06:00 27/06/2021

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Những chiếc bút mang hoài bão con người

Phương Thảo

Sau khi phát sóng tập 4 của Shark Tank Việt Nam 2021, nữ doanh nhân khởi nghiệp 32 tuổi này thu hút sự chú ý lớn không chỉ bởi biểu hiện xuất sắc, gọi vốn thành công, mà bởi chính sản phẩm mà cô giới thiệu...

Founder kiêm CEO Tôn Nữ Xuân Quyên, Công ty TNHH BLUSaigon.
Founder kiêm CEO Tôn Nữ Xuân Quyên, Công ty TNHH BLUSaigon.

Đó là những chiếc bút ngọc trai tinh xảo được làm thủ công, có giá dao động từ 1,2 - 20 triệu đồng/chiếc của Công ty TNHH BLUSaigon. Bên cạnh đó là đồ trang sức, đồ trang trí, khung tranh... bằng các loại vỏ sò, vỏ ốc.

Founder kiêm CEO Tôn Nữ Xuân Quyên cho biết: bút ngọc trai có tiềm năng trở thành sản phẩm quà tặng quốc gia, cũng như khả năng mang lại lợi nhuận cao với thị trường lên tới 400 tỷ USD cùng lợi nhuận lên tới 400 triệu USD mỗi năm. 

BẰNG CẤP VÀ KHỞI NGHIỆP

Đi du học Mỹ và trở về với tấm bằng loại ưu chuyên ngành tài chính, lần đầu khởi nghiệp với Quyên có khó không?

Bản thân tôi nghĩ rằng, với khởi nghiệp thì chúng ta có chuẩn bị trước bao nhiêu cũng không đủ. Chỉ có vừa làm vừa học hỏi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ những thất bại, càng thất bại càng nhiều thì học hỏi càng nhanh, miễn là đừng lặp lại thất bại là được… Lần đầu, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi có thực hiện một dự án nhỏ kéo dài 6 tháng, chắc chưa đủ để gọi là khởi nghiệp.

Còn lần khởi nghiệp chính thức của tôi là một dự án trong lĩnh vực thực phẩm, tôi đã vất vả “gồng lỗ” suốt 7 năm. Tuy cuối cùng tôi cũng bán lại được dự án, nhưng với giá tiền thấp hơn nhiều so với tiền vốn và công sức bỏ ra, nên cũng coi như thất bại. Tôi nghĩ lý do là bởi tấm bằng loại ưu đã khiến cho tôi chủ quan, tôi nghĩ kiến thức mình đủ rồi, nhưng hóa ra tôi vừa thiếu thông tin, thiếu mối quan hệ, thiếu kinh nghiệm... Thương trường quá khủng khiếp, thực tế là bằng cấp không liên quan quá nhiều đến trải nghiệm đời thực. 

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Những chiếc bút mang hoài bão con người - Ảnh 1CEO Tôn Nữ Xuân Quyên.

Tôi hoàn toàn không muốn nhắc đến việc Quyên là con gái của "ông vua nút áo" Tôn Thạnh Nghĩa, nhưng sự thực là ở lần khởi nghiệp thứ 2, Quyên buộc phải quay về với sở trường của gia đình: những sản phẩm khảm trai. Quyên nghĩ gì về điều này?

Ngay khi học xong, tôi đã biết trước sau gì ba mẹ sẽ muốn tôi về làm việc cho công ty Tôn Văn. Nhưng khi đó, tôi muốn bắt đầu từ những dự án nhỏ trước, và thử làm việc ở các lĩnh vực không liên quan đến sở trường của gia đình để học hỏi kinh nghiệm. Tôi đã lớn lên cùng hành trình xây dựng công ty Tôn Văn của ba mẹ, hình ảnh 6 người thợ cần mẫn mài cắt từng vỏ sò, vỏ ốc trên căn gác xép của gia đình ở quận Phú Nhuận luôn ở trong tâm trí tôi.

