14:29 07/12/2024

Cần tăng tỷ trọng chế biến để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả

Chương Phượng

Trong ngành rau quả, chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm. Số còn lại rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, khiến tổn thất sau thu hoạch của ngành rau quả còn quá cao, tới trên 20% trong tổng sản lượng,,,

Cam cao phong là cây ăn quả có diện tích lớn.
Cam cao phong là cây ăn quả có diện tích lớn.

Chiều 6/12/2024, tại Hoà Bình, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.

Theo Cục Trồng trọt, năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc có 1.269,4 ngàn ha, sản lượng đạt 13.887,3 ngàn tấn. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có diện tích cây ăn quả lớn nhất cả nước (chiếm 31,8%), tiếp đến là vùng trung du miền núi phía Bắc (chiếm 21,4%). Chủng loại cây ăn quả đa dạng, phong phú; trong đó chuối có diện tích lớn nhất (chiếm 12,72% tổng diện tích), sầu riêng xếp ngay phía sau.

ĐÃ MỞ CỬA CHÍNH NGẠCH TẠI NHIỀU THỊ TRƯỜNG

Đề cập về xuất khẩu, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết trái cây của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; đặc biệt là các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Trung Quốc… Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD. Trong 11 tháng của năm 2024, xuất khẩu rau quả đem về 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài.

Dự kiến, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 có thể đạt tới 7,2 tỷ USD; trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm các loại quả có thể đạt tới trên 6,5 USD. Các tỉnh phía Bắc, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, mận và đào…

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Theo ông Hoà, hiện Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật I (Cục Bảo vệ thực vật), thông tin đến thời điểm này có 6 thị trường chính đã mở cửa cho cây ăn quả Việt Nam, nhiều nhất là Trung Quốc, kế đó là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

"Tin vui cho những người sản xuất, dự kiến trong năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, ổi, chanh và mít đã được Cục Bảo vệ thực vật gửi hồ sơ mở cửa thị trường cho phía bạn. Ngoài ra, quả vải cũng đang hoàn tất hồ sơ để sang Hàn Quốc”.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật I (Cục Bảo vệ thực vật).

Quy định chung về kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm ở thị trường xuất khẩu gồm: phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu; không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm; đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô hàng xuất khẩu; đóng gói, dán nhãn đáp ứng yêu cầu của các thị trường; kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cảng đến.

Ngoài ra, mỗi thị trường lại có yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn, Hoa Kỳ cấm các loại sinh vật gây hại trên bưởi như ruồi đục quả, sâu đục quả, một số loại nấm. Trong khi đó, New Zealand lại cấm thêm rầy chổng cánh, rệp sáp, bọ trĩ, nhện đỏ...

Ông Chiến cho hay Hàn Quốc cũng là thị trường đã mở cửa với quả bưởi, lại yêu cầu cơ sở xử lý hơi nước nóng phải đặt trong cơ sở đóng gói và được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt. Việc xử lý phải được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam.

Với thị trường EU, nơi có yêu cầu khắt khe bậc nhất thế giới, lại không cần đánh giá nguy cơ dịch hại và không cần có phê duyệt chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của phía EU trước khi xuất khẩu sang EU.

Tuy nhiên, EU yêu cầu cây có múi phải được xử lý bằng dung dịch Calcium Hypochlorid hoặc Sodium hypochlorid (nồng độ 200ppm, thời gian tối thiểu 2 phút) tại các cơ sở xử lý được phép hành nghề do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Nói thêm về thị trường xuất khẩu trọng điểm Trung Quốc, ông Chiến thông tin, chỉ được xuất khẩu qua một số cửa khẩu được chỉ định. Cùng với đó, bao bì đóng gói phải sạch sẽ, chưa qua sử dụng. Mỗi hộp đóng gói và phải được dán bằng chữ tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh theo quy định.

CHẾ BIẾN LÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU

Chế biến là giải pháp vừa nâng cao giá trị lợi nhuận cho trái cây, vừa giúp cho nông sản này tránh được tình trạng rớt giá khi mùa thu hoạch rộ. PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho biết Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ nhỏ.

"Tuy nhiên, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm. Số còn lại rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi đó, tổn thất sau thu hoạch của ngành rau quả còn quá cao, tới trên 20%", ông Tuấn nói.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn: "Tổn thất sau thu hoạch của ngành rau quả còn quá cao, tới trên 20%".
PGS.TS Phạm Anh Tuấn: "Tổn thất sau thu hoạch của ngành rau quả còn quá cao, tới trên 20%".

Theo ông Tuấn, hiện nay, một số công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong sơ chế bảo quản rau quả tươi như: công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng kỹ thuật CA; công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng kỹ thuật bao gói MAP; công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng chế phẩm tạo màng; công nghệ giấm chín quả bằng khí Ethylene.

Công nghệ tiên tiến ứng dụng trong chế biến rau quả dạng khô (sấy/chiên) như: công nghệ sấy bơm nhiệt, quy mô 2 - 3 tấn/modul; công nghệ sấy thăng hoa; công nghệ và thiết bị chiên chân không liên tục.

Công nghệ chế biến rau quả lạnh đông như: công nghệ cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng (liquid freezer). Công nghệ tiên tiến ứng dụng trong chế biến nước ép/puree trái cây như: hệ thống thiết bị chế biến Puree chuối, năng suất 2 tấn/h; công nghệ và hoàn thiện thiết bị chế biến một số sản phẩm có giá trị gia tăng từ quả dưa hấu.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng trong việc lựa chọn công nghệ và thiết bị, xây dựng nhà xưởng sơ chế bảo quản, chế biến rau quả cần lưu ý: xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu. Các doanh nghiệp cần lựa chọn nhà tư vấn công nghệ, thiết bị, thiết kế xây dựng nhà xưởng đáp ứng yêu cầu thị trường; đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị; sản xuất thử, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thiết bị; đăng ký chất lượng và thương mại hóa sản phẩm.

"Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm rau quả chế biến sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ở các nước trở nên vô cùng quan trọng", ông Tuấn khuyến cáo.