CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 1

“Mùa đông gọi vốn” đã và đang khiến nhiều startup gặp thách thức khi muốn thuyết phục các nhà đầu tư “rót tiền”. Trong bối cảnh này, BuyMed, đơn vị phát triển nền tảng thuocsi.vn, đã khiến thị trường startup như được tiếp thêm năng lượng tích cực khi công bố gọi vốn thành công 51,5 triệu USD. Cộng với các vòng gọi vốn trước đó, tổng số vốn mà BuyMed đã huy động được là 64,5 triệu USD.

Đâu là lí do khiến BuyMed có thể thu hút nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay? Hành trình khởi nghiệp cũng như các kế hoạch phát triển của startup này có gì đặc biệt? Seal the Deals đã chào đón anh Hoàng Nguyễn, đồng sáng lập, CEO BuyMed, để cùng giải đáp những câu hỏi này.

CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 2

Được biết mới đây BuyMed đã hoàn thành vòng gọi vốn series B trị giá hơn 51 triệu USD. Trong bối cảnh mùa đông gọi vốn, anh có thể chia sẻ điểm mấu chốt nào giúp BuyMed thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền một số vốn lớn như vậy?

Thực ra, trước đó, số vốn mà BuyMed gọi được rất ít, chia làm 3-4 vòng. Tới vòng này, nhận thấy tiềm năng lớn hơn của thị trường, chúng tôi có nhiều kế hoạch hơn và muốn làm nhiều thứ hơn nữa. Vì vậy, BuyMed cần nguồn tài chính mạnh hơn. Theo tôi, điểm thu hút của BuyMed với nhà đầu tư có thể chính là mô hình của BuyMed phù hợp với thị trường.

Khi gọi vốn, trước hết, startup phải cho các nhà đầu tư thấy được giá trị của chính mình. Giá trị đó bộc lộ rất rõ ràng trong mô hình của BuyMed. Ngày xưa, nhà thuốc mất khoảng chừng một tuần mới lấy được thuốc. Bây giờ, chúng tôi chỉ mất vài ngày.

Bên cạnh đó, những nhà thuốc ở vùng sâu vùng xa không có khả năng tiếp cận nhiều loại thuốc, BuyMed có thể giúp họ. Mô hình đúng và cách vận hành hiệu quả, không tốn quá nhiều tiền, nhưng vẫn đạt kết quả lớn. Không phải chỉ ở Việt Nam, hiện tại BuyMed là công ty dược phẩm B2B lớn nhất Đông Nam Á, nếu so về doanh thu và quy mô, điều đó cũng đã thu hút các nhà đầu tư.

Bản thân ngành này luôn mang tính xã hội rất cao. Chính vì vậy, BuyMed đang phát huy trách nhiệm xã hội của mình. Các nhà đầu tư chú trọng mạnh vào yếu tố xã hội. Tôi nghĩ BuyMed hội tụ cả khả năng tài chính lẫn trách nhiệm xã hội. Những giá trị này của BuyMed là những điểm khởi đầu, chặng đường phía trước còn rất nhiều việc phải làm.

CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 3

BuyMed dự định sẽ sử dụng số tiền vừa gọi vốn được như thế nào?

Chúng tôi có rất nhiều dự định. Thực ra, những bài toán mà BuyMed muốn giải thì ai cũng muốn giải. Ví dụ như làm sao để mọi người tiếp cận thuốc một cách đơn giản, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách đơn giản. Tại Việt Nam, rất dễ thấy cảnh người dân ở quê lên các bệnh viện lớn tại Hà Nội hay Sài Gòn, nằm ngồi la liệt để chờ thuốc, chờ khám bệnh. Chúng ta đang thiếu lớp chăm sóc sơ cấp và một trong những mong muốn của BuyMed là biến những nhà thuốc thành các lớp chăm sóc sơ cấp.

Như vậy, nhà thuốc sẽ không chỉ là nơi mua bán thuốc mà là còn là nơi là chăm sóc bệnh nhân. Cách sơ cấp giống như những trung tâm chăm sóc y tế xã, phường. Nhà thuốc tư nhân có thể phối hợp làm những công tác như khám bệnh từ xa, các xét nghiệm đơn giản. Nếu bây giờ thuocsi.vn chỉ cung cấp sản phẩm cho các nhà thuốc, trong tương lai, chúng tôi muốn tiến thêm một bước nữa, đó là chuyển đổi số để các nhà thuốc không chỉ bán thuốc mà còn có thể cung cấp những dịch vụ khác, giống như một hệ sinh thái.

Các vấn đề về y tế, sức khỏe liên quan đến nhiều thành phần. Ví dụ, chúng ta đi khám bệnh thì phải có bác sĩ, phải có máy móc, có bệnh viện và khám xong phải uống thuốc, theo dõi…. Nghĩa là có nhiều thành phần liên quan và mỗi phần lại chịu trách nhiệm từ các đơn vị khác nhau. Vì vậy, nếu muốn giải quyết một cách tổng thể, nên có một công ty kết nối tất cả những thành phần này.

CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 4

BuyMed đang xây dựng một hệ sinh thái có thể nói là toàn diện cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đây là bài toán tương đối khó và sẽ không nhiều các nhà sáng lập startup lựa chọn để giải. Động lực nào giúp các nhà sáng lập BuyMed quyết tâm theo đuổi con đường này?

Thật ra tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu làm được điều này thì sẽ tạo ra rất nhiều giá trị. Đó là một động lực đủ lớn để đưa tất cả mọi người lại cùng giải bài toán này. Có rất nhiều vấn đề tồn đọng trong ngành y tế từ nhiều năm qua, chẳng hạn như quá tải bệnh viện. Vì vậy, chúng tôi muốn đi tìm một giải pháp giải quyết những vấn đề này. Và chắc chắn, sẽ không chỉ tốn 3-5 năm, điều này đòi hỏi thời gian đến mười mấy năm.

Chúng tôi cũng đang cố gắng giải từng phần của bài toán. Việc đưa thành công thuốc tới các nhà thuốc cũng là thành công đầu tiên trong nỗ lực này. BuyMed phải chia thành các bước và cũng không ảo tưởng có thể giải quyết được luôn vì có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết để xây dựng một hệ sinh thái toàn diện.

CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 5

Những dấu mốc nào trong quá trình phát triển hệ sinh thái của BuyMed khiến các nhà sáng lập tự tin đang đi đúng hướng?

Một doanh nghiệp đi đúng hướng là khi doanh nghiệp đó tiếp tục tăng trưởng, có nhiều khách hàng hơn, có nhiều sản phẩm hơn và có nhiều cơ hội làm những việc khác. Đó chính là đang đi đúng hướng. Hơn hết, BuyMed hầu như không thay đổi định hướng mà ở trong giới startup, người ta gọi là “chuyển hướng”. Tức là nếu làm cái này không được thì chuyển sang cái khác. BuyMed luôn nỗ lực để thực hiện điều mình đặt ra.

Nói về cột mốc, theo tôi nghĩ, startup cứ tăng trưởng đã là một cột mốc. Hay nhiều khách hàng hài lòng hơn, họ giới thiệu cho nhiều người quen biết, thì đấy cũng là những điểm quan trọng của startup. Về các mốc thời gian quyết định sự tăng trưởng, BuyMed có khá nhiều.

Chẳng hạn, từ tháng 6/2019, hoạt động kinh doanh của BuyMed bắt đầu đi lên mặc dù trước đó không ai biết đến BuyMed. Chúng tôi bắt đầu biết cách một nhà thuốc đặt hàng như thế nào, và xây dựng website. Khi có một cơ chế giúp mọi người đặt hàng nhanh hơn, BuyMed dần vụt lớn lên. Cũng lúc này, nhiều vấn đề xảy ra như thiếu nguồn hàng, nhân công, và thiếu tiền…  Phải đến giữa năm 2021, hoạt động của BuyMed mới bắt đầu ổn định.

Trong thời gian Covid-19, thuốc là mặt hàng cả xã hội cần, nhưng vì lo sợ “dính Covid”, các nhà cung cấp thuốc khác đóng cửa. Tôi nghĩ, ở thời điểm đó, nếu mình không làm thì công ty không nên tồn tại. Lúc đó, mọi hoạt động rất khó khăn. Kho hàng ở TP. HCM đóng cửa vì dịch, nên chỉ có thể lấy hàng từ kho Hà Nội để chuyển cho 63 tỉnh thành. Và khi thuốc được trung chuyển qua mỗi trạm, mỗi xe hàng, chúng tôi đều phải gọi điện để xử lý. Nói chung, để đảm bảo vận hành và giao hàng thời điểm đó rất là cực. Trong khi đó, số lượng người nhiễm Covid tăng cao, và nhân viên của chúng tôi cũng nhiễm Covid nữa. Tuy nhiên, đó cũng là lúc rất nhiều nhà thuốc bắt đầu biết đến thuốc sỉ. Cũng trong khoảng thời gian đó, chúng tôi đã mở rộng thêm các hoạt động của BuyMed ra nước ngoài.

CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 6

Bức tranh thị trường phân phối dược phẩm và chăm sóc sức khỏe ở thời điểm BuyMed ra đời và thời điểm hiện tại có khác biệt gì lớn nhất? Chiến lược kinh doanh của BuyMed đã thay đổi như thế nào so với sự thay đổi của thị trường?

Hồi 2018, mọi thứ hầu như đều offline, đa số tồn tại dưới dạng chợ sỉ và phân phối truyền thống. Nếu muốn đặt hàng sẽ phải gọi điện, có người nhận đơn rồi báo giá…. Nhưng bây giờ đã khác, mọi người quen với thương mại điện tử. Đó là một thay đổi lớn. BuyMed đã để lại dấu ấn trên thị trường bằng việc theo đuổi “concept” (mô hình) đưa thương mại điện tử vào ngành dược.

BuyMed muốn ứng dụng nhanh công nghệ thông tin và chuyển đổi số. BuyMed trước giờ chỉ giải hai bài toán thôi, đó là biết thuốc đó nằm ở đâu và di chuyển thuốc đó tới nơi có người cần. Muốn biết thuốc ở đâu thì chỉ có cách làm online chứ offline thì lâu lắm. Online chỉ cần nhấn là biết thuốc đó ở đâu rồi. Việc biết thuốc ở đâu rất quan trọng với một thị trường mới nổi như Việt Nam, bởi họ thường không biết “cung và cầu” đang nằm ở đâu. Vì vậy, bài toán đầu tiên là phải đưa mọi người lên online, để người mua biết người bán đang có thuốc này và họ sẽ nhanh chóng kết nối với nhau.

Được biết BuyMed muốn tạo ra một “cuộc cách mạng” để đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe tới mức giá cả dễ tiếp cận hơn không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở Đông Nam Á hay Châu Á. Vậy tới hiện tại, mô hình kinh doanh của BuyMed đã giúp giảm chi phí phân phối thuốc và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cụ thể như thế nào?

Hiện tại bài toán của mình đang xoay quanh về thuốc, sắp tới sẽ chú trọng nhiều hơn đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe. So với cách phân phối thuốc truyền thống thì cách hoạt động của BuyMed có thể giúp giảm tới 50% chi phí. Về phía các nhà thuốc, mình nghĩ trung bình họ có thể tiết kiệm được từ 5-10% chi phí, từ đó người tiêu dùng có thể mua được với giá rẻ hơn.

CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 7

Trong các cuộc cách mạng làm thay đổi thị trường, chúng ta luôn có những nhân tố hỗ trợ, nhưng chắc hẳn sẽ có những phản đối từ những đơn vị truyền thống. BuyMed có gặp phải những thách thức như vậy?

Đó là thách thức mỗi ngày mà chúng tôi đối mặt, là làm sao để thay đổi những cách làm bình thường. Cái này cũng 50/50, có một nửa là người ta bảo thủ, nhưng cũng có những người là do không biết làm. Ví dụ như khi dùng TikTok hay Facebook, mình nghĩ mua hàng online rất đơn giản, ấn vài thao tác là xong.

Nhưng kho thuốc sỉ hoạt động trong ngành truyền thống, đối tượng khách hàng có người ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nên nhiều khi đó là lần đầu tiên họ mua sắm online. Hoặc đối với nhà sản xuất, vốn đã quen với dây chuyền cũ làm lần lượt các công đoạn, họ sẽ không quen với việc chuyển sang thương mại điện tử. Những việc làm đó không có trong từ điển của họ. Qua đó mình phải hướng dẫn rất nhiều và tạo ra các tính năng thân thiện. Ví dụ như thuốc sỉ có một tính năng mà giúp các nhà thuốc thao tác lên đơn và chọn thuốc còn nhanh hơn cả viết tay. Chúng tôi giúp các nhà thuốc hiểu rằng công nghệ thông tin sẽ giúp họ tiết kiệm được chi phí.

CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 8

Đứng ở góc độ của người tiêu dùng thì một trong những vấn nạn đáng lo ngại nhất là sợ mua phải thuốc giả. Vậy BuyMed sẽ giải bài toán này như thế nào?

BuyMed là sự kết hợp của 3 công ty, 1 là công ty công nghệ có rất nhiều kỹ sư, 1 công ty về y tế có nhiều dược sĩ làm việc và 1 công ty vận hành chuỗi cung ứng. Đi qua một quy trình kiểm soát nghiêm ngặt như vậy, thuốc giả khó có thể lọt vào, nhưng nếu chẳng may lọt vào, vẫn có thể phát hiện và ngăn chặn ngay. Một trong những sáng kiến của chúng tôi là QR Code. Theo đó, thuốc đi qua kho thuốc sỉ đều phải có QR Code và thông qua đó sẽ biết thuốc này mua ở đâu, mua lúc nào, mua của ai... Nếu xảy ra tình trạng thuốc giả vô tình lọt vào, mình có thể tra ngược lại. Rất khó để đảm bảo 100% nhưng mình vẫn có cái để nhận diện, tra cứu.

BuyMed có kế hoạch phát triển ra các thị trường khác ngoài Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?

BuyMed đã ở Campuchia được 1 năm. Nói sơ qua về các thị trường khác thì tình hình cũng tương tự, vấn đề cung cầu thuốc vẫn chưa kết nối với nhau, không được ứng dụng công nghệ thông tin nhiều. Nói ra có thể mọi người sẽ thấy hơi bất ngờ nhưng BuyMed không chỉ là người đi đầu về thương mại điện tử trong ngành dược phẩm ở Việt Nam mà còn ở cả Đông Nam Á nữa. Điều này cũng giúp kết hợp phục vụ nhiều nhà sản xuất, bởi có tới 50% là thuốc nước ngoài. Ra nước ngoài mình sẽ thấy một số vấn đề đang nổi cộm mà đôi khi ở Việt Nam không thấy, mình có thể xem và mang cái giải pháp đó về Việt Nam.

CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 9

Theo anh, BuyMed hiện tại đang có điểm nào chưa làm được như kỳ vọng của các nhà sáng lập và trong thời gian tới công ty sẽ khắc phục những điểm chưa được như kỳ vọng đó ra sao?

BuyMed luôn muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, muốn có nhiều sản phẩm hơn, giao nhanh hơn, giá tốt hơn, giao được rộng hơn, xa hơn nữa nhưng vẫn đang có cản trở. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang muốn tìm ra được các giải pháp tối ưu hơn nên trong thời gian tới sẽ cố gắng tìm cách khắc phục.

Nhắc đến thương hiệu BuyMed, anh mong muốn hình ảnh hay thông điệp gì sẽ đọng lại nhiều nhất đối với các đối tác và khách hàng?

BuyMed sẽ cố gắng xây dựng một nền tảng mà mọi người có thể tích hợp dịch vụ của họ vào. Chúng tôi sẽ làm những việc thiên về hạ tầng, chẳng hạn như kho bãi, logistics hay kể cả nhà thuốc. Giả sử đối tác có dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, hãy gắn nó vào BuyMed. Nghĩa là, mọi người cứ tích hợp dịch vụ của họ vào và BuyMed sẽ đóng vai trò như một nền tảng. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với mọi người để cuối cùng ai ai cũng có thể tiếp cận được thuốc. Tôi mong rằng, 5 năm sau, khi mọi người cần thuốc, hẹn gặp bác sĩ, bảo hiểm,... họ có thể nhớ đến thương hiệu BuyMed. Đó là cái BuyMed muốn làm.

CEO BuyMed: “Không dám ảo tưởng… và trước giờ chỉ giải hai bài toán” - Ảnh 10

VnEconomy 10/08/2023 09:00