Cho đến bây giờ khi Tôn Văn đã sở hữu khu nhà xưởng rộng 10.000 m2 tại Bình Dương, sản xuất bình quân 200.000 - 300.000 hạt nút áo mỗi ngày, tôi vẫn luôn trò chuyện với ba tôi về tình hình của công ty Tôn Văn, hỏi thăm các thông tin của công ty, rồi thường xuyên lên xưởng thăm và giúp đỡ các công việc. Mọi thứ cứ ngấm vào tôi tự nhiên và đơn giản như thế, cho nên khi quyết định lại khởi nghiệp lần nữa, tôi chọn lĩnh vực mà tôi cho là mình có nhiều thông tin và có sự gắn bó nhất, là làm những sản phẩm khảm trai.

Quyên từng nói điều mà bạn học được nhiều nhất từ cha mình trong việc khởi nghiệp là “không biết nhục”. Ngoài lần khởi nghiệp đầu tiên bị thất bại, bạn từng "nhục" qua lần nào chưa?

Trước khi tung sản phẩm bút khảm trai ra thị trường, tôi đã mang cả ngàn cây bút đi tặng khắp mọi nơi để xin góp ý. Có người người nói phải chỉnh cái này, có người chê xấu cái kia... nhưng tôi không xấu hổ, không tự ái. Họ có góp ý thì mình mới điều chỉnh được sản phẩm cho tốt hơn. Tôi cũng không xấu hổ khi nhìn bản báo cáo tài chính của công ty trong giai đoạn đầu, mà từ đó tôi tự nhận ra công đoạn nào đang nuốt tiền, lỗi nào là do quyết định sai lầm. Khởi nghiệp có nhiều khó khăn nhưng mang lại cho mình niềm vui lớn lao: tôi luôn nghĩ ngày mai mình có thể làm được. Giống như vẽ một bức tranh, mỗi ngày một vài nét bút sẽ đến một ngày bức tranh được hoàn thiện.

 
CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Những chiếc bút mang hoài bão con người - Ảnh 2

Tấm bằng loại ưu đã khiến cho tôi chủ quan, tôi nghĩ kiến thức mình đủ rồi, nhưng hóa ra tôi vừa thiếu thông tin, thiếu mối quan hệ, thiếu kinh nghiệm... Thương trường quá khủng khiếp, thực tế là bằng cấp không liên quan quá nhiều đến trải nghiệm đời thực. 

VỎ ỐC, VỎ SÒ THÀNH QUÀ TẶNG “ĐẶC SẢN”

Với những doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nhân sự - những người thợ lành nghề - luôn là vấn đề đau đầu nhất. Quyên sẽ làm gì để đảm bảo nhân lực cho quãng đường dài của BLUSaigon phía trước?

Trước khi thành lập BLUSaigon, tôi đã có 2 năm tập trung phát triển sản phẩm và đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm. Chỉ khi tạo được việc làm lâu dài cho những người thợ, thì mới có thể thuyết phục được họ. Ngoài việc đảm bảo cơm áo gạo tiền, giữ chân nhân sự còn phải bằng cả sự tôn vinh, trân trọng. Thường xuyên trao đổi với họ, giúp họ được đào tạo và nâng cao tay nghề, chính sách khen thưởng, quan tâm tới cuộc sống của họ... Ngoài ra, tôi cũng đang tiến hành quy trình hóa để có thể đào tạo những lớp nghệ nhân sau. Công nghệ sẽ giúp đơn giản hóa công việc truyền nghề, không còn là cầm tay chỉ việc mà có thể ghi lại bằng các video để các nghệ nhân lớp trước lưu giữ những kinh nghiệm, bí quyết, kỹ năng cần dạy lại cho những người thợ trẻ. 

Còn về nguồn nguyên liệu thì sao? Có bao giờ nguồn vỏ trai, vỏ sò trở nên khan hiếm hoặc không đủ chất lượng để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ nữa không?

Trong vòng 25 năm, công ty Tôn Văn chưa bao giờ gặp vấn đề gì về nguồn nguyên vật liệu. Gia đình tôi cũng đã sang Indonesia, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Úc để tạo ra mạng lưới cung cấp nguyên vật liệu trên toàn cầu, để không bao giờ bị động cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, mỗi một nơi lại có một tiêu chuẩn đánh bắt của riêng họ, nên có thể cung cấp đủ các loại vỏ các loài nhuyễn thể với màu sắc, đường vân... khác nhau. Vỏ trai, vỏ sò, vỏ bào ngư chỉ là phụ phẩm sau khi chế biến thực phẩm, sử dụng phần vỏ này là để giúp cho môi trường thay vì vứt bỏ. Việt Nam có đường bờ biển đẹp và dài, các sản vật từ biển rất nhiều, lịch sử của nghệ thuật khảm trai đã có trên 1 ngàn năm, do đó chúng tôi tự tin ngoài sản phẩm bút khảm trai, chúng tôi còn có thể mở rộng sản xuất đồ trang sức, đồ trang trí, khung tranh... mà không phải lo gì về vấn đề nguyên liệu.

Một chiếc bút của BLUSaigon có giá thành khá cao, công ty nhắm tới đối tượng khách hàng nào?

Tôi lại không muốn nhắc đến yếu tố giá cả bằng việc nhấn mạnh rằng: trung bình mỗi nghệ nhân dành từ 24 – 72 tiếng để làm ra một chiếc bút. Thông qua các sản phẩm mang thương hiệu BLUSaigon, tôi kỳ vọng có thể góp phần bảo tồn làng nghề khảm trai 1.000 năm tuổi và những ngành nghề khác bằng cách tìm đầu ra cho những sản phẩm liên quan và mang lại việc làm cho các nghệ nhân. 

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Những chiếc bút mang hoài bão con người - Ảnh 3
CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Những chiếc bút mang hoài bão con người - Ảnh 4
CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Những chiếc bút mang hoài bão con người - Ảnh 5
CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Những chiếc bút mang hoài bão con người - Ảnh 6
 

Doanh nhân, nhà quản lý, các “tín đồ” thời trang là nhóm khách hàng mục tiêu của BLUSaigon, khi họ có khả năng chi trả vài triệu đồng cho một chiếc bút mang dấu ấn riêng (có thể khắc tên theo yêu cầu), sử dụng 10 - 20 năm (hoặc khi hết mực có thể tiếp tục bơm thêm); hay từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng cho các sản phẩm trang sức như vòng tay, dây chuyền, bông tai…

Ở Việt Nam chưa có cây bút siêu cao cấp như Montblanc, sản phẩm hướng tới là quà tặng tầm nhìn quốc gia cũng là thị trường đang bị bỏ ngỏ. Với sản phẩm bút của BLUSaigon, mỗi một vân ốc trên cây bút là độc bản nên tất cả sản phẩm đều khác nhau và là duy nhất. Vì vậy, giấc mơ của tôi là đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ sò, vỏ ốc trở thành quà tặng “đặc sản”của Việt Nam cho giới thành đạt và bạn bè thế giới. Đồng thời là một kỷ vật có thể để lại cho con cháu.

Với thị trường quà tặng xa xỉ, người ta hay quan niệm: càng thủ công, hàng handmade thì càng quý. Bút khảm trai của Quyên có bao nhiêu % công đoạn là thủ công, bao nhiêu % là phải dùng đến dây chuyền máy móc?

Hiện tại, các loại máy mài, máy cắt, máy làm khuôn, máy đánh bóng... của chúng tôi không hoạt động thành dây chuyền mà hoạt động độc lập tại từng công đoạn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Có thể coi như đó là những công đoạn bán thủ công. Bút của BLUSaigon có khoảng 50% là thực hiện thủ công hoàn toàn, 50% là bán thủ công. Mỗi sản phẩm bút ngọc trai tính cá nhân hóa cao vì mỗi vỏ trai là độc bản với những vân sóng, màu sắc khác nhau. Sản phẩm vừa có giá trị sử dụng trong đời sống, vừa là sản phẩm thời trang đẹp đẽ. Chúng tôi cũng sẽ làm thêm dịch vụ khắc tên lên bút, gắn logo lên bút, đầu tư thiết kế để ra phom bút đặc biệt, để mỗi sản phẩm là độc bản, đẳng cấp và duy nhất.

MỘT DI SẢN ĐƯỢC KẾ THỪA

Quyên từng nói, điểm mạnh duy nhất của bạn là chăm chỉ và “không dấu dốt”... Thế còn điểm yếu? Ít khi mua sắm mà chỉ nghĩ đến lao động... có khi cũng là một điểm yếu ấy nhỉ, bởi vì để chăm sóc được khách hàng thì phải biết chăm sóc chính mình mà?

 
Giấc mơ của tôi là đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ sò, vỏ ốc trở thành quà tặng “đặc sản”của Việt Nam cho giới thành đạt và bạn bè thế giới. Đồng thời là một kỷ vật có thể để lại cho con cháu.

Hồi tôi học lớp 7, tôi từng nói với ba tôi: ước gì một ngày có 48h để có thể làm cho hết bài tập. Nhưng ba tôi nói: ai cũng chỉ có 24h đồng hồ mỗi ngày, quan trọng là cách mỗi người sử dụng thời gian ra sao thôi. Đến tận bây giờ, với tôi, cách dùng thời gian là một sự lựa chọn. Tôi ưu tiên thời gian để làm những việc tôi cần phải làm: phát triển sản phẩm, chăm sóc khách hàng... Còn lại các nhu cầu khác với tôi chỉ cần giữ ở yêu cầu cơ bản là được.

Tôi hay đến trung tâm mua sắm nhưng là để học hỏi cách các thương hiệu nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao gu thẩm mỹ bản thân, tìm hiểu nhu cầu thị trường... còn tôi ít khi mua sắm là vì tôi ít có nhu cầu trưng diện. Tôi yêu bản thân từ lòng tự trọng bên trong: không xuề xòa, đủ lịch sự để tôn trọng người đối diện và thích hợp với từng hoàn cảnh, luôn bồi đắp tri thức cho bản thân, luôn tự tin và lạc quan. Có người khi mặc đẹp hơn thì tự tin hơn, còn tôi khi phục vụ được người khác, chăm sóc được người khác thì tôi có được niềm vui và cảm nhận được giá trị của bản thân.

Nếu được chọn một chiếc bút đại diện cho con người mình, Quyên sẽ chọn giới thiệu chiếc bút nào?

Lúc nào tôi cũng mang theo một chiếc bút màu hồng bên người, vì tôi thích màu hồng và vẻ đẹp của nó rất ngọt ngào. Còn nếu để chọn một sản phẩm đại diện cho con người mình, tôi sẽ chọn chiếc bút vỏ bào ngư màu vàng. Ngoài sự quý hiếm về nguyên liệu, màu sắc của nó tuyệt đẹp, là sự hòa trộn của sắc xanh lá, vàng và xanh ngọc. Mỗi khi nhìn chiếc bút này, tôi nghĩ đến việc chúng ta có thể chỉ là một con ốc dưới đáy đại dương, nhưng chắc chắn là đều hữu ích. Và mỗi người là một bản thể riêng, độc đáo, không trùng lặp. 

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Những chiếc bút mang hoài bão con người - Ảnh 7

Theo Quyên, liệu đến bao giờ thì BLUSaigon trở thành một Mont Blanc của Việt Nam?

Mont Blanc mất 115 năm, Apple mất 45 năm, Amazon mất 27 năm, còn Tesla mất có 17 năm... để xây dựng được đế chế như hiện tại. Thời gian dường như càng lúc càng rút ngắn lại, đó là nhờ công nghệ thông tin và giao tiếp không giới hạn. Tuy nhiên, thời đại này thành công nhanh thì thất bại cũng nhanh. Tôi đủ kiên nhẫn để phát triển từng bước, phù hợp với khả năng nhưng cũng không quá chậm so với thời đại công nghệ số.

Có thể BLUSaigon mất khoảng 25 – 35 năm mới tạo nên một thương hiệu thực sự đẳng cấp của Việt Nam, nhưng điều tôi quan tâm hơn là sự kế thừa thế hệ. Như người ta hay nói “nhà tôi ba đời làm sản phẩm khảm trai”, tôi cũng hy vọng BLUSaigon trở thành một trong những công ty của Việt Nam được phát triển qua bốn thế hệ, năm thế hệ... Một di sản được kế thừa và tiếp nối, đối với tôi chính là sự khẳng định quý giá nhất. 

 
Cha của Xuân Quyên là ông Tôn Thạnh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn, được biết đến với tên gọi "vua cúc áo" Việt Nam. Tôn Văn Group chuyên xuất khẩu cúc áo bằng vỏ sò và ngọc trai sang rất nhiều nước trên thế giới, doanh thu lên đến 40 tỷ đồng/ năm. Được chuyển giao việc chế tác và giới thiệu sản phẩm này từ bố để độc lập sản xuất, Tôn Nữ Xuân Quyên đã chính thức dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ trai, vỏ ốc.