đánh thuế đối với mỗi giao dịch mua, bán vàng, đồng thời quy định việc mua bán vàng phải thực hiện theo phương thức không dùng tiền mặt.
Giống như đầu tư vào các kênh khác phải chịu thuế thu nhập cá nhân, tôi cho rằng Nhà nước có thể đánh thuế đối với mỗi giao dịch mua, bán vàng. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có tác động chủ yếu đến các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn.
Đối với các nhà đầu tư dài hạn, mức thuế suất có thể không nhiều, nếu so sánh với lợi nhuận thu được trong nhiều năm nắm giữ. Tuy nhiên, việc đánh thuế đối với lợi nhuận thu được từ việc đầu tư vàng có lẽ khó áp dụng, vì các giao dịch vàng hiện nay được thực hiện trên thị trường phi tập trung nên khó tính toán và kiểm soát mức lợi nhuận chịu thuế.
Theo ông, mặt trái của việc đánh thuế giao dịch vàng là gì?
Nếu mức thuế quá cao, khả năng các giao dịch mua, bán chui sẽ nhiều. Tuy nhiên, do việc mua, bán chui phải chịu những rủi ro về mặt pháp lý nên nếu mức thuế hợp lý, người dân sẽ sẵn sàng chấp nhận.
Hơn nữa, mục đích của việc mua, bán vàng là tìm kiếm lợi nhuận nên người dân sẽ không vì việc bị áp thuế đối với các giao dịch mà không hiện thực hóa lợi nhuận thu được. Tất nhiên, việc đánh thuế sẽ khiến giá vàng trong nước cao hơn, nới thêm khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Ngành thuế đang ráo riết bắt buộc xuất hóa đơn điện tử khi mua bán vàng sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc quản lý thị trường vàng, thưa ông?
Việc bắt buộc các đơn vị kinh doanh vàng xuất hóa đơn điện tử rõ ràng là cần thiết để quản lý hiệu quả hơn đối với các giao dịch mua, bán vàng, từ đó tạo tiền đề cho việc đánh thuế và thu thuế cũng như hạn chế vàng lậu. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ khó ngăn cản các giao dịch vàng lậu, nếu việc thanh toán vẫn sử dụng tiền mặt.
Hơn nữa, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, cần tăng cường phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương để kiểm soát ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng; đồng thời, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi nhập lậu vàng, hành vi mua, bán vàng trái pháp luật.
Có ý kiến cho rằng cần lập Sở hoặc Sàn giao dịch vàng quốc gia, cơ quan này do các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ vốn và duy nhất được phép xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu về để bán trên sàn, các doanh nghiệp tư nhân lên sàn đó mua bán. Ông nghĩ sao về đề xuất này và cần giải pháp gì để quản lý thị trường vàng hiệu quả?
Đúng là kinh doanh vàng phi vật chất qua tài khoản tại các sàn giao dịch vàng là hình thức kinh doanh phù hợp với xu hướng quốc tế, làm giảm nhu cầu kinh doanh vàng vật chất và tạo một kênh lưu thông hiệu quả giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới. Việc thực hiện giao dịch vàng thông qua một cơ chế tập trung sẽ khiến thị trường vàng trở nên công khai, minh bạch và hiệu quả hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý rằng sự thuận tiện này sẽ thúc đẩy các giao dịch mua, bán vàng phát triển mạnh hơn và tiền chảy vào các giao dịch mua đi, bán lại mang tính đầu cơ cũng sẽ nhiều hơn. Một khối lượng vốn lớn sẽ được rút ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các giao dịch kinh doanh vàng trên sàn vàng. Điều này đem lại lợi nhuận cho các đơn vị kinh doanh vàng (khi khối lượng giao dịch tăng) nhưng không có lợi cho nền kinh tế, xét từ góc độ sản xuất tạo ra giá trị gia tăng.
VnEconomy 17/07/2024 09:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2024, phát hành ngày 15/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam